Đây là trường hợp tử vong đầu tiên do mắc bệnh tay chân miệng trong năm 2015 và là ca tử vong thứ 2 tại Hậu Giang do bệnh tay chân miệng từ năm 2012 đến nay.
Trước đó, ngày 1/1, bé Trương Thị Như Huỳnh được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang điều trị với triệu chứng sốt cao, có dấu hiệu co giật, lơ mơ và được xác định mắc bệnh tay chân miệng độ 2B (nhóm 1). Do bệnh tiến triển quá nhanh, Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang và gia đình quyết định chuyển bé lên tuyến trên điều trị và bé đã tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hậu Giang cho biết, sau khi xác định thông tin, ngành đã triển khai công tác cách ly những trường hợp có tiếp xúc với bé Huỳnh; đồng thời triển khai phun thuốc tiêu độc sát trùng, tiêu diệt mầm bệnh.
Trung tâm Y tế dự phòng Hậu Giang khuyến cáo người dân cần tuân thủ việc vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ mỗi ngày, nhất là rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn cho trẻ và người chăm sóc trẻ; lau chùi nhà cửa, đồ chơi, dọn dẹp cảnh quan xung quanh nhà.
Đặc biệt, các bậc phụ huynh khi phát hiện trẻ có triệu chứng sốt nhẹ hoặc sốt cao, toàn thân và lưỡi nổi mụn nước và co giật nên đưa trẻ ngay đến các trung tâm y tế gần nhất theo dõi để điều trị. Thời gian ủ bệnh tay chân miệng là từ 3 đến 6 ngày, đây là giai đoạn quan trọng các phụ huynh cần lưu ý, nếu phát hiện muộn nguy cơ tử vong sẽ rất cao.
Được biết, trong năm 2014, tại Hậu Giang có hơn 1.050 ca mắc bệnh tay chân miệng, nhiều nhất là thành phố Vị Thanh và hai huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp...
Tags