(Thethaovanhoa.vn) - Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh chiều qua (1/9) để đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại buổi làm việc tháng 12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Quảng Ninh phải làm xuất sắc vai trò một cực tăng trưởng phía Bắc, chủ đạo để tạo sự kết nối, lan tỏa với các tỉnh, thành lân cận và thúc đẩy kinh tế cả vùng và cả nước.
Những con số "biết nói"
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm sau cao hơn năm trước; 6 tháng đầu năm 2018 tăng 10,16%, dự kiến cả năm 2018 tăng trên 11%. GRDP bình quân đầu người đạt 5.065 USD/người/năm (gấp đôi bình quân cả nước), tăng bình quân 9,1%/năm. Năng suất lao động tăng bình quân 10,6%/năm. Thu ngân sách luôn trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. 8 tháng năm 2018, tổng thu ngân sách ước đạt hơn 27.800 tỷ đồng.
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước thí điểm cải cách bộ máy hành chính; đã tập trung xây dựng thể chế và cải cách hành chính, tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước; xây dựng chính quyền điện tử, vận hành hiệu quả Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, liên kết đến cấp xã; cắt giảm 40% thời gian giải quyết so với quy định; cung cấp 80% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4.
Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước đầu tư gần 200 km đường cao tốc, sân bay, cảng biển. Trong hơn 2 năm tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa chiếm trên 75%.
Quảng Ninh đang tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước; cắt giảm 40% thời gian giải quyết so với quy định; cung cấp 80% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4; 99,5% số hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn; trên 98% người dân và doanh nghiệp có ý kiến hài lòng. Năm 2017, Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) Quảng Ninh đứng đầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đến năm 2018, tỉnh đã giảm 489 công chức, 1.314 người làm việc so với năm 2015; thực hiện nhất thể hóa chức danh: Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND tại 2/14 đơn vị cấp huyện và gần 41% cấp xã; Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND tại gần 50% đơn vị cấp huyện; 40,32% cấp xã.
Đánh giá Quảng Ninh đã “ghi bàn”, tạo nguồn cảm hứng sâu sắc cho cả nước trong cải cách hành chính, Thủ tướng nhìn nhận, sự chuyển đổi của Quảng Ninh sang phát triển xanh cũng chính là hành trình phát triển của chính Việt Nam.
Phải trở thành "hình mẫu" cho các địa phương khác
Từ những phân tích cụ thể, Thủ tướng kỳ vọng Quảng Ninh sẽ tiếp tục đi tiên phong, trở thành nguồn cảm hứng và bài học kinh nghiệm cho các tỉnh, thành phố khác trên cả nước trên một số khía cạnh.
Thủ tướng cho rằng, sự phát triển của Quảng Ninh là khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là tốc độ phát triển kinh tế tăng cao liên tục nhiều năm liền; thu nhập bình quân đầu người gấp đôi mức bình quân cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực trên cơ sở lợi thế sẵn có. Tỉnh coi trọng phát triển bao trùm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, Quảng Ninh phải là trung tâm giao lưu quốc tế, một điểm đến cho nhà đầu tư, du khách, hàng hóa và những ý tưởng sáng tạo, đột phá, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm. Tỉnh cần chú trọng phát triển đô thị, một động lực tăng trưởng mới của tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu và cụ thể hóa các điều kiện xây dựng Vân Đồn thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, phấn đấu đến năm 2050, Vân Đồn trở thành một trong những động lực kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của châu Á-Thái Bình Dương.
Tỉnh cần tiếp tục phát triển du lịch, dịch vụ đẳng cấp cao, chất lượng cao, bền vững, đa dạng, kết nối với các trung tâm du lịch lớn của quốc gia và quốc tế. Phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao và đa chức năng. Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng bền vững, phát triển xanh, giảm tối đa tác động tiêu cực tới tài nguyên du lịch.
Thủ tướng cũng đề nghị Quảng Ninh tiếp tục phát triển du lịch dịch vụ đẳng cấp cao, chất lượng cao, bền vững, đa dạng, kết nối với các trung tâm du lịch lớn của quốc gia và quốc tế; trở thành trung tâm dịch vụ logistics, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế của cả vùng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần chú ý phát triển nông nghiệp sạch công nghệ cao, đa chức năng, thủy sản sạch, định vị ở phân khúc cấp cao; phát triển công nghiệp chế biến; giảm tối đa tác động đến tài nguyên du lịch; phát triển kinh tế cửa khẩu, xuyên biên giới, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp giao thương với nước bạn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chuyển đổi phát triển của Quảng Ninh, đồng thời lưu ý thêm với chính quyền và nhân dân Quảng Ninh: Hạ Long, Quảng Ninh không chỉ là mảnh đất cho "Rồng hạ" mà còn là nơi "Rồng Việt Nam" cất cánh.
Phạm Thanh
Tags