(Thethaovanhoa.vn) - Trước những “lùm xùm” của việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc mua sắm máy xét nghiệm Realtime PCR tự động và thiết bị y tế liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời giao Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn ngân sách phục vụ phòng, chống dịch ở các cấp.
* Ưu tiên dành nguồn lực tối đa cho công tác phòng, chống dịch
Tại Hội nghị thông tin báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì ngày 4/2, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện cho biết: Tính đến ngày 4/2, tỉnh đã chi 135 tỉ đồng mua sắm các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch nCoV (nay là dịch COVID-19), trong đó, có 19 thiết bị đo nhiệt từ xa, 194 máy thở (gồm 5 máy xách tay), 5 hệ thống tim phổi nhân tạo (dự kiến sẽ mua thêm 2 máy trong những ngày tới), 1 máy xét nghiệm tự động, 2 xe cứu thương hiện đại đầy đủ chức năng cấp cứu, 1 xe vận chuyển mẫu bệnh phẩm…
Tại cuộc họp thông tin báo chí khác vào ngày 21/3, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, lãnh đạo Sở Y tế cập nhật thông tin: Tính đến ngày 21/3, Quảng Ninh đã đầu tư 173,5 tỉ đồng mua sắm các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
- Đảm bảo an toàn trong khám, chữa bệnh và kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở y tế
- Dịch COVID-19: Chuyên gia Nhật Bản 'quan ngại về sự sụp đổ của hệ thống y tế'
- 17 nhân viên y tế BV Phụ sản Hà Nội tiếp xúc gần với BN243 âm tính lần 2 với SARS-CoV-2
Ngày 10/4, trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh thông tin: UBND tỉnh vừa đồng ý cấp bổ sung hơn 41 tỉ đồng từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19, dự toán ngân sách tỉnh năm 2020 để mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch. Toàn bộ trang thiết bị sau khi mua sắm sẽ được trang bị cho các đơn vị ngành y tế để đảm bảo đủ danh mục thiết yếu của 1 khu vực điều trị cách ly người mắc COVID-19 theo quy định.
Trước đó, ngày 31/3, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó thông qua việc tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên, hạn chế tối đa mua sắm tài sản, cắt giảm chi phí hội họp, đào tạo, công tác nước ngoài, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách… kể cả dự án đầu tư xây dựng cơ bản chưa cấp bách ưu tiên dành nguồn lực tối đa ở các cấp ngân sách cho công tác phòng, chống dịch.
HĐND tỉnh thống nhất thực hiện mức trích tối đa 4% trên tổng chi ngân sách cho dự phòng ngân sách các cấp và phương án điều chỉnh giảm 600 tỉ đồng từ nguồn tiết kiệm kể trên để dự phòng nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, thiên tai, dịch bệnh khác…
Bà Trần Thị Hoài Thu, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh, cho biết: Hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra toàn diện quá trình mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch nên để tránh chồng chéo, phía HĐND tỉnh cũng tạm chưa kiểm tra, giám sát việc đầu tư mua sắm này mà chỉ tập trung giám sát, kiểm tra hiệu quả đầu tư công.
* Công khai minh bạch để phát huy dân chủ
Như vậy, với thông tin trên, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã dùng ngân sách tới cả trăm tỉ đồng phục vụ việc mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19.
Riêng việc mua sắm máy xét nghiệm Realtime PCR được ngành Y tế Quảng Ninh đặt mua từ cuối tháng 1, đến ngày 4/2, tỉnh Quảng Ninh đã tự xét nghiệm được chủng mới của virus Corona (nay là virus SARS-CoV-2). Ngày 21/3, Bộ Y tế đã chính thức công nhận và cho phép xét nghiệm khẳng định mắc COVID-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (đơn vị được quản lý và sử dụng máy xét nghiệm Realtime PCR).
Đến ngày 30/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh đã hoàn tất việc chia sẻ, chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR cho 13 cán bộ, y bác sĩ làm công tác xét nghiệm của các bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi và Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để những bệnh viện này chuẩn bị triển khai kỹ thuật xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR trong thời gian tới.
Dù đã mua và sử dụng thiết bị trong suốt thời gian dài, song đến cuối tháng 4 Quảng Ninh lại đưa ra thông tin là vẫn chưa quyết toán hợp đồng mua thiết bị xét nghiệm này, chưa công bố giá trị hợp đồng mua sắm máy xét nghiệm Realtime PCR khiến dư luận càng đồn đoán “có vấn đề” xung quanh việc đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế.
Một số cơ quan truyền thông thông tin trích dẫn chi tiết “dự trù thiết bị phòng dịch của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (dự trù ký ngày 26/3) cho tình huống bệnh nhân gia tăng, giá một máy Realtime PCR được dự trù tới 15 tỉ đồng, máy tách chiết mẫu 2 tỉ đồng. Cả hệ thống xét nghiệm này nếu mua theo dự trù và báo giá của doanh nghiệp cung cấp lên tới 17 tỉ đồng, cao gấp 4 - 5 lần so với thị trường". Sở Y tế Quảng Ninh đã bác bỏ thông tin này nhưng cũng không đưa ra số liệu rõ ràng về khoản tiền mua sắm thiết bị y tế.
Gần đây, xuất hiện thông tin chưa được kiểm chứng về việc Sở Y tế Quảng Ninh ký hợp đồng với một liên danh nhà thầu để mua máy xét nghiệm Realtime PCR, ký phụ lục hợp đồng giảm giá, tạm ứng thanh toán và hoàn trả tiền tạm ứng... Điều này khiến dư luận càng hoài nghi hơn vè tính minh bạch trong hợp đồng.
Việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã trở thành một vấn đề “nóng” đang được đông đảo người dân Quảng Ninh nói riêng và dư luận cả nước quan tâm.
Rõ ràng, cùng với việc các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, dư luận cũng đòi hỏi tỉnh Quảng Ninh cần sớm công khai, minh bạch giá trị hợp đồng của của các trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 để người dân thực hiện quyền giám sát của mình.
Một cử tri thành phố Hạ Long phản ánh: Phát huy tính dân chủ, khi thấy nổi lên vấn đề liên quan đến lợi ích của tỉnh thì cử tri có quyền chất vấn đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu phải có trách nhiệm trả lời trước cử tri.
Văn Đức
Tags