(Thethaovanhoa.vn) - Thế giới có thể lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy do chính sách thương mại đối đầu và chủ nghĩa bảo hộ. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra cảnh báo trên tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF-2018) lần thứ 22 diễn ra từ ngày 24 - 26/5.
- Lý do bó hoa Tổng thống Nga Putin tặng Thủ tướng Đức Merkel gây 'sóng gió'
- Cầu nối Crimea với đất liền Nga có ý nghĩa gì với Tổng thống Putin?
- Tổng thống Nga Putin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ: 'Ngày Chiến thắng là một ngày thiêng liêng'
Trong bài phát biểu trên, nhà lãnh đạo Nga đã đề cập đến một loạt những thách thức của kinh tế thế giới, cụ thể là chủ nghĩa bảo hộ đang lan rộng và các quy định về thương mại toàn cầu đang dần suy yếu. Theo ông, "một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên và phá vỡ hệ thống thương mại tự do vốn đảm bảo sự thịnh vượng toàn cầu".
Ông cũng lên án một số nước sử dụng các biện pháp trừng phạt như một phần trong chính sách kinh tế. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và việc dựng lên hàng rào thương mại tuy mới bắt đầu, song đã ảnh hưởng đến ngày càng nhiều các quốc gia và công ty. Ông Putin cho rằng hệ thống luật định thương mại toàn cầu phải đảm bảo sự rõ ràng và được áp dụng đồng đều với tất cả các nước. Ngoài ra, ông nhấn mạnh thế giới cần một bầu không khí hòa bình cho môi trường thương mại, chứ không phải chiến tranh thương mại.
Mặc dù không đề cập trực tiếp đến Tổng thống Mỹ Donald Trump, người dựng lên hàng rào thuế quan đối với nhiều hàng hóa nhập khẩu trong thời gian gần đây và rút Mỹ khỏi một loạt thỏa thuận thương mại tự do, những tuyên bố của ông Putin dường như đều nhằm vào chính sách thương mại mà Mỹ đang theo đuổi. Nga cũng là một trong nhiều nước đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và một số nước châu Âu do những bất đồng liên quan đến cuộc chiến tại Syria và tình hình xung đột tại miền Đông Ukraine.
SPIEF-2018 chính thức khai mạc ngày 24/5 tại thành phố St.Petersburg. Các hoạt động của SPIEF-2018 tập trung vào 4 chủ đề chính gồm: “Nền kinh tế toàn cầu trong kỷ nguyên biến đổi”, “Nước Nga: Sử dụng tiềm năng tăng trưởng”, “Vốn con người trong nền kinh tế số” và “Công nghệ cho vai trò thủ lĩnh”.
Theo phương châm chính của diễn đàn “Tạo nên nền kinh tế tin cậy”, các đại biểu thảo luận ảnh hưởng của công nghệ số đến mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có những vấn đề nóng hổi như trí tuệ nhân tạo, liệu pháp gene, công nghệ cao trong y học...
Trên 10.000 đại biểu đại diện cho hơn 120 nước tham dự diễn đàn này.
TTXVN/Báo Tin tức
Tags