(Thethaovanhoa.vn) - Liên tiếp các vụ trọng án xảy ra thời gian gần đây mà thủ phạm và nạn nhân lại là người thân trong gia đình, đang để lại những ám ảnh, lo lắng trong xã hội. Vì sao ngày càng có nhiều vụ án đau lòng như vậy? Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?
Những con số ám ảnh
Cuối tháng 5 vừa qua, người dân phát hiện 3 người trong một gia đình, trong đó có người vợ 31 tuổi đang mang thai tháng thứ 8 và con gái mới 4 tuổi, đã chết trong một phòng trọ tại phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Người chồng 35 tuổi, quê Thanh Hóa, được phát hiện chết trong tư thế treo cổ bởi một sợi dây dù. Qua công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, bước đầu cơ quan chức năng nhận định, do mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, người chồng đã dùng dao tước đoạt mạng sống của vợ và con, sau đó dùng dây dù treo cổ tự tử.
Nhưng ám ảnh là việc sát hại người thân, người cùng huyết thống như vụ án mạng nói trên, không phải là hiếm trong thời gian gần đây. Cụ thể là vụ Nguyễn Hoàng Nam “ngáo đá” sát hại bố, mẹ, bà nội tại Thành phố Hồ Chí Minh và một người khác tại Long An, xảy ra ngày 11/3/2019. Trước đó, vụ án vợ giết chồng, phân xác phi tang tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, vào cuối năm 2018, mà nguyên nhân gây án bắt nguồn từ ghen tuông, mâu thuẫn dồn nén. Những vụ án ghê rợn đó đã để lại nhiều suy nghĩ, lo lắng cho xã hội.
Thông tin từ Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 5/6 cho biết, tình hình các loại tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm giết người. Năm 2018, xảy ra 1.074 vụ giết người. Riêng 5 tháng đầu năm 2019, xảy ra 447 vụ giết người. Đáng lưu ý là nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo đã xảy ra.
Qua phân tích các vụ giết người, có khoảng 15 - 17% số vụ là người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau; 60 - 70% số vụ do mâu thuẫn bộc phát, nhất thời, đối tượng phạm tội lần đầu. Đáng chú ý, trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đau lòng này, sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo nghĩa gia đình, lối sống và văn hóa ứng xử giữa con người với nhau, được chỉ ra là “rất đáng báo động”.
Nhận định về việc này, Luật sư Nguyễn Minh Tuấn, Công ty Luật Intercode cho biết, có đến 15% - 17% số vụ trọng án giết người do người thân quen trong gia đình sát hại lẫn nhau là một biểu hiện rất đáng lo ngại. Điều đó cho thấy hiện nay khi xã hội ngày càng phát triển, một bộ phận mất đi tính chuẩn mực về đạo đức xã hội. Đáng lo ngại là việc này dường như xuất phát từ môi trường giáo dục, môi trường gia đình và môi trường xã hội.
“Trong bất kể thời kỳ nào, môi trường nào và xã hội nào, nếu như chúng ta có một nền giáo dục tốt, một môi trường gia đình cơ bản và một xã hội lành mạnh, văn minh…, tất yếu sẽ hạn chế được những hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là những hành vi vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như hiện nay”, Luật sư Nguyễn Minh Tuấn nhìn nhận.
Ngăn chặn những vụ việc đau lòng
Theo Luật sư Nguyễn Minh Tuấn, chế tài pháp luật chỉ là một trong những yếu tố có thể tác động đến sự gia tăng hoặc giảm bớt những hành vi vi phạm pháp luật. Điều quan trọng mang tính cốt lõi là phải xem xét và nhìn nhận khách quan những yếu tố mang tính quyết định tới sự gia tăng hành vi phạm tội trong những năm gần đây. Những tệ nạn như ma túy, cờ bạc, rượu chè… chính là những tác nhân xấu khiến cho con người mất đi những chuẩn mực đạo đức vốn có.
“Giết người thân là nỗi đau lớn không chỉ với chính gia đình xảy ra vụ việc, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của cộng đồng. Do đó, cùng với việc nâng cao công tác giáo dục trong mỗi gia đình, cần sự vào cuộc của các đoàn thể xã hội đối với những gia đình tiềm ẩn mâu thuẫn trong sinh hoạt. Có như vậy mới ngăn chặn được những vụ việc đau lòng xảy ra trong gia đình hiện đại”, Luật sư Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.
Thông tin mới đây từ Bộ Công an cho biết, để từng bước góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, làm giảm các vụ giết người và các vụ án mạng trong gia đình nói riêng, lực lượng Công an đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, ngành phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, đạo đức, lối sống và ý thức phòng ngừa tội phạm; kết hợp giữa tuyên truyền chung và tuyên truyền cá biệt với nhóm đối tượng có nguy cơ cao phạm tội giết người; xây dựng các hình thức tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ pháp luật, tư vấn xử lý các tình huống, hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội, mô hình hòa giải ở cơ sở, vai trò người có uy tín trong hòa giải các mâu thuẫn, không để phát sinh tội phạm.
- Bắt giữ nghi phạm gây ra các vụ án mạng trên địa bàn Vĩnh Phúc và Hà Nội
- Điều tra vụ án mạng khiến hai vợ chồng thương vong
- Vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng tại trường học ở Thanh Hóa: Học sinh đã đi học bình thường
Đồng thời, ngành tập trung nâng cao hiệu quả xử lý, tố giác tin báo về tội phạm giết người; kịp thời ngăn chặn các vụ việc, biểu hiện có thể dẫn đến hành vi giết người; nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm giết người, đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm…
Hạnh Quỳnh - TTXVN
Tags