(Thethaovanhoa.vn) - Chi cục Quản lý khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Bình Định cho biết, dự kiến đến cuối tháng 10 này, tỉnh sẽ có 4 tàu đánh bắt thủy sản bằng vỏ thép được hạ thuỷ; trong đó, có 2 tàu của các ông Nguyễn Việt Hằng, phường Trần Phú, thành phố Quy Nhơn và ông Nguyễn Đâu, phường Hải Cảng (Quy Nhơn) hiện đã hạ thuỷ.
Đây là những con tàu có số tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng khi được hạ thủy vẫn phải “đắp chiếu” chưa thể ra khơi do còn vướng mắc nhiều thủ tục chưa được giải quyết.
Ông Nguyễn Việt Hằng, chủ tàu vỏ thép mới cho hay, sở dĩ đến nay tàu chưa thể ra khơi bám biển là do còn gặp nhiều khó khăn. Có tàu vỏ thép rất mừng, nhưng hiện nay còn thiếu ngư lưới cụ.
Trong khi đó, để vay tiền mua lưới cụ, hiện tại chưa có mẫu thiết kế cụ thể để ngân hàng căn cứ cho vay tiền và khi có tiền thì phải tiến hành mua sắm ngư lưới cụ trong vòng 1,5-2 tháng mới hoàn tất ra khơi được.
Mặt khác, các thủ tục pháp lý như đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác, trước bạ tàu cũng gặp khó khăn là các đơn vị đóng tàu xuất hoá đơn cho khách hàng không có thuế VAT ( theo Nghị định 67/CP ngư dân được hoàn thuế VAT trong trường hợp ngư dân đóng mới tàu có công suất từ 400 CV trở lên), thuế VAT liên quan đến tàu cá thì tính vào chi phí đóng tàu khiến giá thành đóng tàu tăng lên, cho nên ngư dân phải chờ cơ sở đóng tàu cấp hoá đơn đầy đủ để làm cơ sở cấp giấy trước bạ tàu.
Trước thực trạng trên, nhiều ngư dân đã kiến nghị các ngành chức năng cần sớm ban hành tiêu chí, định mức máy móc, thiết bị ngư lưới cụ cho từng loại tàu để khi tàu đóng xong hạ thuỷ có thể trang bị kịp thời ngư lưới cụ ra khơi, tránh chờ các thủ tục mà ảnh hưởng đến giá trị hàng chục tỷ đồng của các chủ tàu mới phải nằm chờ “đắp chiếu tại bến”. Ngoài ra cần giới thiệu cơ sở đóng tàu vỏ thép đáp ứng đủ năng lực đóng tàu và năng lực tài chính để thực hiện hợp đồng cho các chủ tàu lựa chọn và sớm có kế hoạch đào tạo thuyền viên tàu vỏ thép.
Chi cục Quản lý khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Bình Định cho biết thêm, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt được 3 đợt với tổng cộng 103 chủ tàu có đủ điều kiện để vay vốn đóng mới tàu khai thác và làm dịch vụ trên biển; trong đó, đợt 1 có 39 chủ tàu; đợt 2 có 31 chủ tàu và đợt 3 có 27 chủ tàu. Đồng thời, đến nay mới có 12 khách hàng (chủ tàu) đã ký hợp đồng tín dụng với tổng số tiền cam kết là 186,05 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân được 9 hợp đồng tín dụng với số tiền 39,78 tỷ đồng. Mặt khác, đã giải ngân cho 57 lượt khách hàng vay vốn lưu động với tổng số tiền 10,773 tỷ đồng và hiện còn 17 khách hàng còn dư nợ trên 3,975 tỷ đồng.
Viết Ý - TTVN
Tags