(Thethaovanhoa.vn) - Trong căn biệt thự cổ nằm giữa khuôn viên rợp bóng cây, cụ Hoàng Thị Minh Hồ, chủ nhân cũ ngôi nhà 48 Hàng Ngang – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập, đang tận hưởng những phút giây bình yên cuối cuộc đời. Với cụ, được cống hiến sức lực, của cải cho cách mạng, được phục vụ Bác Hồ trong những ngày chuẩn bị cho lễ Quốc Khánh 2/9/1945 đã là sự mãn nguyện.
Đó cũng là thực hiện được tâm nguyện của bậc thân sinh ra cụ là nhà nho yêu nước Hoàng Đạo Phương: “Cha già cha chưa làm tròn việc nước, sau này con nào có điều kiện thì giúp nước thay cha”.
Ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã đi vào lịch sử, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam và nhiều bạn bè quốc tế vì nó gắn một sứ mệnh quan trọng – nơi ra đời bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Ở tuổi 102, cụ Hoàng Thị Minh Hồ vẫn mang trong mình phong thái quý phái nhưng rất phúc hậu của một phụ nữ gốc Hà Nội và cũng từng là thương gia bậc nhất Hà Nội những năm 40 của thế kỷ trước. Tiếp chuyện với khách, từng chi tiết nhỏ nhất liên quan đến hoạt động của Bác, của các đồng chí trong Trung ương Đảng, của những nghĩa cử cụ phục vụ cho Bác, cho cách mạng vào thời điểm đó, cụ vẫn nhớ như in.
Những ngày đầu Cách mạng tháng Tám 1945 và những ngày đầu thành lập nước, cụ và chồng là doanh nhân Trịnh Văn Bô đã hiến cho cách mạng 5.147 lạng vàng. Vợ chồng cụ còn vận động giới doanh nhân Hà Nội ủng hộ cách mạng trên 1.000 lạng vàng nữa.
Trong thời gian Bác Hồ về ở và làm việc tại nhà cụ ở 48 Hàng Ngang, 1 tháng 3 ngày (từ ngày 24/8 đến 27/9), cụ đã hết lòng phục vụ, chăm lo cho Bác và các đồng chí trong Trung ương Đảng. Sau này Bác Hồ xúc động bày tỏ: “Gia đình cô là ân nhân của cách mạng”.
Trở về với ký ức của 70 năm trước, cụ Hoàng Thị Minh Hồ kể rằng: Ngày 21/8/1945, Thường vụ Trung ương Đảng gồm 15 người, trong đó có ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ về ở tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, được gia đình cụ chăm lo chỗ ăn ngủ chu đáo. Đến ngày 24/8, ông Trường Chinh gặp cụ Hoàng Thị Minh Hồ nói: “Chị thu xếp chỗ ở, có ông cụ ở quê lên chơi”. Cảm nhận đây là việc quan trọng, gia đình cụ thu xếp chỗ ở chuẩn bị đón khách.
Đến 6 giờ chiều cùng ngày, ông cụ cùng hai người nữa đi lối 35 Hàng Cân vào nhà (mặt sau ngôi nhà quay sang phố Hàng Cân), rồi lên căn phòng gác ba, nơi cụ Minh Hồ đã chuẩn bị sẵn. Chiếc giường ngủ của hai cụ được nhường lại cho “ông cụ ở quê lên” nằm nghỉ. Nghỉ được 3 tối, Bác xuống ở tầng 2 vừa là nơi làm việc, vừa là nơi nghỉ của các đồng chí ở Trung ương Đảng cho gần gũi với mọi người. “Tại tầng 2, tôi đặt 6 giường vải cá nhân, sau tôi làm thêm 6 cái nữa. Các ông họp hành khuya thì ngả giường ngủ lại ở đó, mỗi người đều có màn, một gối và khăn bông to đắp bụng”.
Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ thời trẻSở dĩ Thường vụ Trung ương Đảng chọn ngôi nhà 48 Hàng Ngang làm nơi đón Bác Hồ về Hà Nội chuẩn bị cho lễ khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do nơi này hội đủ các yếu tố thuận lợi. Ngoài tinh thần cách mạng của chủ nhà thì địa thế nơi này có hai mặt phố có thể rút nhanh khi bị động, bên dưới là tầng 1 buôn bán sầm uất, chủ nhà lại giàu có, không ai tin gia đình sẽ nuôi giấu cán bộ cách mạng. “Trước đó, đồng chí Trường Chinh đã về kiểm tra ngôi nhà theo chỉ thị của Bác. Ông vẽ rất kỹ sơ đồ nhà 48 Hàng Ngang, đưa lên an toàn khu ở Thái Nguyên cho Bác kiểm tra. Vì vậy Bác đã chấp thuận về đây chuẩn bị cho buổi ra mắt ngày Tuyên ngôn độc lập” – Anh Trịnh Cần Chính, con trai cụ Hoàng Thị Minh Hồ cho biết như vậy.
Cụ Hoàng Thị Minh Hồ cũng còn nhớ rõ, sáng ngày 26/8, có ba nhà báo Mỹ đến hỏi gặp Bác Hồ tại 48 Hàng Ngang. Khi đó, cụ đang bán hàng và cụ điện hỏi ông đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đồng chí Võ Nguyên Giáp hẹn gặp ba nhà báo vào lúc 10 giờ. Lúc khách đến, cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã cho mua rượu ngoại, hoa quả tiếp khách đồng thời đưa trợ lý của cụ ông Trịnh Văn Bô lên phiên dịch. “Khi đưa người này lên, Bác ra hiệu không cần, bảo tôi khép cửa lại. Lúc khép cửa, tôi thấy Bác nói được tiếng ngoại quốc” – Cụ nói. Để tiếp ba khách này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nhờ cụ làm ba bữa cơm Việt, cơm Tây và cơm Tàu.
Trong câu chuyện cụ Hoàng Thị Minh Hồ kể, ấn tượng nhất có lẽ là việc chuẩn bị quần áo cho Bác Hồ và các đồng chí Trung ương Đảng ngày Tuyên ngôn độc lập. Đó là ngày 27/8, trước vài hôm tổ chức lễ Tuyên ngôn, cụ gặp các đồng chí trong Trung ương Đảng và bảo: “Mùng 2 là ngày độc lập, phải trang bị quần áo cho các anh, chứ không các anh không có quần áo mặc đàng hoàng”. Bởi khi đó, các đồng chí ở Trung ương Đảng vừa ở Thái Nguyên trở về quần áo đã sờn cũ cả, lại mải lo công việc nên không ai để ý đến. Các đồng chí xúc động nói: “Tùy chị, chị làm như nào cũng được”.
Cụ bảo đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên xem tủ quần áo của ông Trịnh Văn Bô, có bộ mặc một hai lần, có bộ chưa mặc lần nào để mọi người ướm thử. Ai cao thì nới thêm gấu, ai thấp thì cắt bớt đi, sau đó mang ra Tô Châu hấp lại, tháo mặt trong ra mặt ngoài nên quần áo trông như mới. Cả tủ quần áo, cụ chỉ bớt lại cho cụ Trịnh Văn Bô hai bộ, còn lại trang bị hết cho các đại biểu trong lễ ra mắt. Riêng quần áo của Bác Hồ, do Bác không hợp bộ nào trong tủ quần áo nên ông Trịnh Văn Bô chọn riêng vải kaki của Anh đưa cho thư ký là ông Vũ Đình Huỳnh lên trình cụ.
Ông Vũ Đình Huỳnh mang lên hỏi ý kiến Bác sau đó mời một chủ hiệu may ở phố Hàng Quạt đến may đo quần áo cho Bác. Cụ Hoàng Thị Minh Hồ cũng cho hay, đầu tiên cụ trang bị cho các đại biểu ngày Tuyên ngôn độc lập, sau đó, trang bị tiếp cho các đồng chí trong Trung ương Đảng, phải tới hơn 200 bộ.
Trong thời gian này, nhiều cuộc họp quan trọng của Bác và Trung ương Đảng đã diễn ra tại tầng 2 ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Đặc biệt, tại đây, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo ra bản Tuyên ngôn độc lập để tuyên bố trước đồng bào sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngày 2/9/1945, cụ Hoàng Thị Minh Hồ cùng gia đình đi dự lễ Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình. Cụ vô cùng xúc động khi người đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chính là “ông cụ ở quê” đã ở nhà cụ, người mà bấy lâu nay trong tâm tưởng cụ vẫn vô cùng kính trọng.
“Chúng tôi luôn tự hào vì từ một gia đình tư sản được giác ngộ cách mạng, tham gia Việt Minh, cống hiến sức lực và của cải cho cách mạng. Hơn nữa, tại Hà Nội khi đó có nhiều gia đình giàu có nhưng Thường vụ Trung ương Đảng vẫn chọn nhà tôi làm nơi hoạt động và đặc biệt ngôi nhà của gia đình tôi chính là nơi ra đời bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam”. – Anh Trịnh Cần Chính chân thành bộc lộ.
Ngày nay, ngôi nhà 48 Hàng Ngang không phải là cửa hàng buôn bán tấp nập như xưa mà nó trầm mình trong sự náo nhiệt của phố cổ Hà Nội. Năm 1970, ngôi nhà được khôi phục làm nhà lưu niệm để đáp ứng tình cảm của nhân dân dành cho Bác và đến năm 1979, ngôi nhà được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Quốc gia. Tầng 2 của ngôi nhà được giữ nguyên làm khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại phòng khách lớn, trong những ngày Bác ở đây được sử dụng làm nơi tiếp khách, hiện vẫn còn một chiếc bàn dài, 4 ghế sopha và 4 ghế đôn, tủ đựng cốc chén và một ghế sopha dài đặt sát cửa. Căn phòng nhỏ kế tiếp có đặt chiếc bàn lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập, một tủ đựng tài liệu và giường vải Người dùng để nằm nghỉ cùng một số vật dụng khác. Căn phòng thuộc khối nhà thứ hai, tiếp nối với khối nhà thứ nhất bằng một giếng trời cũng được dùng làm nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Trung ương Đảng.
Tại đây vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến thời gian làm việc của Bác Hồ và Trung ương Đảng. Giữa căn phòng là một bàn họp, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng thông qua ba nội dung: Tuyên ngôn độc lập, tổ chức lễ Quốc khánh, thành phần Chính phủ lâm thời. Bên chiếc bàn vuông nhỏ bọc nỉ xanh kê gần đó, Người đã hoàn thành những dòng cuối cùng của bản Tuyên ngôn độc lập. Theo chị Quách Thị Hương Trà, thuyết minh viên di tích nhà 48 Hàng Ngang: “Khi Người hoàn thành những dòng cuối cùng của bản Tuyên ngôn độc lập, Người nói, đây là giờ phút sung sướng nhất của cuộc đời tôi. Tôi đã viết rất nhiều song viết Tuyên ngôn độc lập là lòng tôi sung sướng nhất”.
Những ngày này, khi cả nước đang sôi nổi chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được rất nhiều các cá nhân, tổ chức đến tham quan, tìm hiểu về những ngày Bác sống và làm việc tại đây, tìm hiểu di tích gắn với sự ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ.
Đinh Thị Thuận
Tags