Theo báo cáo của công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội, tổng lượng mưa đo được tại các khu vực như Vân Hồ là 24mm; Xuân Đỉnh 61,7mm; Cầu Giấy 44,4mm; Nam Từ Liêm 46mm; Yên Sở 42mm; Hồ Tây 60,5mm; Trúc Bạch 64mm; Hoàn Kiếm 22mm; hầm chui Trung tâm hội nghị Quốc gia là 29,1; huyện Đông Anh là 42,3mm.
Do mưa lớn và dồn dập (40mm/30phút) nên tại thời điểm mưa, trên địa bàn đã xảy ra một số vị trí úng ngập sâu từ 0,1 - 0,2m như Đội Cấn, Liễu Giai, Cao Bá Quát, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt (trước Đại học Điện lực), Phan Văn Trường, Trần Quốc Hoàn, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm… Đến 7 giờ, các vị trí úng ngập đã cơ bản rút hết nước, giao thông đi lại bình thường.
Một số vị trí còn đọng nước trên mặt đường do ảnh hưởng của công trình đang thi công như các phố Mạc Thị Bưởi, chân cầu Vĩnh Tuy, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng cũng rút hết nước sau đó khoảng 1 tiếng. Trong các khu vực dân cư địa hình trũng cũng bị ngập úng, có nơi nước tràn cả vào nhà dân. Do mưa đúng giờ cao điểm nên việc đi lại của người dân… gặp khó khăn, có nơi xảy ra ùn tắc, người dân phải đi lên cả vỉa hè để tránh ngập.
Ngay khi xảy ra mưa, công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội đã huy động cán bộ công nhân viên hiện ứng trực trên địa bàn để vớt rác tại miệng cống, khơi thông dòng chảy, vệ sinh mặt đường. Hiện các dàn thiết bị cơ giới hỗ trợ nạo vét, thông tắc tại các vị trí đã được phân công; các cửa hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… cũng đã được mở để điều hòa nước; trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I, Đồng Bông II và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống.
Hiện nay, công ty tiếp tục vận hành trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm cục bộ khác để hạ mực nước trên hệ thống về cao trình theo kế hoạch được duyệt để chủ động đối phó với đợt mưa tiếp theo.