Thu phí ôtô vào trung tâm TP HCM: 'Ảo tưởng' trong phòng lạnh có làm phí chồng phí?

Thứ Ba, 17/10/2017 21:01 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) – Một số ý kiến ủng hộ dự án "thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM đề hạn chế ùn tắc giao thông", tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây là phương án tốn kém, thiếu hiệu quả, ảo tưởng…

700 tỷ đồng/năm

Ngày 12/10, Công ty CP Công nghệ Tiên Phong đã trình đề xuất dự án "thu phí ô tô vào trung tâm TP HCM đề hạn chế ùn tắc giao thông" lên UBND TP và Sở GTVT TP. Đây là giải pháp đã được bàn từ năm 2012 nhưng chưa triển khai vì nhiều lý do.

Theo phương án thiết kế có 36 cổng thu phí đa làn, tự động không dừng và một trung tâm điều hành kết nối với các cổng thu phí được bố trí trên một vành đai khép kín, bao gồm các tuyến đường Hoàng Sa men theo bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên, giao với Cách Mạng Tháng Tám, đường Ba Tháng Hai, đường Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, đường Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng.

Trong đó, có 2 cổng thu phí được lắp trên đường Bạch Đằng và Trường Sơn thu phí ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư dự án là 1.797 tỉ đồng theo hình thức PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác), BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao) trong thời gian 15 năm.

Theo đề xuất, thời gian thu phí từ 6 giờ đến 19 giờ, đối với ô tô cá nhân mức thu phí từ 40.000 đồng; đối với taxi (có đăng ký tại TP) mức thu phí từ 30.000 đồng; đối với xe tải và xe buýt thương mại (kể cả xe biển xanh) mức thu phí từ 50.000 đồng.

Cách thức thu phí là hoàn toàn tự động. Mỗi xe sẽ mở một tài khoản, xe vào trung tâm trong giờ cao điểm thì sẽ tự động trừ tiền. Trước khu vực thu phí sẽ có bảng thông báo vào khu vực thu phí chống ùn tắc để lái xe cân nhắc.

Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong cho biết, khi đề án này đưa vào sử dụng sẽ giảm ngay 50% lượng ô tô, giảm 30% taxi đi vào trung tâm và tăng số người sử dụng phương tiện công cộng trong năm đầu tiên.

“Trong giờ cao điểm ô tô giảm một nửa. Khi ô tô giảm thì xe buýt sẽ có đường chạy bởi hiện nay xe buýt không có đường chạy. Đề án là sự kết hợp giữa phát triển giao thông công cộng và giảm lượng xe cá nhân. Theo tính toán, khối lượng vận tải hành khách công cộng sẽ tăng từ 9% hiện nay lên 15%”, VOV dẫn lời ông Quân.

Việc nên làm, nhưng cần xem xét

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Quan điểm chúng tôi là ủng hộ chủ trương này. Còn các giải pháp cụ thể, ví dụ như thời điểm thu, giá thu, các cổng thu phí, đối tượng thu như thế nào thì trong quá trình này sẽ lắng nghe các ý kiến để tham mưu cho UBND Thành phố để đảm bảo có giải pháp phù hợp nhất".

Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng, cho biết: “Quan điểm chúng tôi là ủng hộ thu phí vào trung tâm thành phố để giảm ùn tắc nhưng phải làm một cách khoa học, đúng thời điểm và hợp tình, hợp lí”.

Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM cũng đồng ý rằng, trong bối cảnh kẹt xe ở TP.HCM thì triển khai thu phí vào trung tâm TP là việc nên làm.

“Thế nhưng cần xem xét nhiều khía cạnh của đề án thu phí này là có hay không hiện tượng phí chồng phí? Việc thu phí này liệu có làm tăng giá vận chuyển hàng hóa và hành khách và có làm giảm sức cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải so với các nước trong khu vực Đông Nam Á hay không?

Tôi cho rằng Sở Tài chính và Sở Giao thông vận tải TP cần xác định mức phí và thời gian thu phí để không ảnh hưởng đến giá cả dịch vụ.

Bên cạnh đó, ở dự án này cần phải tính đến những con đường cho người dân có nhu cầu đi ngang qua trung tâm TP chứ không vào trung tâm TP để họ không phải nộp phí. TP cũng cần phải tính đến những khu đất làm bãi đậu xe ở vòng ngoài khu trung tâm để người dân không đi xe vào trung tâm TP” – ông Tính bày tỏ quan điểm trên báo Tuổi trẻ.

Chú thích ảnh
Nếu đề án được thực hiện, từ năm 2019 ô tô vào trung tâm TP.HCM sẽ phải đóng phí (Ảnh minh họa Internet)

Thiếu khả thi, tốn kém

Trong khi đó, có nhiều ý kiến cho rằng, đề án thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM vừa tốn kém, lại không khả thi, đồng thời đề nghị làm rõ một số vấn đề như: Căn cứ vào đâu để khẳng định ô tô gây nên ùn tắc? Căn cứ vào đâu mà thu tiền ô tô vào khu trung tâm? Khu trung tâm được định nghĩa như thế nào? Mọi người còn lo ngại, việc triển khai thu phí sẽ tạo hiệu ứng ngược là các xe khi vào khu trung tâm sẽ ngại ra và cứ đậu đỗ trong đó, dẫn đến ùn tắc. Thêm vào đó, các phương tiện công cộng ở trung tâm thành phố cũng chưa đáp ứng nhu cầu người dân.

PGS, TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Thu phí để người ta sợ thì rất khó. Người có tiền cứ nộp rồi vào thoải mái. Cuối cùng mọi người cũng ùn vào đây thì làm sao? Vấn đề là quản lý các làn giao thông như thế nào, giải pháp tổ chức cho người dân đi lại thế nào. Cho nên vấn đề là tổ chức cho người dân đi lại có hợp lí hay không?”.

Ông Tạ Long Hỷ (chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM) cho rằng, từ trước đến nay các hãng taxi ở TP đều xác định hành khách sẽ là người trả tiền phí bến bãi, trạm thu phí do các cơ quan, đơn vị nhà nước thiết lập và quy định. Như vậy, việc hình thành khu vực thu phí ở trung tâm TP sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu của các hãng taxi. Tuy nhiên, sẽ có nhiều hệ quả khi thu phí vào trung tâm.

Chẳng hạn hành khách đi quãng đường ngắn từ bên ngoài vào trung tâm TP tốn 20.000 đồng mà nộp thêm tiền phí 30.000 đồng (phí taxi vào trung tâm) thì chắc họ sẽ phản ứng.

Ông Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường, Ủy ban MTTQ TP.HCM cho rằng đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, xã hội.

“Để hạn chế, giảm bớt mật độ tập trung lưu lượng xe vào trung tâm thành phố bằng việc thu phí ô tô là không hiệu quả, gây tốn kém. Trung tâm thành phố là nơi tập trung nhiều dịch vụ, nếu thu phí, những hộ kinh doanh và người dân có nhu cầu ra vào khu vực này thường xuyên sẽ phải chịu rất nhiều phí. Từ đó, đời sống người dân trở nên khó khăn hơn vì thu nhập ít, nhưng chi phí lại nhiều”, ông Ninh bày tỏ trên Thanh Niên.

Cũng theo ông Ninh, tầm nhìn phải gắn liền với thực tiễn cuộc sống, xã hội. Nếu không nắm được tình hình thực tiễn, thì không những không đưa ra chủ trương đúng, mà còn là “ảo tưởng” trong phòng máy lạnh.

Hơn nữa, theo chuyên gia về lĩnh vực đô thị, thu phí vào trung tâm có thể giảm ùn tắc giao thông trong nội đô và thành phố sẽ có số tiền mỗi năm khoảng 700 tỷ đồng. Số tiền này sẽ đi về đâu và sử dụng cho mục đích gì cần phải thông tin cho người dân và doanh nghiệp hiểu rõ. Ngoài ra, nếu đề án thu phí được thực hiện nhưng trung tâm thành phố vẫn kẹt xe, ùn tắc thì xử lý trách nhiệm về ai? Những vẫn đề này hiện vẫn được các chuyên gia và dư luận tranh cãi.

Biên Hòa: Trạm thu phí 'thất thủ' vì người dân dùng tiền lẻ mua vé

Biên Hòa: Trạm thu phí 'thất thủ' vì người dân dùng tiền lẻ mua vé

Người dân cho biết, hàng ngày từng đoàn xe tải, xe khách nối đuôi nhau né trạm thu phí đi vào đường dân sinh khiến người dân rất lo sợ. Gần đây, các gia đình không dám cho trẻ con ra đường vì sợ nguy hiểm.

Anh Tuấn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›