(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/11 (giờ Việt Nam) tới đây, nguyệt thực dài nhất trong hơn 500 năm qua sẽ xảy và kéo dài trong nhiều giờ.
Cụ thể, nguyệt thực một phần sẽ diễn ra vào rạng sáng 19/11 khi 97% bề mặt Mặt trăng bị bóng của Trái đất che khuất. Sự kiện nguyệt thực một phần dài nhất trước đó xảy ra năm 2018 trong chưa đầy hai giờ. Trong khi đó, hiện tượng năm nay sẽ kéo dài vài giờ.
Kênh truyền hình RT dẫn thông báo của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho người dân ở Mỹ, Canada và Mexico đều có thể quan sát nguyệt thực. Các khu vực khác như Nam Mỹ, Polynesia, Australia và Trung Quốc cũng có may mắn trên.
Mặt trăng sẽ ở điểm xa Trái đất nhất trong thời gian diễn ra nguyệt thực, làm chậm quỹ đạo và kéo dài thời gian di chuyển của hành tinh này ra khỏi phần tối nhất, được gọi là umbra. Đài quan sát Holcomb đã phát hành một đoạn video mô tả chi tiết nguyệt thực sắp tới sẽ như thế nào.
Sự kiện này chỉ xảy ra ngay sau nửa đêm và khác với nhật thực, mọi người không cần thiết bị đặc biệt khi theo dõi.
Khi nguyệt thực xảy ra, Mặt trăng sẽ chuyển màu hơi đỏ. Sự kiện này sẽ diễn ra trong vài giờ, trở thành hiện tượng dài nhất trong 580 năm. Kỳ nguyệt thực tiếp theo xảy ra sớm nhất vào tháng 5/2022.
Theo trang Live Science, mặc dù các giai đoạn đầu của nguyệt thực một phần xảy ra trước khi Mặt trăng lên cao ở Đông Nam Á, những người yêu thích thiên văn tại đây vẫn có thể xem Mặt trăng “bị ăn mất” ở giai đoạn cực đỉnh.
- VIDEO: Xem nguyệt thực một phần ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới
- Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ: Mỗi quốc gia một màu Trăng khác nhau
- Nguyệt thực dài nhất thế kỷ 21 xuất hiện, có những kinh nghiệm này sẽ thu được hình ảnh đẹp hơn
Không may, châu Phi, Trung Đông và Tây Á sẽ không thể quan sát kỳ nguyệt thực cuối cùng của năm 2021. Những khu vực khác cũng có thể bị mây mù che mất tầm nhìn, do vậy Live Science khuyến cáo mọi người nên xem dự báo thời tiết trước khi lên kế hoạch ngắm trăng.
Tại sao có hiện tượng nguyệt thực?
Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt trăng, Trái Đất và Mặt trời lần lượt nằm trên một đường thẳng (hoặc gần thẳng) và Mặt Trăng đi qua bóng của Trái Đất. Khi đó, Mặt trăng nằm đối diện với Mặt trời qua Trái Đất, chính vì vậy, nguyệt thực chỉ xảy ra vào ngày trăng tròn. Do khoảng cách giữa Mặt trăng, Trái Đất và Mặt trời nên trên thực tế bóng của Trái Đất được chia thành hai vùng: vùng bóng tối và vùng bóng nửa tối.
Do có sự phân vùng này mà nguyệt thực được chia làm ba loại, tương ứng với ba giai đoạn. Thứ nhất là nguyệt thực nửa tối – xảy ra khi Mặt trăng đi qua vùng bóng nửa tối của Trái Đất. Vào thời điểm này, Mặt trăng chỉ tối đi đôi chút, do đó nguyệt thực nửa tối thường ít được săn đón như hai loại còn lại.
Sau khi di chuyển qua vùng bóng nửa tối, Mặt trăng sẽ đi đến vùng bóng tối. Vào thời điểm Mặt trăng ở giữa hai vùng này, chúng ta có thể quan sát hiện tượng nguyệt thực một phần. Khi đó, Mặt trăng tròn sẽ bị mất một phần như một miếng bánh quy khổng lồ bị ai đó cắn mất một góc vậy. Và giai đoạn được mong đợi nhiều nhất – nguyệt thực toàn phần – xảy ra khi Mặt trăng đi qua vùng bóng tối của Trái Đất và bị che khuất hoàn toàn. Tuy nhiên, Mặt trăng không “biến mất” mà lại xuất hiện với ánh đỏ mê hoặc.
Không phải bất kì lần trăng tròn nào cũng xảy ra nguyệt thực. Do mặt phẳng quỹ đạo của Mặt trăng nghiêng 5 độ so với mặt phẳng hoàng đạo, nên không phải lúc nào Mặt trăng, Trái Đất và Mặt trời nằm trên một đường thẳng. Điểm giao giữa đường đi biểu kiến của Mặt trời và Mặt trăng được gọi là điểm nút, chỉ khi Mặt trăng đi qua điểm nút này thì chúng ta mới có thể quan sát được nguyệt thực.
PV/TTXVN
Tags