(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc nuôi chó, mèo nhưng nhiều người dân vẫn vi phạm, trong đó có thói quen nuôi chó thả rông. Điều này đã từng gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc, gần đây nhất là vụ bé trai 7 tuổi tại tỉnh Hưng Yên bị cả đàn chó cắn tử vong. Tại nhiều quốc gia, việc nuôi chó, mèo luôn được kiểm soát nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi khác.
Một số quy định về nuôi chó tại Việt Nam
Chó, mèo là những vật nuôi phổ biến trong các gia đình người Việt. Nhưng không phải ai cũng biết đến những quy định của pháp luật đối với loại vật nuôi này. Dưới đây là những quy định người nuôi chó, mèo cần biết:
- Đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã: Người nuôi chó phải đăng ký việc nuôi chó với cấp trưởng thôn hoặc UBND cấp xã, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình (theo Quyết định 193/QĐ-TTg). Hà Nội cũng ra Kế hoạch 30/KH-UBND yêu cầu người dân Thủ đô tuân thủ quy định nêu trên.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh dại: Theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, chó, mèo là những vật nuôi thuộc đối tượng bắt buộc phải tiêm phòng vacxin dại. Chủ nuôi phải tự chi trả việc tiêm phòng vacxin dại cho chó, mèo.
Nếu chủ vật nuôi không tiêm phòng vacxin phòng bệnh dại cho chó, mèo thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng - 800.000 đồng (căn cứ khoản a, Điều 2 Nghị định 90/2017/NĐ-CP).
- Phải đeo rọ mõm cho chó, xích giữ chó khi ra đường: Theo quy định, chủ nuôi chó khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định, chủ nuôi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng - 800.000 đồng.
- Chó cắn người, chủ phải bồi thường: Theo Điều 603 Bộ Luật dân sự năm 2015, nếu vật nuôi gây ra thiệt hại cho người khác thì chủ vật nuôi phải bồi thường, trừ trường hợp vật nuôi bị người khác chiếm hữu trái pháp luật hoặc do người thứ 3 có lỗi...
Nhiều quy định nghiêm ngặt về việc nuôi chó tại một số quốc gia
Tại hầu hết các quốc gia, việc tiêm phòng dại cho chó là việc đương nhiên mà những người nuôi chó phải làm. Bên cạnh đó, mỗi quốc gia cũng có những quy định riêng về việc nuôi chó để đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi khác.
- Tại Singapore
Tại Singapore, Đạo luật Thú và Chim quy định người muốn nuôi chó hơn ba tháng tuổi cần phải đăng ký cấp phép với cơ quan chức năng, ai vi phạm sẽ bị phạt tối đa 5.000 SGD. Mỗi người chỉ được nuôi tối đa ba con chó trong nhà (trừ trường hợp là trang trại chó hoặc cửa hàng kinh doanh).
Đạo luật Thú và Chim còn đặt ra danh mục giống chó nguy hiểm bị hạn chế nuôi vì có thể gây nguy hiểm cho bản thân người nuôi và cộng đồng như: Pit Bull, Akita, Tosa... Theo đó, mỗi nhà chỉ được nuôi một con chó thuộc danh mục này song phải cho cấy chip, trải qua khóa huấn luyện hành vi, và được triệt sản. Chủ chó phải mua bảo hiểm có giá trị ít nhất 100.000 SGD để bồi thường trong trường hợp con vật làm bị thương người hoặc làm hư hỏng tài sản... Ngoài ra, người nuôi cần đặt cọc 5.000 SGD với cơ quan chức năng và khoản này sẽ bị sung công trong trường hợp vi phạm các điều kiện trên hoặc để mất chó.
Nếu chó cắn người, chủ sẽ bị phạt và bồi thường, con chó có thể bị tòa ra lệnh tiêu hủy; trừ trường hợp nó cắn người đột nhập trái phép hoặc người có hành vi trêu trọc. Chủ chó cũng sẽ bị phạt và bồi thường nếu con chó có thói quen nhảy xổ vào người khác hoặc vào phương tiện đang di chuyển trên đường hay phá hoại cây cối, hàng rào bên đường…
- Tại Nhật Bản
Chó là loại thú cưng được nuôi rất nhiều ở Nhật Bản. Tuy nhiên, để được nhận nuôi một chú chó ở Nhật, cần phải làm các việc như: đăng kí thủ tục nuôi trong vòng 30 ngày kể từ ngày mua chó về; đến cơ quan chức năng gắn chip dưới da cho chó để lưu thông tin; chứng minh rằng căn hộ của bạn có đầy đủ tiện nghi cho chó phát triển và phải cách âm tốt; tiêm chủng định kỳ cho chó; báo cáo cho chính quyền nếu chuyển nhà hoặc đổi chủ chó… Đối với giống chó dữ thì phải làm giấy tờ đảm bảo chúng không cắn người và được trông giữ cẩn thận…
Khi dẫn chó đi dạo cần mang theo túi đựng phân cũng như nước khử mùi hoặc nước cồn. Phân của chó phải cho vào túi và đem về nhà. Khi dẫn chó đi dạo cũng cần có dây đeo để đảm bảo an toàn cho người và vật khác.
- Tại Anh
Nước Anh có hẳn một đạo luật về kiểm soát chó, trong đó yêu cầu tất cả các chủ nuôi phải mang chó đến các cơ sở để gắn microchip - một phương pháp lưu giữ thông tin và theo dõi chó hiện đại. Phương pháp này không chỉ lưu giữ những thông tin cá nhân của chủ chó, mà những yếu tố về y tế căn bản cho chó như tiêm phòng bệnh dại, thời hạn hiệu lực của vacxin cũng được bảo quản trong hệ thống dữ liệu của chính phủ.
Hành vi thả rông chó nguy hiểm bị coi là trái luật ở mọi nơi ở Anh, kể cả khu vực thuộc sở hữu tư nhân như: trong nhà hoặc sân vườn của hàng xóm, thậm chí trong nhà của chủ. Nếu vi phạm, chủ của con chó sẽ bị phạt tiền không giới hạn và ngồi tù 6 tháng. Họ không được nuôi chó trong tương lai, con vật có thể bị tiêu hủy. Nếu chó gây thương tích với người khác, người nuôi có thể đi tù đến 5 năm và bị phạt tiền.
- Tại Mỹ
Tại Mỹ, hầu hết mọi tiểu bang, thành phố và các khu vực đều cấp thẻ căn cước cá nhân cho những chú chó. Đặc biệt hơn, thời hạn thẻ căn cước này không được vượt quá thời gian hiệu lực của các vacxin phòng dại cũng như phòng các bệnh gây nguy hiểm ở chó. Nghĩa là chỉ có những chú chó đảm bảo sức khỏe mới được "công nhận" và được tự do ra đường.
Mỗi bang đều đặt ra định nghĩa hay danh mục chó nguy hiểm. Nếu một con chó bị coi là nguy hiểm, chủ của nó sẽ phải thực hiện một số biện pháp để hạn chế rủi ro. Ví dụ ở bang Virginia và Pennsylvania, chủ chó sẽ phải đăng ký chó nguy hiểm với cơ quan chức năng, phải cấy chip, khi cho chó ra ngoài phải có dây dắt và rọ mõm. Bang Georgia nghiêm cấm chủ nhân chuyển quyền sở hữu chó nguy hiểm trừ phi cho bác sĩ thú y hoặc cơ quan chức năng để tiêu hủy. Nếu vi phạm vào luật chó nguy hiểm, con vật có thể bị tòa án bắt buộc tiêu hủy, chủ con chó cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tiền.
Tại các quốc gia phát triển, việc trang bị dây dắt cho chó khi ra ngoài là việc làm tất yếu. Các bang lớn của Mỹ như L.A, California… tràn ngập các biển báo, khẩu hiệu "keep your dog on the leash" (Phải dùng dây dắt cho mọi chú chó).
- Tại Thụy Sỹ
Nếu muốn nuôi chó, mèo ở Thụy Sĩ, sẽ phải theo học một khóa đào tạo và phải trải qua bài kiểm tra. Khóa học sẽ dạy các cách chăm sóc chó mèo, cách dạy dỗ chúng đi vệ sinh đúng chỗ, cách nhận biết chúng ốm hay khỏe.
Những người nuôi chó lần đầu sẽ phải tham gia một lớp học lý thuyết trước khi chuyển tiếp lớp huấn luyện thực hành. Điều này đảm bảo cho chú chó có thể nhận được sự chăm sóc tốt nhất.
Các chú chó ở Thụy Sỹ đều phải gắn vi mạch và đăng kí nhận dạng bắt buộc.
- Tại Đức
Tại Berlin (Đức), tất cả các con chó phải được đăng ký tập trung. Và chỉ được phép mua chó con của những chủ có giấy chứng nhận có hiểu biết chuyên môn.
Các quận có thể quy định cấm chó ở những khu vực nhất định nhưng vẫn phải dành chỗ khác cho người dẫn chó đi dạo. Về cơ bản, chó bị cấm ở khu vực dành cho trẻ em chơi, khu vực tắm công cộng, những bãi cỏ để dành cho người nằm…
Các giống chó nguy hiểm (ví dụ Pitbull-Terrier, American Staffordschire-Terrier) phải đeo rọ mõm từ khi 7 tháng tuổi.
Khi chủ dẫn chó đi dạo buộc phải có dây dắt chó và mang theo túi đựng phân, nếu không sẽ bị phạt. Tương tự, khi dắt chó đi trong nhà tập thể có đông hộ, trong các cửa hàng, trên tàu, xe, khi vực dành cho người đi bộ thì người nuôi chó phải dắt chó bằng dây xích dài 1m.
TTXVN/Minh Duyên (tổng hợp)
Tags