(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian qua, dư luận xôn xao việc UBND phường Lĩnh Nam và Thanh Trì thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội) trong nhiều năm qua đã tùy tiện ký hợp đồng cho cá nhân, đơn vị thuê đất khu vực bãi sông Hồng trái thẩm quyền với quy mô diện tích hàng chục ngàn m2, sau đó xây dựng nhiều nhà xưởng, công trình trái phép tại khu vực này.
Cho thuê đất trái thẩm quyền, sử dụng đất sai mục đích
Theo quan sát thực tế, tại khu vực bãi sông Hồng thuộc địa bàn phường Lĩnh Nam và Thanh Trì có hàng chục nhà xưởng, công trình kiên cố mọc lên, thậm chí một số bãi đất trống còn được các đối tượng đổ rác thải tràn lan. Người dân địa phương cho biết những công trình nhà xưởng này được xây dựng và hoạt động đã nhiều năm và hầu hết không có giấy phép.
Điển hình như trường hợp Công ty cổ phần Sông Đà Việt Đức đã lắp đặt trạm trộn bê tông tươi với công suất 180 m3/giờ trên phần diện tích hàng nghìn m2 tại khu bực bãi Nghè thuộc phường Lĩnh Nam từ năm 2010. Mặc dù đã hết giấy phép đã hết từ lâu nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình không di rời trạm trộn bê tông này, gây bức xúc trong nhân dân.
Trên địa bàn phường Thanh Trì cũng có các trường hợp sai phạm tương tự. Năm 2005, UBND phường Thanh Trì đã kí bàn giao khoán đất cho Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Hồng Anh có địa chỉ tại tổ 21, phường Thanh Trì, do ông Nguyễn Văn Hồng làm Giám đốc với diện tích khoảng 17 nghìn m2.
Mục đích sử dụng đất ghi trong hợp đồng là để đầu tư trồng cây sinh thái nhưng sau khi ký hợp đồng thuê đất Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Hồng Anh chỉ sử dụng hơn 4.500 m2, phần diện tích còn lại doanh nghiệp đã ký hợp đồng cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp khác thuê lại. Điều đáng nói là các đơn vị thuê lại đất của Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Hồng Anh tiếp tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép.
Cho đến nay, các doanh nghiệp này đã đầu tư san lấp, làm sân bê tông, làm bãi tập ô tô, xây dựng hàng chục công trình văn phòng, nhà xưởng, kho bãi trái phép, ngang nhiên chiếm dụng đất công bất chấp pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 4/10/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có kết luận thanh tra số 1316/KLTT-STNMT ghi rõ: Việc cho thuê đất của UBND các phường là trái thẩm quyền và việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân là sai mục đích.
Cụ thể, trên địa bàn phường Lĩnh Nam có 9 doanh nghiệp và địa bàn phường Thanh Trì có 21 doanh nghiệp. Tại công văn này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng kiến nghị UBND thành phố chấp thuận cho phép các doanh nghiệp có hợp đồng do UBND phường Thanh Trì cho thuê trái thẩm quyền và đang thực tế sử dụng đất được thuê đất và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất với Nhà nước.
Ngày 28/02/2014, UBND thành phố Hà Nội có văn bản 1354/UBND-TNMT chấp thuận về chủ trương cho phép các doanh nghiệp được hoàn thiện hồ sơ thuê đất với nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, xong trước quý II năm 2014.
Trao đổi với phóng viên về những sai phạm nêu trên, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết: Đối với những vi phạm trong quản lý đất đai ở phường Thanh Trì và Lĩnh Nam, quận sẽ có báo cáo hết sức chi tiết; tuy nhiên đây là những vi phạm tồn dư.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai khẳng định từ tháng 4/2015 đến nay, tại các địa bàn trên không có sai phạm mới phát sinh do UBND quận Hoàng Mai đã rất nghiêm khắc trong việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng vi phạm trên địa bàn và có dấu hiệu sai phạm là xử lý dứt điểm ngay.
Đề xuất quy hoạch xây dựng Làng nghề của thành phố ven sông
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai đã ban hành các thông báo số 158/TB - UBND ngày 25/3/2014, thông báo số 179/TB - UBND ngày 28/3/2014 về việc hoàn thiện các thủ tục về đất đai theo quy định của pháp luật; đồng thời tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Ngày 01/10/2014, UBND quận Hoàng Mai có văn bản số 120/UBND-TNMT ngày 28/01/2015 làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp để đôn đốc hướng dẫn trình tự thủ tục hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại (tháng 7/2016), mới chỉ có 5 doanh nghiệp được UBND thành phố Hà Nội ký quyết định cho thuê đất.
Trước thực trạng này, ngày 12/7/2016, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND quận Hoàng Mai, trên cơ sở Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg, ngày 18/02/2016 tiếp tục tổ chức rà soát tổng thể các tổ chức đang sử dụng đất bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàng Mai, tổng hợp, đề xuất báo cáo UBND thành phố Hà Nội quyết định cho thuê đất theo quy định và theo thẩm quyền đối với các trường hợp nào đủ điều kiện; các trường hợp không đủ điều kiện được tiếp tục tồn tại thì thông báo cho các tổ chức được biết, có phương án di chuyển; xử lý theo quy định pháp luật nếu cố tình không thực hiện.
Đồng quan điểm và nhất quán trong chỉ đạo, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cũng cho rằng: Đối với các doanh nghiệp không hoàn thiện hồ sơ thuê đất với Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật hoặc dự án không được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, cho phép đầu tư, UBND quận Hoàng Mai đã và đang tiếp tục tổng hợp, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ thu hồi đất theo quy định tại Điều 38 Luật đất đai.
Để đưa quỹ đất vùng bãi sông Hồng trên địa bàn phường Thanh Trì vào khai thác hiệu quả, đúng theo quy định pháp luật, UBND quận Hoàng Mai đã đề xuất lên UBND thành phố Hà Nội nghiên cứu, xem xét diện tích để quy hoạch xây dựng Làng nghề giới thiệu sản phẩm chế tác đá tại khu vực ngoài bãi sông Hồng trên địa bàn phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai.
Hiện khu vực bãi sông Hồng thuộc địa phận quận Hoàng Mai có hàng nghìn hộ dân sinh sống nhưng hệ thống công trình an sinh xã hội như đèn, đường, trường học... đều rất thiếu, do vướng quy hoạch vùng thoát lũ. Thậm chí, chính quyền địa phương trước đây đã phải xây dựng "chui" trường học để học sinh có nơi để học vì mỗi lần trẻ nhỏ đi học phải đi bộ qua đê sông Hồng rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, khu vực bãi sông Hồng nằm trên địa phận 2 phường Thanh Trì và Lĩnh Nam có vị trí giao thông rất thuận lợi với đường sông là sông Hồng, đường sắt là ga Giáp Bát và đường bộ là hệ thống cầu Thanh Trì. Do vậy, nếu được quy hoạch thành làng nghề, làm hạ tầng cơ sở và cảnh quan đô thị đẹp sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nơi đây; đồng thời tránh được thất thu thuế đất và lại hỗ trợ được cho doanh nghiệp chân chính phát triển.
TTXVN/Nguyễn Thắng
Tags