Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam: Tình thầy trò sáng mãi

Thứ Sáu, 20/11/2015 06:48 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân dịp 20/11, nhà văn Lê Khắc Hoan và nhà báo Đỗ Quốc Anh in chung cuốn sách Mái trường thân yêu và Thầy giáo của những học sinh giỏi toán (NXB Tổng hợp TP.HCM và First News). Cuốn sách thể hiện tình thầy trò sáng mãi của hai tác giả và của những người từng dạy và học một thời.

Mái trường thân yêu của Lê Khắc Hoan in lần đầu năm 1964, đến nay đã tái bản hơn 10 lần, trở thành cuốn sách được nhiều thế hệ người đọc đón nhận. Thầy giáo của những học sinh giỏi toán của Đỗ Quốc Anh viết về nhà giáo Tôn Thất Thân - dạy cấp 2 trường Trưng Vương (Hà Nội) - người thầy của những học trò thành đạt sau này, như: GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, TS. Hoàng Lê Minh, TS. Vũ Đình Hòa, TS. Đoàn Hồng Quang, TS. Lê Hồng Vân…

Cuốn sách hai phần, tình thầy trò vẫn một

Hôm 18/11 tại TP.HCM, cuốn sách Mái trường thân yêu và Thầy giáo của những học sinh giỏi toán ra mắt, nhà báo Đỗ Quốc Anh (nguyên TBT tạp chí Thế giới mới) cho biết: “Thầy giáo của những học sinh giỏi toán in nhiều kỳ trên báo Người giáo viên nhân dân (nay là báo Giáo dục & Thời đại) vào năm 1981. Nhân vật chính trong thiên ký sự này là nhà giáo Tôn Thân. Khi đó, tôi được phân công viết bài và anh Lê Khắc Hoan biên tập.

Hàng tuần, tôi và anh Hoan đến nhà thầy Tôn Thân rộng chừng 20m2, cả hai lắng nghe thầy Thân kể chuyện rồi bàn cách dựng thành từng bài. Có bài, anh Hoan đã cùng tôi chấp bút và dạy tôi rất nhiều trong những ngày đầu đến với nghề báo. Có thể nói, anh Hoan là thầy tôi về nghề báo”.


Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký (bìa trái) chia vui cùng hai tác giả Đỗ Quốc Anh và Lê Khắc Hoan (ngồi giữa) tại buổi ra mắt sách

Hai ông Lê Khắc Hoan và Đỗ Quốc Anh từng trực tiếp đứng trên bục giảng, từng làm báo Giáo dục & Thời đại, và cả hai đều gắn cuộc đời mình với ngành giáo dục Việt Nam. Chính ông Hoan dạy ông Anh làm báo, nên ông Anh nhận ông Hoan làm thầy cũng vì lẽ ấy. Với hai ông, người thầy không chỉ là người dạy chữ mà còn là người dạy nghề, dạy lẽ sống phải trái trên cuộc đời này.

Tuy cuốn sách chia làm hai phần nhưng tình thầy trò của hai tác giả vẫn trước sau như một. Nhà văn Lê Khắc Hoan nổi tiếng từ những năm 1960 khi ấn hành truyện dài Mái trường thân yêu. Truyện dài này viết về một ngôi trường ở trung du miền Bắc trong thời Mỹ ném bom phá hoại. Các tình tiết trong câu chuyện sinh động vì người thật việc thật, được tác giả khái quát thành bài học cảm động về tình thầy trò.

NGƯT Nguyễn Ngọc Ký, đọc Mái trường thân yêu từ mấy chục năm trước, cho biết: “Mái trường thân yêu là một trong số những cuốn sách tôi mê nhất ngày còn đeo khăn quàng đỏ. Nó hút hồn tôi trước hết bởi nó được kể ở ngôi thứ nhất theo dạng tự truyện rất giản dị, tự nhiên. Đọc đến đâu là tin đến đó. Cứ tưởng tất cả mọi tình tiết đều là thật 100%. Điều đó càng chứng tỏ nhà văn Lê Khắc Hoan đã rất công phu trải nghiệm tích cóp vốn sống thực tế phong phú chọn lọc về trường học để khái quát nâng lên tới mức điển hình hóa tiêu biểu, khó có tác phẩm nào viết về nhà trường trong thời kỳ này có được”.

Cuốn sách làm sống lại ký ức

Khi Mái trường thân yêu ra đời, bác sĩ Văn Tôn “phán đoán”: “Mái trường này sẽ trường tồn. Truyện không có bom đạn dì đùng, không phá án ly kỳ rùng rợn nhưng xúc động đến tâm can người đọc, hấp dẫn từ trẻ nhỏ đến người lớn bởi nhuần nhị lẽ sống hòa đồng”.

Thật vậy, Mái trường thân yêu in sâu vào ký ức người đọc dù thời gian có vùn vụt trôi qua. TS. Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu không nhớ đã đọc tác phẩm này khi nào nhưng những gì truyện đã miêu tả luôn sống trong ký ức của chị.

Mừng ngày Nhà giáo Việt Nam bằng tạo hình vỏ trứng

Mừng ngày Nhà giáo Việt Nam bằng tạo hình vỏ trứng

Sau linh vật của SEA Games 26, nhà giáo Nguyễn Thành Tâm tiếp tục gửi tới TT&VH hình ảnh tạo hình bằng vỏ trứng mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.





“Cảm ơn tác giả đã mang lại cho tôi cả một quá khứ đẹp của thời thơ ấu. Mong rằng bạn đọc sẽ nhận được từ cuốn sách này nhiều điều hay về một thời đã qua, được viết lại một cách chân thực, giản dị, không tô vẽ cũng không bi kịch hóa” – TS Hậu nói.

Còn khi đọc lại Thầy giáo của những học sinh giỏi toán của Đỗ Quốc Anh viết về thầy Tôn Thất Thân, học trò quen gọi là thầy Tôn Thân, GS Ngô Bảo Châu phát biểu: “Tôi tin rằng giữ gìn ký ức chân thực về những gì đẹp đẽ nhất của một thời đã qua là việc không thể không làm nếu chúng ta muốn cuộc sống ngày hôm nay tốt đẹp và nhân văn hơn. Sau hơn 30 năm nghĩ lại, tôi thấy mình quả là có nhiều may mắn, mà một trong những may mắn lớn nhất là được làm học sinh khoá cuối cùng của thầy Tôn Thân ở trường Trưng Vương”.

Cũng xin nói thêm về thầy Tôn Thân, ông xuất thân từ ngành sư phạm văn nhưng lại mê dạy toán. Mặc dù dạy toán ở trường cấp hai, nhưng nhờ ông nhiều tài năng toán sau này được gieo những kiến thức nền tảng nhất.

Bản thân ông cũng là tấm gương tự học không ngừng khi từ giáo viên toán trong trường cấp hai trở thành PGS-TS-Nhà giáo Nhân dân Tôn Thân. Nhà văn Trần Quốc Toàn khi đọc Thầy giáo của những học sinh giỏi toán đã nhận ra đây là một tác phẩm văn chương chứ không đơn thuần là một ký sự báo chí bởi tính văn học và nhân học mà những nhân vật chính được khái quát mang tính điển hình rất cao.

Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›