(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 4/5, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 4/2019 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Một trong những nội dung quan trọng của Phiên họp là chuẩn bị các nội dung của Chính phủ trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra vào cuối tháng 5.
Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ bàn thảo một số nội dung chính như tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019; tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2019; công tác chuẩn bị cho và một số vấn đề khác…
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích bối cảnh tháng 4 vừa qua, tình hình trong nước xảy ra nắng nóng, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; tình hình thế giới có giá dầu tăng tác động đến giá cả các mặt hàng, nhất là xăng dầu.
Tuy vậy, kinh tế-xã hội tháng 4 vẫn có nhiều điểm tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, tổng cầu tăng mạnh. Một số chỉ tiêu vẫn tiếp tục phát huy kết quả tốt từ cuối quý I như ngân sách tăng khá, trên 26% so với cùng kỳ. Cả nước thành lập nhiều doanh nghiệp mới; thu hút đầu tư tăng kỷ lục, có nhiều dự án quy mô lớn. Sản xuất nông nghiệp cơ bản được mùa, dịch tả lợn châu Phi đã kiểm soát, hạn chế thiệt hại mức thấp nhất. Xuất khẩu tăng khá và tiếp tục xuất siêu. Lạm phát ở mức thấp và trong vòng kiểm soát, dù giá một số dịch vụ và giá xăng dầu được điều chỉnh tăng. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng của nước ta tăng, đứng thứ hai trong các nước ASEAN. Văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, đặc biệt là tỷ lệ hộ thiếu đói giảm 26,1%.
Về vấn đề tăng giá điện và giá xăng dầu vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì không thể bao cấp. Việc tăng giá điện đã được Chính phủ và Thường trực Chính phủ thảo luận kỹ lưỡng. Do giá điện tăng cùng thời điểm giá xăng dầu tăng nên các loại quỹ không thể hỗ trợ nhiều, gây tâm tư cho nhân dân. Ngoài ra, phương pháp tính (giá điện) chưa thực sự khoa học, rõ ràng, thuyết phục cũng dẫn đến tâm tư trong nhân dân những ngày gần đây.
Thủ tướng cho biết, trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tiến hành thanh tra về việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá để công bố công khai cho toàn dân biết. “Việc này, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cũng thấy cần thiết phải báo cáo lại trước Chính phủ, trước nhân dân về vấn đề này”, Thủ tướng nói.
Qua Diễn đàn Kinh tế tư nhân vừa qua, Thủ tướng lưu ý thủ tục hành chính của một số bộ, ngành, địa phương còn chậm trễ. Cùng với đó là vấn đề thể chế cho kinh tế số, dù đã có chủ trương nhưng đến nay triển khai còn chậm. Nêu thực tế này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Về vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu thực trạng giải ngân rất chậm và yêu cầu các thành viên Chính phủ có biện pháp mạnh mẽ hơn, đồng thời xử lý nghiêm hơn nữa các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư để chậm trễ.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ cần tập trung thảo luận để Chính phủ chuẩn bị các văn bản, tài liệu cho kỳ họp Quốc hội lần thứ 8, trước hết là phiên họp Quốc hội dự kiến diễn ra vào tuần sau. Theo đó phải đảm bảo đầy đủ tài liệu theo quy định đã phân công cho Chính phủ, không được để xảy ra chậm trễ, nhất là từ phiên họp trước, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ giải trình về vốn đầu tư công trung hạn...
Đánh giá về công tác thông tin tuyên truyền vừa qua, Thủ tướng cho rằng, các cơ quan báo chí cần rút kinh nghiệm về việc chưa làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền về tăng giá điện và giá xăng dầu, gây tâm lý không tốt trong xã hội. Còn tình trạng đưa tin giật gân, đưa gương xấu, chưa thông tin nhiều các tấm gương sáng, người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến để nhân rộng trong xã hội. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan báo chí đưa tin có trách nhiệm, tạo đồng thuận trong xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 4, tình hình kinh tế xã hội của đất nước tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31% so với tháng trước, CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ - mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9%. Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng cao nhất kể từ năm 2015, tăng 11,9%.
Số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tiếp tục tăng, với trên 43 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 540.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có trên 17.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,6% so với cùng kỳ.
Vốn FDI đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt gần 7,5 tỷ USD, tăng 28,6%.
Xuất khẩu tiếp tục tăng khá, đạt 78,76 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ; đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 23 tỷ USD, tăng 10,5%. Nhập khẩu đạt 78,05 tỷ USD, tăng 10,4%. Xuất siêu 711 triệu USD.
Quang Vũ/TTXVN
Tags