Vẫn nơm nớp lo vỡ đê bao

Chủ nhật, 26/06/2011 10:56 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Vừa qua UBND TP.HCM yêu cầu các quận, huyện, Sở NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ các dự án đê bao ven sông Sài Gòn và các cống kiểm soát thủy triều để giải quyết tình trạng ngập, tràn bờ cho các quận ngoại thành. Nhưng thực tế những dự án này, tình trạng thi công vẫn diễn ra ì ạch.

Đang bắt đầu bước vào mùa mưa bão, kiểu thi công “rùa bò” của các đơn vị thực hiện dự án đã khiến nhiều hộ dân tại các quận ngoại thành nơm nớp lo sợ “bà thủy” sẽ lại... ghé thăm.

Làm sao cho dân yên tâm sống

Đến phường Thạnh Lộc, quận 12, người dân vẫn ám ảnh bởi những lần vỡ đê bao liên tiếp. Nhắc đến đợt vỡ bờ bao gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản của hơn 500 hộ dân tại khu phố 3C, phường Thạnh Lộc vào tháng 10/2010, ông Nguyễn Văn Gấm, một hộ dân tại đây nói: “Do đơn vị thi công bất cập làm cho mặt đê thấp xuống, những gốc cây giữ đất bị nhổ đi hết khiến cho bờ đê hiện hữu bị yếu, rồi cống Ba Thôn bị mở ra nên gây vỡ đê”. Đến nay nhiều người dân sinh sống tại khu vực này cảm thấy không an tâm vì không biết sẽ xảy ra vỡ đê nữa hay không.


Phần cống thi công dang dở 3 tháng qua

Tương tự, gần đây nhất vào tháng 2 vừa qua, hơn 23 hộ dân sinh sống tại tổ 1, khu phố 2, phường Thạnh Lộc, quận 12 phải “khóc ròng” vì nước tràn vào nhà lênh láng. Ông Nguyễn Văn Dũng người dân ngụ tại khu phố 2 bức xúc: “Trước đây, với bờ đê cũ có bị nước ngập vào nhà như thế này bao giờ đâu. Nay bờ đê cũ đã bị san bằng, kết hợp với việc rách tấm bạt ngăn nước khi thi công cống kiểm soát, nên cứ triều cường là dân lãnh đủ. Đến bây giờ công trình cống, bờ bao này vẫn chưa xong, thì làm sao đảm bảo ngăn triều cường được. Từ 2 tuần qua, không có một “bóng dáng” ông nào đến thi công tiếp, đất cát cũng không có. Sắp đến mùa mưa bão, triều cường dâng cao rồi, làm sao yên tâm sống”.

Không chỉ các hộ dân tại phường Thạnh Lộc, nhiều người dân ở phường Thạnh Xuân (quận 12), phường Hiệp Bình Chánh, phường Tam Bình (quận Thủ Đức) sống quanh các bờ bao xung yếu cũng lo lắng không biết tình hình năm nay sẽ ra sao. “Đợt vỡ bờ bao năm ngoái, tính sơ sơ tui cũng mất 50 triệu đồng rồi vì hơn 3,5 ha ruộng rau bị hư thối. Năm nay mà vỡ nữa chắc tôi nghỉ làm luôn” - ông Phạm Văn Ấm, ngụ tại khu phố 2, phường Tam Bình cho biết, khi nhắc đến đợt vỡ gần 20 mét đê bao vào tháng 11 năm ngoái.

“Điểm mặt” đoạn đê bao nguy hiểm

Hiện nay vẫn còn rất nhiều đoạn đê bao, cống kiểm soát thủy triều nằm trong dự án bờ hữu sông Sài Gòn tại khu vực phường Thạnh Lộc, quận 12 chưa tiến hành thi công, hoặc thi công còn dở dang.

Ông Trần Quốc Thanh, Bí thư Chi bộ khu phố 2, phường Thạnh Lộc cho biết: “Khu phố này nằm một trong những gói thầu của dự án Bờ hữu sông Sài Gòn. Gói thầu này vẫn còn làm dang dở và còn rất nhiều đoạn đê xung yếu rất nguy hiểm. Việc đắp, gia cố bờ bao chưa thi công cũng khó đảm bảo an toàn trước những đợt triều cường vì những đoạn đê được gia cố này bằng bùn non. Đến nay đã có những dấu hiệu như chân đê bị xói mòn, nứt, mặt đê quá hẹp”.


Nước ngập nhà vì vỡ đê bao là nỗi lo thường trực

Chúng tôi đã được ông Nguyễn Văn Lâm, Đội trưởng đội quản lý đê phường Thạnh Lộc dẫn đi khảo sát hiện trường đê bao bảo vệ sông Sài Gòn. Chỉ tay về phía cống kiểm soát thủy triều mới làm được một nửa, ông Lâm nói: “Đơn vị thi công mới làm xong một nửa công trình rồi mất tiêu luôn đến giờ, 3 tháng rồi không thấy ai. Tôi báo cáo lên UBND phường liên tục, mới ngày hôm qua cũng đã báo cáo để phường đốc thúc đơn vị thi công làm cho nhanh. Đơn vị thi công thay đổi nhân sự liên tục, riết rồi tôi cũng không biết được ông quản lý là ai để liên lạc trực tiếp”.

Phần cống kiểm soát triều mà ông Lâm cho biết là gói thầu 5B nằm trong dự án Bờ hữu sông Sài Gòn. Hiện trạng xung quanh phần cống đang thi công dang dở mà theo ông Lâm mô tả như là “một lối dẫn nước vào khu dân cư khi thủy triều lên cao”. Vì xung quanh cống là khoảng 150 mét đê bao xuống cấp nghiêm trọng: mặt đê quá hẹp, chân đê yếu, chiều cao của mặt đê có nơi chỉ cao khoảng hơn 30 cm so với mặt nước sông. Nhà dân gần đoạn đê này vẫn chịu cảnh ngập nước liên miên theo con nước thủy triều. “Năm ngoái mực thủy triều cao đến 1m58, độ cao của phần đê này làm sao mà chịu nổi. Chưa kể đê rất yếu chỉ được gia cố thêm bằng bùn non, hiện đang bị nứt nẻ hết rồi. Đây là phần đê nguy cơ vỡ là cao nhất” - ông Lâm cho biết.

Theo ông Lâm gói thầu 5B có chiều dài 1.500 mét và được thi công từ tháng 3/2010 nhưng vẫn còn khoảng 1.000 mét bờ đê yếu vẫn chưa được đổ đất, những cống kiểm soát thủy triều thi công xong vẫn chưa có nắp đậy. Còn với gói thầu 5C có chiều dài 2.000 mét, chỉ còn 500 mét đê và 1 cống kiểm soát thủy triều chưa thực hiện.

Anh Đức

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›