(Thethaovanhoa.vn) - Nếu Quang Hải chia tay Hà Nội FC để khoác áo một đội bóng nước ngoài, đó sẽ là một cú hích lớn trong sự nghiệp. Nó tốt cho Quang Hải, cho cả chính bóng đá Việt Nam.
Con đường mang tên Chanathip
Trận bán kết lượt đi AFF Cup 2021, Chanathip Songkrasin cầm bóng xộc thẳng vào trung lộ, bằng 2 nhịp di chuyển và phối hợp với đồng đội, anh đã đối mặt với thủ môn Nguyên Mạnh. Một cú dứt điểm nhẹ nhàng, Chanathip đã đánh bại thủ thành của tuyển Việt Nam. Trước đó, hàng thủ của Việt Nam chưa phải nhận một bàn thua nào ở AFF Cup 2021, nhưng lại dễ dàng để cho Chanathip lập một cú đúp. Chứng kiến cách cầu thủ này ghi bàn hay cách anh nhảy múa để rồi loại bỏ Văn Đức trong một pha qua người đẳng cấp, nhiều CĐV Việt Nam phải thốt lên Chanathip "out trình" Đông Nam Á.
Đó là một thực tế không thể bàn cãi, khi những gì Chanathip thể hiện hoàn toàn khác biệt, vượt trội so với phần còn lại của bóng đá khu vực. Nó lý giải vì sao một tuyển Thái Lan không thực sự mạnh, nhưng với nhạc trưởng mang tên Chanathip, họ vẫn giành chức vô địch AFF Cup 2022 một cách thuyết phục nhất.
Để đạt được đẳng cấp như thế, tự Chanathip đã phải trải qua một quá trình hoàn thiện mình. Ở đó, anh tự tìm cho mình những cơ hội, nắm bắt và tận dụng triệt để, qua đó nâng tầm đẳng cấp bản thân. Chanathip nổi lên như một hiện tượng của bóng đá Thái Lan, khi anh được ví như một "Messi Thái", qua những gì thể hiện ở màu áo Muangthong United. Song phải khi sang Nhật, nơi Consadole Sapporo đưa ra lời đề nghị, Chanathip mới vươn tầm châu lục. Anh khẳng định mình là một trong những cầu thủ hay nhất của bóng đá châu Á sau bản hợp đồng trị giá gần 4 triệu USD (gần 100 tỷ đồng) với ĐKVĐ J-League Kawasaki Frontale trong mùa Hè vừa qua.
Có một nét tương đồng nào đó giữa Quang Hải và Chanathip. Họ giống nhau về thể hình (cao chưa đến 1m7), cùng là những ngôi sao sáng giá nhất của bóng đá nước nhà, cùng được nhiều CLB nước ngoài theo đuổi. Chanathip đã chấp nhận thách thức, dám bước ra khỏi vùng an toàn ở tuổi 23, thời điểm anh khoác áo Consadole Sapporo theo dạng cho mượn. Đó hoàn toàn có thể là một con đường để Quang Hải, khi bước sang tuổi 25 đẹp nhất của cuộc đời cầu thủ, có thể đi tiếp.
Giấc mơ “xuất khẩu cầu thủ”
Lê Công Vinh có một quãng thời gian chơi bóng tại Bồ Đào Nha. Xuân Trường từng chơi bóng ở Hàn Quốc và Thái Lan. Công Phượng cũng đã đầu quân cho các đội bóng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Bỉ trong khi Văn Hậu cũng đã khoác áo một CLB của Hà Lan. Có một điểm chung từ những thương vụ này khi đó đều là những bản hợp đồng cho mượn hoặc "ký gửi" với mục đích học hỏi là chính. Hầu hết trong số họ đều không thành công trong việc chứng minh giá trị và phải trở về khi hợp đồng kết thúc.
Trường hợp của Quang Hải khác hoàn toàn. Việc từ chối ký hợp đồng mới với Hà Nội cũng cho thấy tiền vệ ngôi sao dường như đã có đầu ra cho tương lai của mình. Mạn phép không bàn đến nếu đó là một CLB khác ở V-League. Nhưng nếu là một CLB nước ngoài, thì nó được ví là một cú hích lớn cho chính anh.
Ở tuổi 24, Quang Hải đã có đủ các danh hiệu bóng đá nội. Anh có đầy đủ những chiếc cúp, cũng đã sở hữu danh hiệu Quả bóng vàng. Nói một cách khác, V-League là một sân chơi quá quen thuộc, nếu không muốn nói là nhàm chán đối với tiền vệ này. Việc cứ căng mình ra đá hết mùa giải này rồi đến mùa giải khác sẽ khiến cho động lực của chính Quang Hải giảm dần đi theo năm tháng.
Thứ Quang Hải cần nếu chơi bóng ở nước ngoài chính là khả năng thích nghi với môi trường và văn hóa bóng đá mới. Nếu vượt qua được rào cản này, anh hoàn toàn có thể khẳng định mình. Hơn nữa, xuất ngoại ở thời điểm này không chỉ tốt cho cá nhân Quang Hải, mà còn cho chính bóng đá Việt Nam nữa.
ĐTVN đã vươn ra tầm châu lục nên cần phải có những cầu thủ đạt thương hiệu tầm châu lục. Thủ môn Văn Lâm đã làm được ở Thái Lan rồi Nhật Bản, Quang Hải cũng sẽ làm được nếu anh chấp nhận thách thức này. Chính họ sẽ mở ra con đường mới, giúp bóng đá Việt Nam hứa hẹn bước ra khỏi "vùng trũng" của khu vực.
Trần Giáp
Tags