Không ít nơi đang xây dựng lễ hội này, nhưng những chuyện ở Lễ hội Chọi trâu xã Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) có thể sẽ đưa đến một cách nhìn khác: nên hay không nên học theo để tổ chức chọi trâu?
Lãi ròng!
Xã Hải Lựu có 13 làng, mỗi làng được phân một suất, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, hội người cao tuổi… mỗi hội được phân một suất cùng với các đơn vị ban ngành trong xã, tổng cộng có 25 suất, tương đương với 25 trâu tham gia Lễ hội. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, người thôn Dừa Lẽ, bí thư Đoàn xã Hải Lựu, thay mặt chi đoàn tham gia lễ hội. Năm ngoái anh Hùng lặn lội lên Đông Thọ, Tuyên Quang tìm mua được một con trâu đực chuẩn bị cho lễ hội. Con trâu khá hay, lông móc da trê, móng tốt, gối đẹp, có một khoáy ở tai, nặng trên 600 cân… và quan trọng nhất là giá khá rẻ.
Suốt năm chăm trâu, theo lệ làng phải cho “ông trâu” (đến ngày 15 tháng Giêng sau khi làm lễ ở đình làng sẽ được gọi là Ông Cầu) ăn uống ngon lành, cỏ voi, mật mía, lá sắn và cả rượu ngang. Người chăn trâu phải giữ mình sạch sẽ, tắm rửa đều đặn cho “ông trâu”. Chế độ chăm sóc và sinh hoạt kỹ vậy nên trước khi vào hội “ông trâu” của anh Nguyễn Mạnh Hùng đạt 638 cân. Trâu của anh Hùng đoạt giải nhì, tiền thưởng là 15 triệu đồng, và bán trao tay cho thợ trâu rình sẵn ngay bên cạnh “đấu trường” giá 54 triệu. Tổng cộng anh Hùng thu về 69 triệu, so với khoảng 34 triệu tiền vốn (cả mua trâu lẫn công chăm sóc), anh đã lãi 35 triệu trong vòng 6 tháng.
Bên cạnh “đấu trường” chọi trâu, là chợ bán thịt trâu. Trâu thắng cuộc và thua cuộc đều bị thịt và đem bán tại chợ. Khảo sát của chúng tôi trong chiều 11/2 (17 tháng Giêng), thịt trâu đoạt giải nhất có giá 1,1 triệu đồng, giải nhì 900 ngàn đồng, giải ba 800 ngàn đồng mỗi ký. Những “Ông Cầu” thua từ hôm 10/2 có giá từ 250 đến 300 ngàn đồng. Thủ cấp của “Ông Cầu” đoạt giải nhì được mua với giá kỷ lục 8 triệu đồng... Nhiều người mua tin rằng ăn thịt trâu thắng trận sẽ được vận đỏ quanh năm. Riêng thịt trâu chọi, mỗi con đã bán được khoảng 50 triệu đồng. So với giá mua vào từ 23 đến 30 triệu đồng dễ thấy lợi nhuận quá lớn.
Sân vận động xã có sức chứa khoảng 2 vạn khán giả. Hôm diễn ra trận chung kết, hàng ngàn người dân đã “vượt rào” vào tận bãi cọc cắm to bằng bắp chân bảo vệ sới chọi trâu. Chúng tôi là những người vào muộn, không thể len lên khán đài cũng “được” ban tổ chức “mời” vào thẳng sới. Đây là khu vực nguy hiểm, nhưng chúng tôi cảm thấy rất yên tâm vì đã có “bức tường người” ken đặc phía trước, muốn nhìn vào sới chọi phải thuê thêm 1 chiếc ghế nhựa với giá 20 nghìn.
Về phía UBND xã Hải Lựu, mối lợi thu vào cũng rất đáng kể. Năm ngoái, cá nhân trúng thầu tổ chức lễ hội chọi trâu phải trả 300 triệu. Năm nay là 650 triệu. Ước tính có khoảng hơn 3 vạn lượt khách vào sân xem chọi năm nay. Với giá vé là 30.000 đồng, ban tổ chức đã thu về ít nhất là 900 triệu đồng.
Nhưng còn nhiều suy nghĩ
Ông S. thôn rừng cò rất yêu trâu. Năm 2006, ông Sửu cũng có suất tham dự hội trọi trâu của xã. Ngày 15 tháng Giêng năm đó, từ sáng sớm tự tay ông phủ lên mình con trâu một miếng vải điều dắt ra đình làng. Cả nhà nước mắt lưng tròng lẵng đẵng đi sau con trâu mà mình đã chăm sóc yêu thương từ khi là một chú nghé. Năm đó Ông Cầu nhà ông đoạt giải nhì, bán được nhiều tiền lắm. Ông Sửu nhớ mãi ánh mắt con trâu nhìn ông trong cái khoảnh khắc tay đồ tể dùng chiếc búa hạt gạo bổ vào giữa đỉnh đầu nó. Cả nhà đau buồn, ông thấy bất nhẫn, hạ một lời thề từ nay không nuôi trâu chọi nữa. Ông S. nói với một giọng đượm buồn: “Giống trâu nó tình nghĩa, tinh khôn lắm. Nó biết tất cả, đến chết nó cũng biết. Nó dám hi sinh vì chủ, mà chủ lại nỡ giết nó. Mà lệ làng không cho phép giữ lại nuôi. Năm 2001, cũng có một người không giết Ông Cầu, bị làng trách phạt mãi”.
Hội chọi trâu Hải Lựu có từ rất lâu đời. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược, nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu để đánh giặc. Sau mỗi trận thắng Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, trâu sau khi chọi được giết để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó. Thế nên dù tất cả trâu trước khi vào cuộc đấu đều đã được tế sống tại đình làng, thì sau lễ hội vẫn phải đem giết hết. Dân làng tin rằng nếu không giết Ông Cầu thì hương hồn nghĩa quân Lữ Gia không được hưởng.
Lễ hội đẹp, ý nghĩa sâu sắc thật đáng trân trọng. Nhưng nhiều địa phương không có truyền thống chọi trâu như Hải Lựu lại nghĩ nhiều đến mối lợi mà lễ hội này đem lại. Ngay trong ngày lễ của Hải Lựu có nhiều địa phương như Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang… cử các phái đoàn đến tham quan học hỏi, tiện thể mời du khách về dự hội ở địa phương mình, hầu hết các lễ hội chọi trâu này đều mới tổ chức được một hai lần, có lễ hội chọi trâu ở Lâm Thao, Phú Thọ là lần đầu tiên. Nghe lời mời gọi du khách trên loa, tôi nghe có tiếng thở dài của những lão nông tri điền như ông S.
Cụ Hà Văn Khánh, một nhà giáo hưu trí ở Hải Lựu nói: Các địa phương muốn có lễ hội của riêng mình điều đó rất đáng hoan nghênh, đặc biệt là các lễ hội mang lại nhiều lợi ích cho dân. Nhưng trộm nghĩ, lễ hội chọi trâu thì nên hạn chế, bởi dễ bị lợi dụng trở thành trò cá cược. Địa phương nào không có truyền thống, làm không khéo thì còn lỗ, vì thịt trâu bán tại Hải Lựu có yếu tố tâm linh nên mới bán được giá cao như vậy. Hội chọi trâu “ngốn” đến 25, 30 con trâu bán không được thì lỗ nặng.
Cụ giáo bàn vậy tôi thấy cũng có lý.