(Thethaovanhoa.vn) - Nếu bạn để ý sẽ thấy hầu như tất cả các cửa hàng buôn bán, công ty, những nơi kinh doanh đều có lập bàn thờ Thần Tài. Ngày vía của Thần Tài là ngày mùng 10 Tết.
Vào ngày này, hầu như tất cả mọi người đều làm lễ cúng để cầu xin một năm mới làm ăn được tấn tài tấn lộc.
Ý nghĩa ngày Thần Tài là gì?
Theo truyền thuyết, chuyển kể rằng ngày xưa dưới trần gian không Thần Tài mà chỉ có Thần Tài ở trên trời, người là vị thần cai quản tài lộc, tiền bạc. Do một lần đi chơi, nhậu xỉn, Thần Tài say quá không làm chủ bản thân nên đã rơi xuống trần gian, ngất xỉu do đầu va vào đá. Mọi người thấy Thần Tài ăn mặc như diễn viên tuồng cải lương thì lột sạch quần áo, mũ nón đem bán. Thần Tài tỉnh dậy không nhớ mình là ai nên đi lang thang ăn xin khắp nơi.
Vào đến một cửa hàng kinh doanh nọ, ông thấy chủ cửa hàng buôn bán gà vịt ế ẩm, Thần Tài được mời vào ăn. Kỳ lạ thay, từ khi Thần Tài vào ăn thì khách ở đâu ùn ùn kéo tới, người bán hàng thấy vậy, ngày nào cũng mời thầy tài đến ăn. Có lẽ từ đây mà có câu Thần Tài gõ cửa. Mọi người dân buôn bán quanh vùng coi Thần Tài như báu vật, liền lập bàn thờ để cúng.
Ngày vía Thần Tài
Để tưởng nhớ Thần Tài, mọi người lựa chọn ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch, tức ngày Thần Tài bay về trời để làm lễ cúng. Tuy nhiên bình thường mọi ngày, nhiều người vẫn cúng hoa quả, trái cây, bánh kẹo đầy đủ để mong một ngày làm ăn thuận lợi, buôn may bán đắt.
Cúng Thần Tài thường có những thứ sau: 1 bình hoa tươi, 1 con tôm, 1 con cua, 1 miếng thịt lợn luộc, 1 con cá lóc nướng, 1 bộ tiền vàng, 1 đĩa trái cây tươi, 1 bình rượu.
Ngày vía Thần Tài mua vàng?
Ý nghĩa ngày Thần Tài là gì, có lẽ sau khi đọc nguồn gốc, sự tích ngày Thần Tài, mọi người cũng sẽ phần nào đoán được về ý nghĩa ngày Thần Tài. Ngày mà tất cả mọi người những người làm ăn buôn bán, kinh doanh sẽ làm lễ cúng với mục đích mong muốn sang một năm mới sẽ có nhiều thuận lợi hơn, có nhiều tài lộc, tiền bạc hơn.
Theo truyền thống của người Việt Nam cũng như nhiều nước khác, vàng luôn được coi là báu vật, là thứ cực kỳ quan trọng, nó không chỉ có giá trị thiết thực mà nó còn mang ý nghĩa của sự phú quý giàu có, cát tường, may mắn.
Bởi vậy ngày vía Thần Tài, người dân sẽ mua vàng vào ngày màu để cầu mong sự may mắn, một năm mới tiền bạc rủng rỉnh, tiền tiêu không thiếu, buôn bán thuận lợi. Vào ngày này bạn sẽ thấy mọi người xếp hàng trước các cửa tiệm vàng.
Ban thờ Thần tài - Thổ địa
Ban thờ Thần tài - Thổ địa rất được coi trọng bởi đây là các vị thần cai quản tài lộc, tiền bạc và may mắn.
Thần tài và Thổ địa là hai vị thần thường được thờ chung, họ cai quản tài lộc, tiền bạc và phù hộ sự may mắn, làm ăn thuận lợi. Chính vì thế, việc thờ cúng, bài trí ban thờ Thần tài rất được xem trọng. Tuy nhiên, việc bài trí, đặt đồ vật, lễ vật... và một số lưu ý không thể bỏ qua gồm những điều gì, độc giả có thể tham khảo trong thông tin dưới đây.
Theo giân dan, Thần tài là vị thần cai quản tiền tài, vàng bạc còn Thổ địa (Ông địa) được xem là vị thần hộ mệnh, cai quản vùng trời, đất đai, phù hộ cho mùa màng tươi tốt, con người và cả gia súc. Một vị gắn liền với đời sống kinh tế, buôn bán; một vị mang đặc trưng của kinh tế nhà nông. Vì thế, hai vị thần thường được thờ cúng chung với nhau và việc thờ cúng cũng được thực hiện quanh năm. Tuy nhiên, việc cúng lễ hai vị thần này được coi trọng hơn cả là vào ngày Thần tài về trời (10 tháng Giêng âm lịch hàng năm).
Vị trí đặt ban thờ Thần tài thế nào mới đúng?
Việc đặt ban thờ Thần tài là điều được coi trọng nhất và thường được đặt theo hướng tốt đối với từng gia chủ hoặc hướng đón Khí (Lộc) từ ngoài vào. Đối với những người buôn bán, kinh doanh, ban thờ Thần tài được đặt hướng thuộc cung Thiên Lộc hoặc Quý Nhân.
Cung Thiên Lộc mang lại may mắn về tiền bạc, tài sản thăng tiến, thịnh vượng. Bên cạnh đó, việc đặt ban thờ theo cung này còn khiến gia chủ làm ăn tấn tới, phát đạt, kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, cần phải tránh hướng chịu sự ảnh hưởng của các sao xấu: Không vong, Tử, Tuyệt.
Cung Quý Nhân: Quý Nhân Thiên Ất là vị thần đứng đầu cát thần, được tương truyền là vô cùng linh thiêng, có thể trấn và chế ngự được mọi chỗ động vì thế, hướng Quý Nhân thường mang lại sự bình an, cát khánh, thuận hòa, may mắn cho gia đạo. Không chỉ thế, sao Quý Nhân còn mang ý nghĩa cứu trợ, giải tai ách nên ban thờ đặt theo hướng này gia chủ sẽ gặp hung hóa cát, gặp nhiều thuận lợi trên con đường công danh, học hành.
Thông thường, khi đặt ban thờ Thần tài, trước mặt phải quang đãng, sạch sẽ; sau lưng tựa vào vách tường chắc chắn, kiên cố và không được trổ lỗ, tránh các góc nhọn ở phía sau lưng ban thờ.
Ngoài ra, việc đặt ban thờ cần được đặt theo hướng phù hợp với tuổi của gia chủ.
Ý nghĩa các đồ vật được đặt trên ban thờ Thần tài?
Để gia chủ hay cơ sở kinh doanh luôn gặp may mắn, thuận lợi, việc bài trí ban thờ Thần tài cũng được chú trọng hết mực.
Trên ban thờ Thần tài thường được đặt các đồ vật, lễ vật sau:
- Ban thờ Thần tài: kích cỡ phù hợp với từng địa điểm, vị trí, trên vách dán một tấm bài vị.
- Tượng Thần tài - Thổ địa: thường được làm bằng sứ, đặt hai bên ban thờ. Theo nguyên tắc, vị trí đặt (nhìn từ ngoài vào) sẽ là: tượng Thần tài bên trái, tượng Thổ địa bên phải.
- Tượng Phật Di Lặc: là vị thần quản lý và ngăn chặn các vị thần làm những điều sai trái, thường được đặt bên trên ban thờ Thần tài.
- Hũ gạo, hũ muối, hũ nước đầy: được đặt ở giữa hai tượng Thần tài - Thổ địa. Đây là những vật tượng trưng cho cuộc sống no đủ, êm ấm và được đặt từ đầu năm cho tới cuối năm mới được đem thay.
- Bát nhang: được đặt giữa ban thờ và tuyệt đối không được xê dịch, di chuyển.
- Lọ hoa tươi: đặt bên phải ban thờ (không nên sử dụng hoa giả). Các loại hoa thường được sử dụng: hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền... và quan trọng không được để hoa, lá bị héo trên ban thờ.
- Quả tươi: thường là mâm/đĩa ngũ quả.
- 5 chén nước xếp hình chữ thập: tượng trưng cho ngũ hành và ngũ phương phát triển.
- 5 củ tỏi: đặt vào trong một chiếc đĩa nhỏ với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ.
- Bát nước đầy rắc cánh hoa hồng ở trên: mang ý nghĩa giữ cho tiền bạc không bị trôi đi. Thường được đặt trên nền đất ngoài cùng ban thờ.
- Tượng Ông Cóc: đặt bên trái ban thờ với ý nghĩa đón sinh khí, tài lộc. Ban ngày quay tượng ra ngoài và tối quay vào trong.
Việc thờ cúng Thần tài cần được thực hiện quanh năm, đặc biệt là các ngày mùng 1 (âm lịch), ngày rằm và ngày 10 (âm lịch) hàng tháng là ngày vía thần tài. Xung quanh vị trí đặt ban thờ cũng như tượng các vị thần cần được giữ gìn, lau chùi, tắm rửa sạch sẽ thường xuyên.
Nhi Thảo
Tags