(Thethaovanhoa.vn) - Mức giá các đối tượng “cò vé” đưa ra khoảng 5,5 triệu đồng/1 cặp đối với khán đài C,D; vé có mức giá 350 nghìn đồng/vé được bán với giá 8,5 triệu đồng/cặp; vé có mức giá 500 nghìn đồng/vé được chào bán với mức giá 10,5 triệu/cặp; vé 600 nghìn đồng và vé mời được chào bán ở mức 13-14 triệu/cặp.
Thời điểm 17h ngày 15/12, theo ghi nhận của phóng viên, hơn 2 tiếng trước khi trận chung kết Việt Nam - Malaysia diễn ra, có khoảng 100 người đang bán vé tại chợ "đen" trước cửa sân vận động Mỹ Đình.
Trưa ngày 15/12, nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho trận chung kết lượt về giải bóng đá AFF Suzuki Cup 2018, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tăng cường nhiều tổ công tác, có mặt tại khu vực sân vận động Quốc gia Mỹ Đình ngăn chặn nạn “cò vé” đang diễn ra tại khu vực này.
Qua công tác trinh sát, lực lượng chức năng phát hiện và đưa về trụ sở 10 người đang có hành vi chèo kéo, rao bán 60 vé vào xem trận chung kết.
Đại úy Đặng Mạnh Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Nam Từ Liêm cho biết các cò vé còn rao bán cả vé mời cho người hâm mộ.
Theo đại úy Đặng Mạnh Cường, từ đầu giải đến nay, Công an quận Nam Từ Liêm đã phát hiện gần 10 vụ cò vé, xử phạt gần 30 trường hợp. Mức giá các đối tượng “cò vé” đưa ra khoảng 5,5 triệu đồng/1 cặp đối với khán đài C,D; vé có mức giá 350 nghìn đồng/vé được bán với giá 8,5 triệu đồng/cặp; vé có mức giá 500 nghìn đồng/vé được chào bán với mức giá 10,5 triệu/cặp; vé 600 nghìn đồng và vé mời được chào bán ở mức 13-14 triệu/cặp.
Theo lời khai của một đối tượng cò vé, đối tượng được một người bạn mua được vé online từ nhiều ngày trước đưa cho cặp vé mệnh giá 600 nghìn đồng/cặp, đối tượng đã ra khu vực sân vận động Quốc gia Mỹ Đình chào bán với giá 8 triệu đồng/cặp.
Đặc biệt, có cặp vé đẹp mệnh giá 600 nghìn đồng, thậm chí có đối tượng còn chào bán ở mức giá 18 triệu đồng, cao hơn tới cả chục triệu đồng so với giá vé trận bán kết Việt Nam - Philippines và được ghi nhận cao nhất trong lịch sử các trận đấu bóng đá được tổ chức tại Việt Nam.
Đáng chú ý, các đối tượng “cò vé” đều từ nơi khác về Hà Nội trong dịp này, mua đi bán lại tạo nên sự mất an ninh trật tự trên địa bàn và đẩy giá vé lên cao gấp hàng chục lần so với thực tế.
Hiện Công an quận Nam Từ Liêm đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ số vé trên.
Ngoài SVĐ Mỹ Đình trước giờ bóng lăn:
Trước giờ diễn ra trận chung kết, các mặt hàng cổ động, cổ vũ đội tuyển như băng-rôn, áo, miếng dán, thanh đập in hình cờ đỏ sao vàng, cờ tay vẫy, cờ Tổ quốc, kèn... cũng "được đà" tăng giá gấp 2-3 lần ngày thường.
Do nhu cầu người mua lớn nên không chỉ khu vực quanh sân vận động Mỹ Đình mà ở nhiều ngả đường nội đô Hà Nội đều bày bán các mặt hàng trên. Đây có thể sẽ là mặt hàng "hái ra tiền" nếu ĐT Việt Nam địch, bởi khi đó, lượng người đổ ra đường ăn mừng sau trận đấu là rất lớn.
Cùng với đó, các quán cà phê bóng đá, nhà hàng cũng tăng phí phục vụ đối với những khách đến ăn uống và theo dõi bóng đá qua màn hình lớn. Đổi lại, khách hàng được đặt chỗ trước và có thể cùng người thân, bạn bè thưởng thức bóng đá tới 22h đêm.
P.V (Theo TTXVN, Vnews, Anninhthudo)
Tags