(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.
- Thủ tướng hủy quyết định khen thưởng Trịnh Xuân Thanh
- Trịnh Xuân Thanh bị khởi tố vì tội tham ô tài sản
Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13/2/1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.
Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật.
Theo thông tin từ báo An ninh Thủ đô, trước khi bị TAND Cấp cao tại Hà Nội khởi tố thêm vụ án về tội “Tham ô tài sản”, tội phạm mà nhân vật này thực hiện cũng đã được phát hiện từ trung tuần tháng 9/2016.
Khi đó, Cục CSĐT Tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 165, Bộ luật Hình sự. Xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, CQĐT đã lập tức ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Trước đó, ngày 15/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC. Cùng với “đầu tàu” Trịnh Xuân Thanh, 4 lãnh đạo PVC gồm Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng đã bị khởi tố, bắt tạm giam với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bởi Trịnh Xuân Thanh cùng các thuộc cấp của mình được cho là phải chịu trách nhiệm chính về việc thua lỗ nhiều tỷ đồng ở PVC.
Cụ thể, theo tài liệu của cơ quan chức năng, trong thời gian từ năm 2007-2013, đặc biệt giai đoạn 2011-2013, Trịnh Xuân Thanh lần lượt đảm nhiệm các chức vụ cao nhất tại PVC nhưng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế đã để lại hậu quả lớn cho PVC cũng như ngân sách Nhà nước.
Tại nhiều công trình, dự án lớn của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, PVC tham gia với tư cách là Tổng thầu hoặc nhà thầu lớn, nhưng sau khi nhận công trình, PVC lại chỉ định cho các công ty con hoặc bán thầu cho doanh nghiệp bên ngoài thi công...
Đáng chú ý, thời Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo, nhiều cá nhân thuộc PVC đã bị kỷ luật và xử lý hình sự. Đơn cử là vụ Công ty Cổ phần Thi công cơ giới và lắp máy dầu khí (PVC-ME). Năm 2009, Trịnh Xuân Thanh giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT PVC, đã cùng các thành viên HĐQT chủ trương thành lập PVC-ME với số vốn điều lệ 500 tỉ đồng, trong đó PVC giữ vị trí cổ đông sáng lập với tỷ lệ góp vốn 40% và giao ông Trịnh Văn Thảo làm Giám đốc.
Ngành nghề chính của công ty này là xây dựng hạ tầng, làm nền móng, gia công cơ khí; do năng lực Ban lãnh đạo công ty yếu kém nên PVC-ME chỉ nhận công trình sau đó đi thuê nhà thầu phụ thi công, đứng giữa... “ăn” phần trăm.
Ngày 12/9/2012, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, sau đó khởi tố 15 bị can liên quan đến các sai phạm tại PVC-ME. Ngày 11/8/2015, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVC-ME. Đầu tháng 2-2016, vụ án được TAND Tối cao tại Hà Nội xử phúc thẩm.
Trong vụ án trên có 13 bị cáo bị truy tố về tội Cố ý làm trái thì có tới 11 bị cáo thuộc PVC-ME. Cơ quan tố tụng xác định PVC-ME đã lập quỹ trái phép với khoản tiền hơn 85 tỉ đồng để sử dụng cho hoạt động đối ngoại, tiếp khách. HĐXX xác định hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho PVC-ME gần 47 tỉ đồng, gây thiệt hại ngân sách hơn 1,1 tỉ đồng...
Theo kết luận của các cơ quan chức năng, đến năm 2012, tại PVC-ME đã để xảy ra thua lỗ với khoản tiền hơn 576 tỉ đồng, dẫn đến mất toàn bộ vốn chủ sở hữu, chưa kể những khoản nợ khổng lồ lên tới hàng trăm tỉ đồng. Thua lỗ, thất thoát tại PVC-ME đã khiến tăng thêm con số thiệt hại “khủng” tại PVC.
Trong thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định quan điểm chỉ đạo truy bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh để xử lý nghiêm trước pháp luật.
Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh đã có mặt tại Cơ quan An ninh điều tra để đầu thú, chấm dứt những ngày tháng trốn tránh lệnh truy nã của cơ quan công an.
Theo Cổng Thông tin Điện tử Bộ Công An - An ninh Thủ đô
Tags