(Thethaovanhoa.vn) - Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, từ 6 giờ - 18 giờ ngày 1/11, Phú Thọ ghi nhận 61 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc trong ngày lên 71 ca.
Trong 61 trường hợp mắc mới, có 18 F1 đã được cách ly, theo dõi và quản lý; 1 trường hợp trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh đang cách ly tại nhà; 42 ca mắc mới trong cộng đồng (41 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Thanh Sơn và 1 trường hợp tại Nông Trang - Việt Trì).
Như vậy, từ ngày 14/10 đến nay, Phú Thọ ghi nhận 731 ca mắc COVID-19, trong đó nhiều nhất là tại thành phố Việt Trì với 412 ca, huyện Lâm Thao 141 ca, Phù Ninh 97... Có 5 xã, thị trấn mới ghi nhận ca mắc gồm: Thọ Văn (Tam Nông); Thanh Thủy (Thanh Thủy); Giáp Lai, Sơn Hùng (Thanh Sơn) và Văn Luông (Tân Sơn).
Trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, dự báo còn tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục xuất hiện các ca mới xâm nhập từ các địa phương có dịch trong thời gian tới, nhằm kiểm soát, không để dịch lây lan ra diện rộng, Phú Thọ yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai trên địa bàn. Các huyện, thành, thị căn cứ cấp độ dịch của từng địa phương để chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng theo quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế.
Các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện phong tỏa, cách ly y tế, tuyệt đối không được để tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong" để người dân hiểu, nắm chắc và đồng thuận thực hiện, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu vực cách ly.
Các xã, phường, thị trấn tăng cường chỉ đạo khu dân cư, thôn, xóm, Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng nắm chắc tình hình dân cư, quản lý chặt chẽ di biến động; yêu cầu bắt buộc người trở về từ vùng dịch (nhất là vùng cấp độ 3, cấp độ 4 cả trong và ngoài tỉnh) phải thực hiện khai báo y tế để kịp thời theo dõi, kiểm soát ngay từ sớm các trường hợp có yếu tố nguy cơ phát sinh.
Đối với việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc, sử dụng nguồn vật tư, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm dự trữ của tỉnh để tổ chức xét nghiệm các trường hợp F1, F2 đang quản lý, theo dõi và các khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Sở Y tế khẩn trương hướng dẫn triển khai thực hiện xã hội hóa việc xét nghiệm sàng lọc với cơ quan, doanh nghiệp, người dân thông qua việc cho phép các cơ sở khám chữa bệnh, nhà thuốc trên địa bàn tỉnh mua, bán kít xét nghiệm test nhanh; đồng thời, thực hiện hướng dẫn cách thức xét nghiệm trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội... để mọi người dân tiếp cận, hiểu và chủ động thực hiện khi có triệu chứng. Cùng với đó, quán triệt, tuyên truyền vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân đồng thuận, chia sẻ và thường xuyên tự thực hiện việc xét nghiệm nhằm sàng lọc nguy cơ; kịp thời thông báo cho cơ quan y tế để xử lý theo quy định đối với những trường hợp cho kết quả nghi ngờ dương tính.
Tỉnh Phú Thọ xác định việc đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 là điều kiện tiên quyết để phòng dịch. Ban cán sự Đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, ưu tiên tiêm cho các đối tượng trên 50 tuổi; phấn đấu trong tháng 11/2021, hơn 90% dân số trên 18 tuổi của tỉnh được tiêm ít nhất 1 mũi, 20% dân số trên 18 tuổi được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ... phải có kế hoạch đảm bảo hoạt động an toàn, thích ứng với dịch bệnh; yêu cầu phải đăng ký điểm khai báo y tế bằng mã QR-Code tại các đơn vị, bắt buộc toàn bộ người đến cơ quan, đơn vị phải thực hiện khai báo y tế thông qua quét mã QR-code bằng phần mềm (PC-COVID).
- Bình Thuận yêu cầu xử lý người chống đối lực lượng phòng, chống dịch Covid-19
- Đà Nẵng: Xử phạt 'kịch khung' những trường hợp vi phạm phòng dịch Covid-19 khi cách ly tại nhà
- Để dịch Covid-19 bùng phát, một số Chủ tịch xã ở Gia Lai bị tạm đình chỉ công tác
Các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các tổ chức đoàn thể, nghiên cứu, sắp xếp công việc, cho phép khoảng 30 - 50% lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc từ xa (ngoại trừ các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch).
Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành, thị căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh để chỉ đạo tổ chức việc dạy, học tại các cấp học cho phù hợp. Riêng các huyện, thành, thị có nguy cơ cao tiếp tục nghiên cứu, triển khai dạy học theo hình thức trực tuyến để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Ngày 1/11, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ký quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Tổ công tác làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên và người đứng đầu. Các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm và chịu trách nhiệm về công việc được phân công theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; đảm bảo kịp thời giải quyết, tháo gỡ, xử lý khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp. Hoạt động của Tổ công tác được thực hiện thông qua các cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản của các thành viên Tổ công tác. Ý kiến tham gia của các thành viên là ý kiến chính thức của cơ quan nơi thành viên Tổ công tác làm việc. Tổ trưởng Tổ công tác, Tổ phó Tổ công tác sử dụng con dấu của UBND tỉnh theo quy định; các thành viên Tổ công tác sử dụng con dấu của cơ quan, đơn vị mình trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ được phân công.
TTXVN
Tags