(Thethaovanhoa.vn) - Đốt rác thải, rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp nhất là các tháng cuối năm, khi các vùng nông thôn ngoại ô vào mùa gặt và việc nhiều hộ gia đình chưa từ bỏ thói quen đốt than tổ ong đang là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Những "thói quen" này không chỉ gây ô nhiễm không khí và khói, gia tăng nhiệt độ cục bộ mà về lâu dài còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng do nguy cơ phát sinh các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, tồn tại bền vững trong môi trường.
- Khi nào ô nhiễm không khí được cải thiện?
- Hà Nội thông tin kết quả xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí ở mức nguy hại
Những ngày gần đây, kết quả quan trắc ghi nhận nhiều điểm ở Hà Nội ô nhiễm lên tới ngưỡng nguy hại - mức cao nhất trong bậc thang ô nhiễm không khí, khủng khiếp hơn 4 đợt ô nhiễm từng xảy ra trong năm 2019. Kết quả quan trắc chất lượng không khí gần như tất cả đều màu tím. Theo Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, đây là hiện tượng ô nhiễm không khí chưa từng thấy khi màu tím ở hầu hết các trạm quan trắc trên địa bàn Thủ đô, thậm chí có nơi còn ghi nhận ở ngưỡng nâu, mức nguy hại.
Theo ghi nhận, tại thời điểm 6 giờ ngày 12/11, điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên (Hà Nội) cho thấy chất lượng không khí (chỉ số AQI) lên tới 341, ngưỡng cao nhất thể hiện màu nâu và là ngưỡng nguy hại theo cách tính chất lượng không khí của Việt Nam. Với mức ô nhiễm này, cơ quan chức năng khuyến cáo tất cả mọi người bao gồm cả nhóm nhạy cảm là trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp và nhóm khỏe mạnh đều hạn chế ra ngoài đường.
Giải thích về các nguồn gây ô nhiễm không khí chính của Thủ đô hiện nay, UBND thành phố Hà Nội cho biết, nguyên nhân gây ô nhiễm được xác định từ 12 nguồn, bao gồm: Khí xả thải từ các phương tiện ô tô, xe máy; phá dỡ các công trình xây dựng, xây dựng các công trình; vận chuyển vật liệu xây dựng; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn và một số tỉnh lân cận; do tác động của khí hậu, thời tiết chuyển mùa và còn do nguyên nhân từ đốt rơm rạ, rác, đun bếp than tổ ong.
Những mối nguy từ bụi khói
Những ngày gần đây, không khó để quan sát thấy tại nhiều địa phương vùng ven Hà Nội như: Đông Anh, Gia Lâm, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mê Linh... hàng chục cột khói rơm rạ nghi ngút do người dân thu gom, đốt sau thu hoạch.
Trước tác hại của việc đốt rơm rạ, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội đã thành lập Tổ công tác liên ngành làm việc với 19 huyện, thị xã (từ ngày 24/9 - 7/10) để nắm tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Qua kiểm tra thực tế ở một số huyện, tình trạng đốt rơm rạ vẫn diễn ra. Các địa phương cho rằng, nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; thiếu chế tài xử lý đối với người đốt rơm, còn ít mô hình sử dụng rơm rạ vào các việc có ích; việc hỗ trợ các hộ sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ thành phân bón chưa phổ biến...
Theo các chuyên gia về hóa sinh, hoạt động đốt cháy các vật liệu trong không khí do không có phương pháp kiểm soát quy trình và các thông số hoạt động sẽ gây phát thải nhiều chất ô nhiễm độc hại do đốt ở nhiệt độ thấp (200 - 700 độ C) và thời gian không đủ để đốt cháy hoàn toàn, làm phát sinh hàng loạt chất ô nhiễm, trong đó có bụi, CO2, kim loại (chì, thủy ngân, kẽm, asen), dioxin…
Nguy hiểm hơn, đốt rơm rạ gây nên ô nhiễm bụi mịn rất đáng lo ngại. Nếu như với ô nhiễm bụi bình thường thì dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được, còn với ô nhiễm bụi mịn thì khẩu trang cũng vô ích, bụi chui sâu vào phổi, gây các bệnh về hô hấp, thậm chí ung thư. Bụi và kim loại sinh ra trong quá trình đốt hở có thể gây ra hàng loạt bệnh nguy hiểm cho con người như hắt hơi, kích ứng mắt, họng, phổi, khò khè, khó thở ở những người mắc bệnh hen suyễn, bệnh phổi; gây tắc nghẽn mãn tính; các vấn đề về tim mạch (bao gồm những cơn đau tim ở những người đã bị bệnh tim trước đó); kích ứng phổi, tiếp xúc với da có thể gây ra các nốt đỏ, phồng hoặc bong da… Ngoài ra, khói sinh ra từ quá trình đốt ngoài trời còn gây ra mùi và ảnh hưởng đến tầm nhìn, đặc biệt trên các đoạn đường giao thông, gây nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, nhất là ở các tuyến đường vùng ven thành phố.
Mầm họa từ than tổ ong
Giờ đi làm mỗi buổi sáng, người dân Hà Nội thường xuyên chứng kiến cảnh khói than mù mịt ở những khu tập thể cũ, thậm chí ngay tại trung tâm phố cổ, nhiều nhất là những cửa hàng, quán bán đồ ăn sáng, quán phở, đồ ăn nhẹ bình dân. Theo người dân, sử dụng bếp than tổ ong để giảm chi phí nhưng không mấy ai nghĩ đến chi phí không kiểm soát nổi do chính loại nguyên liệu này gây ra cho sức khỏe con người.
Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, mỗi ngày thành phố sử dụng đến 528 tấn than tổ ong, lượng khí CO2 phát ra môi trường là rất lớn, đây là một nguyên nhân quan trọng gây ra ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, loại than tổ ong người dân sử dụng chủ yếu là loại than cấp thấp, giá rẻ, được trộn với bùn và có hàm lượng lưu huỳnh nhất định để bắt cháy nhanh hơn. Khi đốt loại than này sẽ phát thải ra môi trường một lượng lớn khí SO2. Tính toán của các chuyên gia cho thấy, nếu mỗi ngày Hà Nội dùng 528 tấn than, tương đương 1.872 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường, sẽ tác động không nhỏ tới sức khỏe người dân.
Cần những biện pháp kịp thời, hiệu quả hơn
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí nặng hiện nay, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp quản lý, cải thiện môi trường không khí trên địa bàn. Đặc biệt, thành phố xác định lộ trình hỗ trợ người dân loại bỏ bếp than tổ ong đến hết năm 2020 và từ năm 2021 sẽ áp dụng hình thức xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong.
Cùng với đó, thành phố triển khai chiến dịch "Cánh đồng không đốt rơm rạ" nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng này vào năm 2020. Theo đó, nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền để người dân ký cam kết không đốt rơm rạ, sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Tuy nhiên, tình trạng đốt rơm rạ vẫn xảy ra, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Có thể thấy, những chủ trương này mặc dù nhận được sự đồng thuận của người dân nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng kịp thời để khắc phục diễn biến ngày càng xấu của chất lượng không khí.
Góp ý với các chủ trương của thành phố, với quan điểm "vận động là chưa đủ", các chuyên gia hiến kế một số mô hình cộng đồng tối ưu hóa trong nông nghiệp giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng phân hủy sinh khối tại ruộng; sử dụng một số hóa chất sinh học tăng khả năng phân hủy của sinh khối; tận dụng vỏ trấu, rơm làm chất đốt như than nén để thay thế than củi; sản xuất giấy từ mùn cưa…
Dù chủ trương hạn chế, tiến tới cấm hoàn toàn sử dụng than tổ ong đưa ra là đúng đắn, nhưng để thực hiện hiệu quả cần có lộ trình và giải pháp quản lý cụ thể, phù hợp, nhất là các quy định về chế tài xử lý, chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo.
Đặc biệt, các cấp chính quyền cần vào cuộc quyết liệt hơn và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt than tổ ong và rơm rạ. Thành phố cần hướng cho người dân đến các giải pháp thay thế bếp than tổ ong bằng các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cung cấp các sản phẩm bếp an toàn, không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Minh Nghĩa/TTXVN
Tags