Tọa đàm khoa học về Châu bản triều Nguyễn

Thứ Bảy, 22/11/2014 11:00 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), ngày 22/11 tại thành phố Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 tổ chức tọa đàm khoa học "Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới Khu vực châu Á-Thái Bình Dương", với sự tham dự của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa Huế.

Có 11 tham luận được trình bày tại tọa đàm, là những đúc rút từ thực tiễn nghiên cứu, có tính xây dựng những định hướng chung trong việc góp phần đánh giá, gìn giữ, bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới Khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Đánh giá về giá trị của Châu bản triều Nguyễn, thạc sỹ Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, cho biết Châu bản triều Nguyễn hiện nay là một trong các sưu tập tài liệu đặc biệt quý hiếm đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ.

Với những giá trị đặc biệt đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hình thức và nội dung như tính độc đáo, xác thực, tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế.


Biểu diễn Nhã nhạc Huế tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quốc Việt

Châu bản triều Nguyễn đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tháng 5/2014.

Về giá trị đặc sắc của Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn, thạc sỹ Nguyễn Thu Hoài đã nhấn mạnh đây là các văn thư hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền triều Nguyễn, vì thế nó đương nhiên phản ánh rõ ràng và sinh động giai đoạn lịch sử này.

Hình ảnh các Hoàng đế, bộ máy chính quyền, đời sống nhân dân hay sự hiện diện của thực dân phương Tây đều được thể hiện khách quan trên từng trang tài liệu.

Châu bản triều Nguyễn là những tài liệu Hán Nôm đặc biệt quý hiếm, chứa đựng rất nhiều thông tin có giá trị. Tiếc rằng trong những năm chiến tranh, một số lượng không nhỏ châu bản đã bị mất mát, hủy hoại.

Nhưng dù có bị thiếu hụt, mất mát thì Châu bản triều Nguyễn vẫn là khối tư liệu văn kiện quý giá hiếm hoi còn lại của một vương triều phong kiến tại Việt Nam.

Một số tham luận trình bày tại tọa đàm còn đề cập đến những chủ đề cụ thể lưu trữ tại các châu bản, đặc biệt là chủ đề về Hoàng Sa, Trường Sa trong Châu bản triều Nguyễn.

Phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Bang cho biết triều đình nhà Nguyễn đã huy động một lực lượng hùng hậu, phối hợp với quan chức địa phương và ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định hàng năm thực thi công vụ Hoàng Sa như vẽ bản đồ, kiểm kê tài nguyên trên đảo, đo đạc hải trình, cắm cọc tiêu, trồng cây, dựng miếu, cắm bia chủ quyền, xây dựng hệ thống kho tàng, đồn lũy, đặt trạm thu thuế, quan trắc thiên văn và dự báo thời tiết...

Hằng năm, lực lượng thực hiện nhiệm vụ Hoàng Sa trên sáu tháng có mặt tại quần đảo này để làm nhiệm vụ khai thác kinh tế và bảo vệ chủ quyền.

Những tháng bão tố, tuy không có mặt thường xuyên tại đảo nhưng những biện pháp bảo vệ chủ quyền của triều Nguyễn vẫn giữ được tính liên tục trong lịch sử.

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, khẳng định Châu bản là tài liệu đề cập khá nhiều về việc xây dựng, tu bổ các công trình dưới triều Nguyễn, kể cả việc bài trí, sinh hoạt trong cung điện. Nếu khai thác được mảng tài liệu này, thì đây cũng là một lời giải quan trọng cho các nhà quản lý, bảo tồn ở Huế.

Cố đô Huế là nơi gắn liền với sự hình thành của châu bản, cũng là nơi có nhu cầu to lớn trong việc khai thác, phát huy giá trị của châu bản. Vì vậy, việc các đơn vị quản lý và chuyên môn phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa châu bản, bằng nhiều hình thức và cách làm khác nhau, về Huế để khai thác, phát huy giá trị là việc làm hết sức cần thiết và phù hợp. Đây cũng là một phương cách hữu hiệu để tôn vinh giá trị của di sản châu bản ngay tại nơi nó được sinh ra.

Buổi tọa đàm còn phân tích, đánh giá những giá trị của Châu bản triều Nguyễn, qua đó nhằm xác định những nội dung trọng tâm, trọng yếu để đi đến mục tiêu đề ra những giải pháp về nội dung bảo tồn và phát huy giá trị châu bản trong giai đoạn hiện nay cũng như chuẩn bị cho những tiềm năng di sản tư liệu tiếp theo.

Trong đó, các nhà nghiên cứu hết sức lưu ý đến các nội dung như làm rõ thêm về các giá trị của các di sản tư liệu đã được công nhận ở Việt Nam; đề xuất kế hoạch chiến lược cho việc bảo tồn và phát huy các di sản tư liệu, đặc biệt là Châu bản triều Nguyễn; xây dựng phương án hồ sơ cho các loại di sản tư liệu, đặc biệt là hệ thống thơ ca, văn tự trên kiến trúc cung đình Nguyễn tại Huế.

Quốc Việt - TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›