Liệt sỹ Xuân Trường là một trong 34 chiến sỹ tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Sau nhiều trận đánh oanh liệt, ông đã anh dũng hy sinh trong khi chỉ huy đánh đồn Đồng Mu và ông trở thành người liệt sỹ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, đến nay đã gần 70 năm ngày ông hy sinh, trên mộ ông và các bia đá khắc ghi tên tuổi ông ở một số địa danh trên tỉnh Cao Bằng vẫn chưa có một ngày hy sinh thống nhất, mỗi nơi ghi một ngày khác nhau, gây băn khoăn cho gia đình ông cũng như nhiều người dân địa phương.
Liệt sỹ Xuân Trường tên thật là Hoàng Văn Nhủng, quê quán ở xóm Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, là vùng đất anh hùng nơi đã sinh ra những vị tướng lĩnh tên tuổi như Đàm Quang Trung, Lê Quảng Ba... Ông sớm tham gia cách mạng từ thời niên thiếu. Năm 1940, ông được tổ chức cử đi học quân sự ở Liễu Châu (Trung Quốc) và trở thành một trong những đội viên vũ trang xuất sắc cùng với 4 đồng chí khác là Dương Đại Long, Hoàng Thế An, La Thanh, Lương Quý Sâm của châu Hà Quảng được đứng trong hàng ngũ 34 chiến sỹ đầu tiên làm lễ tuyên thệ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào Ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Nguyên Bình (Cao Bằng).
Tên ông bây giờ đã được khắc trên bia đá tại Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo, đồn Phai Khắt - Nà Ngần nơi ghi dấu chiến công đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam; tại Sóc Hà - Hà Quảng, nơi ông sinh ra và lớn lên; tại di tích lịch sử đồn Đồng Mu (Bảo Lạc), nơi ông đã hy sinh và tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Bảo Lạc, nơi ông yên nghỉ...
Chỉ có một điều, chúng tôi và nhiều người khác khi tham quan những di tích còn áy náy là cách ghi ngày tháng hy sinh của ông chưa có sự nhất quán: Ở Sóc Hà ghi là Nông Văn Nhủng, hy sinh ngày 14/4/1944. Điều này là hết sức vô lý, vì ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân mới được thành lập. Và đến đêm 5/2/1945, Tiểu đội trưởng Xuân Trường mới chỉ huy công đồn Đồng Mu và cũng chính đêm ấy ông đã hy sinh. Tại bia ghi công ở nghĩa trang liệt sỹ huyện Bảo Lạc lại ghi là: Nông Văn Nhủng hy sinh ngày 22/1/1945. Còn mộ ông tại nghĩa trang này ghi hy sinh ngày 5/2/1945, trùng với tiểu sử của ông trong cuốn Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Thiết nghĩ, những chi tiết về sự kiện lịch sử này cần phải được các cơ quan chức năng thống nhất khi ghi lên bia đá ghi công để mỗi người hiểu rõ lịch sử khi đến thăm những di tích gắn với tên tuổi liệt sỹ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Cao Bằng.
Mạnh Hà - TTXVN
Tags