(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, thông tin một người dân tại thành phố Cần Thơ bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng khi bán 100 USD tại tiệm vàng đã gây xôn xao dư luận.
- Hải quan Hà Nội xử lý vụ khách nước ngoài mang ngoại tệ vượt tiêu chuẩn
- Đầu cơ vàng và ngoại tệ có dấu hiệu lắng dần
- Chính phủ quyết định cung ngoại tệ, hạ nhiệt tỉ giá
Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (Nghị định 96), phạt tiền từ 80 -100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Đối với hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật còn chịu mức phạt lên tới từ 200 - 250 triệu đồng. Ngoài ra, hình phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ số ngoại tệ và tiền đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm.
Theo các luật sư, pháp luật hiện hành quy định, chỉ có các ngân hàng mới được cấp phép mua, bán, trao đổi, giao dịch ngoại tệ. Một số ít tiệm vàng được phép làm đại lý đổi ngoại tệ theo ủy quyền của ngân hàng nhưng cũng chỉ được mua vào ngoại tệ, không được bán ra. Ngoài ra, mọi giao dịch ngoại tệ với các tổ chức khác là trái luật.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật BASICO cho biết, việc UBND thành phố Cần Thơ ra quyết định xử phạt với mức phạt như trên là không sai. Trước khi có Nghị định 96, mức xử phạt vi phạm hành chính với hành vi mua – bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu – đổi ngoại tệ theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm này lên tới 500 triệu đồng, không có ngoại lệ. Đây là mức xử phạt cao nhất trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, nhiều người dân không biết về quy định này. Chị Nguyễn Kim Anh ở phố Kim Ngưu, Hà Nội cho biết, chị chuyên nhập hàng hóa từ nước ngoài về, nhu cầu đổi ngoại tệ rất nhiều.
“Tôi chưa từng nghe qua hay biết đến quy định sẽ bị xử phạt lên tới 90 triệu đồng nếu mua tại điểm không được cấp phép”, chị Nguyễn Kim Anh nói.
Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) ông Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, việc thu đổi ngoại tệ hiện rất thuận tiện. Các điểm thu đổi ngoại tệ phủ sóng từ thành thị đến nông thôn, từ trung tâm đến ngoại thành… Các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch đều có chức năng thu đổi ngoại tệ. Muốn mua bán ngoại tệ, người dân có thể đến các ngân hàng thương mại.
Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, ngoài mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại, tính đến ngày 30/9, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 580 đại lý thu đổi ngoại tệ khác trên toàn quốc. Quy định của Ngân hàng Nhà nước đã nêu rõ, các tổ chức tín dụng phải thông báo danh sách các địa điểm mua, bán ngoại tệ tiền mặt của toàn hệ thống trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng.
Người dân có thể truy cập website của các tổ chức tín dụng để biết chính xác địa điểm mua, bán ngoại tệ hợp pháp, và thực hiện mua, bán ngoại tệ tại các địa điểm này để không bị xử phạt. Các điểm thu đổi ngoại tệ hợp pháp đều treo biển bảng và giấy phép.
Trước đó, ngày 23/10, UBND thành phố Cần Thơ đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) vì đã mang đổi 100 USD tại tiệm vàng, đồng thời tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được. Với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (tiệm vàng Thảo Lực, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều), UBND thành phố Cần Thơ cũng xử phạt 180 triệu đồng với hành vi mua ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.
TTXVN/Thùy Dương
Tags