Chăm sóc, ưu đãi Người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng, thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương chính sách và tổ chức thực hiện kịp thời, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần phải xem xét tại các địa phương, nhất là đối với những trường hợp không còn hồ sơ gốc, những hồ sơ tồn đọng.
Nhiều sai phạm trong thực hiện chính sách
Chăm sóc sức khỏe cho người có công. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Trong quá trình kiểm tra, thanh tra Bộ đã phát hiện nhiều sai phạm của các địa phương trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công. Trong đó, thanh tra đã phát hiện hơn 600 hồ sơ sai sót tại 13 địa phương, đặc biệt phát hiện hơn 300 hồ sơ giả di chuyển chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam để hưởng chế độ.
Trong phạm vi toàn quốc, tính từ năm 2008 đến 2013 có hơn 7.000 đối tượng bị đình chỉ trợ cấp do không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 75 tỷ đồng.
Công tác tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ đã phát hiện 609/7.460 hồ sơ có sai sót; qua đó đã đình chỉ trợ cấp đối với 160 hồ sơ thương binh, 103 hồ sơ của đối tượng nhiễm chất độc hóa học; tạm dừng trợ cấp đối với 188 hồ sơ thương binh và 158 hồ sơ của đối tượng nhiễm chất độc hóa học. Các địa phương có hồ sơ sai sót cao là Đồng Nai (150 hồ sơ); Thanh Hóa (70 hồ sơ); Phú Thọ (69 hồ sơ), Quảng Bình (58 hồ sơ), Bình Phước (46 hồ sơ) ...
Những dạng sai sót chủ yếu được phát hiện là: giả mạo, khai man giấy tờ chứng minh bị thương, giả mạo giấy tờ y tế chứng minh điều trị vết thương tái phát - một trong những điều kiện để được giám định lại thương tật; hồ sơ không đủ giấy tờ theo quy định, người làm chứng không hợp pháp, mâu thuẫn về thời gian ghi trong hồ sơ, trình tự xác lập hồ sơ... Đối với hồ sơ của đối tượng nhiễm chất độc hóa học, giả mạo hồ sơ y tế như bệnh án giả, đối tượng không thực hiện quá trình điều trị bệnh, tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học theo danh mục bệnh, tật theo quy định tại Quyết định 09/2008/QĐ- TTg, giả mạo giấy tờ gốc chứng minh tham gia kháng chiến như tẩy xóa, sửa chữa, viết thêm địa bàn hoạt động...
Thanh tra Bộ đã kiến nghị thu hồi số tiền hơn 10,4 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước, trong đó hơn 9, 57 tỷ đồng chi trợ cấp hàng tháng không đúng đối tượng và hơn 905 triệu đồng chi ưu đãi giáo dục đào tạo, thăm viếng mộ liệt sĩ và chi cho công tác quản lý không đúng quy định.
Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để việc thu hồi số tiền đã chi cho các đối tượng không đúng quy định. Theo báo cáo của các địa phương đ ến nay mới thu hồi được hơn 500 triệu đồng .
Nhiều trường hợp giả mạo hồ sơ
Thanh tra Bộ đã thực hiện rà soát hồ sơ người có công với cách mạng di chuyển đi, đến giữa các địa phương trong toàn quốc từ năm 2006 đến năm 2012 (trọng tâm là hồ sơ thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học). Qua đó đã phát hiện nhiều trường hợp giả mạo hồ sơ di chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào phía Nam để hưởng chế độ.
Thanh tra đã phát hiện 331 hồ sơ giả tại 29 địa phương (trong đó Thanh tra Bộ phát hiện 311 hồ sơ, địa phương phát hiện 20 hồ sơ). Những địa phương có nhiều hồ sơ giả là: Đắk Lắk 57 hồ sơ, Đắk Nông 52 hồ sơ, Hà Nội 50 hồ sơ, Đồng Nai 36 hồ sơ, Thành phố Hồ Chí Minh 25 hồ sơ, Lâm Đồng 25 hồ sơ, Gia Lai 20 hồ sơ, Bình Phước 11 hồ sơ...
Thanh tra Bộ đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương có hồ sơ giả chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đình chỉ trợ cấp, thu hồi số tiền đối tượng đã hưởng; chuyển toàn bộ hồ sơ giả đến cơ quan điều tra của Công an để điều tra, khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Thanh tra Bộ trình Bộ báo cáo Văn phòng Chính phủ về tình hình sai phạm trong xác lập hồ sơ người có công với cách mạng và đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an: tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương chủ động nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời xử lý tình trạng làm giả hồ sơ người có công với cách mạng; tập trung điều tra, xử lý hình sự một số vụ án trọng điểm, xác định đối tượng liên quan trong cơ quan Nhà nước nhằm răn đe, ngăn chặn, phòng ngừa.
Đến nay, tất cả các đối tượng giả mạo hồ sơ đã bị đình chỉ trợ cấp; tổng số tiền đối tượng đã chiếm hưởng trái pháp luật là hơn 14 tỷ đồng, số tiền đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước là hơn 8 tỷ đồng. Hồ sơ giả của các đối tượng đã được chuyển đến Cơ quan điều tra của công an để điều tra, xử lý theo quy định. Tổng số đối tượng đã bị đưa ra xét xử là 48; tổng số đối tượng đang trong quá trình điều tra là 196.
Khắc phục những sơ ở trong quản lý hồ sơ
Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiến nghị Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện Chương trình phối hợp Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về xác nhận thương binh do cơ quan quân đội thực hiện từ quý 4/2013 đến quý 4/2016 tại các Quân khu; chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở trong quản lý hồ sơ, xác nhận thương binh .
Bộ Y tế cần k hẩn trương ban hành văn bản quy định danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hóa học; hướng dẫn, quy định về tiêu chuẩn thương tật, bệnh tật, dị dạng, dị tật, tổ chức khám, giám định đối với thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con của người có công; tăng cường kiểm tra công tác khám, chẩn đoán và cung cấp hồ sơ bệnh án điều trị ...
Bộ Công an tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật trong việc xác lập hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng...
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyển khẳng định hiện, Bộ đang chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các kết luận, xử lý trách nhiệm của những người gây ra sai phạm theo đúng quy định của pháp luật .