Nhằm tăng cường năng lực và cung cấp những thông tin mới cho các cán bộ quản lý, hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp khu vực phía Nam, hội thảo đã tập trung giới thiệu quy định của WTO về biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS), quy định và quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm ngành Công Thương, quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm…
Theo Luật an toàn thực phẩm, Bộ Y tế có trách nhiệm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, thực phẩm chức năng và một số thực phẩm khác. Bộ Công Thương quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, sản phẩm chế biến bột và tinh bột. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, chế biến ban đầu từ nông, lâm, thủy sản, muối, rau củ, quả…
Ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương, cho biết một trong những điều mà các đơn vị cần chú ý là Luật an toàn thực phẩm đã quy định nghĩa vụ phải thực hiện đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo trước khi quảng cáo thực phẩm, đồng thời việc đăng ký quảng cáo sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ nào thì thực hiện theo quy định của Bộ đó. Đối với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mặc dù không có quy định riêng về bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, nhưng từ các quy định chung về trách nhiệm của thương nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, thì trong kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ những quy định về ghi nhãn, niêm yết giá, cảnh báo nguy cơ mất an toàn sức khỏe của con người.
Dịp này, các cán bộ quản lý, hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp khu vực phía Nam cũng đã có cơ hội gặp gỡ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong quá trình thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dung thời gian qua./.