Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện nay thành phố quản lý 583 tuyến đường và 273 cầu các loại với tổng chiều dài 1.178km bao gồm các tuyến đường trục hướng tâm, tuyến đường vành đai, tuyến phố chính đô thị, đường phố khu vực và đường ngoài đô thị. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của Hà Nội còn thiếu về số lượng và phân bổ chưa hợp lý, mật độ km/km2 diện tích còn chênh lệch khá lớn giữa nội thành và ngoại thành, giữa khu vực Hà Nội cũ và vùng Hà Nội mở rộng.
Hiện tại, chưa có tuyến đường vành đai nào được hoàn chỉnh theo quy hoạch, các nút giao thông lập thể quá ít, giao cắt giữa đường sắt và đường bộ đô thị hầu hết là giao cắt đồng mức. Những bất cập này là nguyên nhân chủ yếu gây ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, số lượng phương tiện giao thông cá nhân gia tăng quá nhanh (khoảng 10% - 15%/năm) càng làm tăng sức ép về tổ chức giao thông cho các phương tiện lưu hành trên đường; ý thức chấp hành luật lệ giao thông kém cũng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông khá phổ biến và ngày càng trầm trọng.
Trước thực trạng trên, hầu hết các tham luận tại Diễn đàn cho rằng, bên cạnh các phương tiện thông tin đại chúng, cần phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác tuyên truyền, vận động mọi người tham gia giao thông chấp hành đúng luật lệ, xây dựng văn hoá giao thông. Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Tân, để xây dựng văn hóa giao thông cần tuyên truyền mạnh việc bảo đảm 5 tiêu chí chung cho người tham gia giao thông là: Cần thực hiện nghiêm các quy định của Luật giao thông; cần tôn trọng và nhường nhịn nhau trong tham gia giao thông; không phóng nhanh vượt ẩu; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không vứt rác ra đường và làm ồn đường phố. Đồng quan điểm này, theo PGS, TS Phạm Duy Đức, Học viện Hành chính quốc gia, thành phố cần tổ chức tốt cuộc vận động “Xây dựng văn hóa giao thông” với khẩu hiệu “Hai cần, ba không” có nội dung như trên. Các đại biểu đều thống nhất ý kiến, tổ chức tốt cuộc vận động “Xây dựng văn hóa giao thông” ở Thủ đô Hà Nội với những bước đi và hình thức thích hợp là cơ sở để tạo nên nếp sống văn minh, thanh lịch của người dân Thủ đô hiện nay.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe giới thiệu những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong chiến dịch xây dựng văn hóa giao thông từ năm 1970, những thay đổi về chính sách giao thông ở Hàn Quốc như thay đổi về chính sách đường bộ, đường sắt đô thị, xe buýt, xe taxi, việc đỗ xe...