(Thethaovanhoa.vn) - Chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã trở thành ưu tiên của hàng triệu người dân Việt Nam trong thời gian qua. Đây là kết quả của một chiến dịch tuyên truyền rộng khắp mà phần lớn dựa vào các phương tiện truyền thông xã hội cũng như thông tin chính thống của nhà nước giúp người dân thấm nhuần ý thức về nghĩa vụ công dân trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2.
Cách thức ứng phó của Việt Nam trong cuộc chiến này đã mang lại thành công: 326 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong. Nhiều chuyên gia khẳng định tính chân thực của con số thống kê này. Đây là phần đầu bài viết của nhà báo tự do người Anh Georgina Quach trên trang mạng OneZero đề cập thành công đáng tự hào của Việt Nam trong cuộc chiến "chống dịch như chống giặc" này.
Theo tác giả bài viết, một trong những công cụ hiệu quả nhất mà Việt Nam sử dụng để tuyên truyền về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 chính là giáo dục công cộng, được triển khai thông qua các phương tiện truyền thông xã hôi phổ biến. Đơn cử, hồi tháng 2/2020, Bộ Y tế Việt Nam đã tung ra bài hát về rửa tay "Ghen Co Vy", qua đó tuyên truyền cách thức phòng bệnh cho hàng triệu người. Sản phẩm âm nhạc này cùng với Hasdtag #GhenCoVyChallenge sau đó đó thu hút 37,7 triệu lượt xem.
Trong khi đó, những áp phích tuyên truyền mang tinh thần thời kỳ chiến tranh đã chỉ dẫn cụ thể người dân cách thời đeo khẩu trang đúng cách, trong khi nhà nước tích cực đầu tư tuyên truyền mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Cùng với đó, công dân Việt Nam thường xuyên nhận được tin nhắn cập nhật về tình hình dịch bệnh thông qua tin nhắn SMS hay tin nhắn thông qua ứng dụng trực tuyến.
Cùng với đó, bộ máy truyền thông của Việt Nam chú trọng triển khai một loạt các chương trình trên cả nước. Ở giai đoạn đầu, Việt Nam tập trung xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, sau đó tiến hành truy tìm các đối tượng có tiếp xúc. Đây cũng chính là chiến thuật đã giúp Việt Nam trở thành nước đầu tiên ngăn chặn thành công sự lây lan của Hội chứng viêm đường hô hấp cấp SARS 17 năm trước.
Tác giả đề cập cụ thể đến cách thức Việt Nam xác định đối tượng mắc bệnh và phân loại đối tượng nghi ngờ nhiễm virus ở 4 tầng phơi nhiễm khác nhau căn cứ trên mức độ tiếp xúc với nguồn lây bệnh (F0), để qua đó tiến hành xét nghiệm, cách ly tập trung, cách ly tại nhà đối với các cá nhân đó.
Cùng với việc chủ động giám sát, Việt Nam còn triển khai 2 ứng dụng điện thoại để mọi đối tượng chủ động thông tin cho giới chức hữu quan về triệu chứng bệnh mà họ gặp phải hoặc tự nguyện khai báo về các trường hợp nghi nhiễm tại địa phương sinh sống, qua đó xác định các điểm nóng của dịch bệnh.
Tác giả nhận định cách Việt Nam ứng phó được hình thành từ những kinh nghiệm trong quá khứ trong các cuộc khủng hoảng y tế. Sau khi bệnh SARS gây ra cuộc khủng hoảng y tế tại châu Á vào năm 2003, Việt Nam đã tăng cường năng lực kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh bằng nguồn tài trợ của Ngân hàng thế giới (WB).
- Đã 45 ngày, Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng
- Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19: Cập nhật tình hình dịch bệnh ngày 30/5
- Dịch COVID-19 ngày 29/5: Thế giới có 5.945.245 ca nhiễm, 362.921 ca tử vong
Khi Việt Nam phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, Chính phủ đã ngay lập tức áp đặt các biện pháp hạn chế biên giới và cách ly hàng chục nghìn người. Trong khi các quốc gia giàu có khác đang cân nhắc các hậu quả về sức khỏe và kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia để kiểm soát dịch bệnh ngay từ đầu.
Lan Phương/TTXVN
Tags