(Thethaovanhoa.vn) - Vào khoảng thời gian này cách đây 19 năm về trước, đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được khởi công xây dựng. Đưa vào khai thác, sử dụng, con đường mang tên Bác dài 3.183 km, kéo dài từ Pác Pó-Cao Bằng đến Đất Mũi- Cà Mau, đi qua 28 tỉnh, thành phố, đã trở thành mạch máu giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội cho những địa phương nơi tuyến giao thông qua.
Đường Hồ Chí Minh đi đến đâu, cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, đổi thay đến đó...
Nằm ở biên giới phía Tây tỉnh Hà Tĩnh là xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn. Nổi bật giữa thung ngàn là những tuyến đường liên thôn rộng 4m được bê tông hóa phẳng lỳ, lẩn khuất sau những rặng cây là nhiều ngôi nhà hai tầng, ba tầng, những căn biệt thự mọc lên rất đỗi êm ả và cảnh dịch vụ buôn bán, trao đổi hàng hóa nông sản từ các thôn, xóm của Sơn Kim 1 đi các tỉnh, thành phố theo Quốc lộ 8, theo Đường Hồ Chí Minh. Ít người nghĩ xã biên viễn này từng là một vùng hạ tầng thấp kém, đời sống của người dân nhiều khó khăn.
Trò chuyện với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Kim 1 Nguyễn Sỹ Luận về sự đổi thay của xã, nét phấn khởi lộ rõ trên khuôn mặt ngăm đen của người đàn ông trung tuổi. Ông Nguyễn Sỹ Luận kể, những năm tháng trước, xã biên giới này như ở nơi “thâm sơn cùng cốc”, điều kiện đi lại đặc biệt khó khăn. Mười năm trở lại đây, khi đường Hồ Chí Minh chạy qua gần Sơn Kim 1, diện mạo của xã đổi thay rõ rệt. Người dân Sơn Kim nói riêng và người dân huyện Hương Sơn nói chung được hưởng nhiều lợi ích từ con đường này.
“Trước tiên là đi lại thuận lợi, sau đó là kinh doanh, giao thương hàng hóa, thăm thân thuận tiện hơn trước rất nhiều. Trước đây, người dân Sơn Kim 1 muốn vận chuyển nông sản tới các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, phải theo Quốc lộ 8, xuống Quốc lộ 1A rồi mới đi được các nơi, thời gian di chuyển phải mất hơn 8 tiếng đồng hồ. Giờ đây, khoảng cách đã được rút lại rất gần vì di chuyển theo đường Hồ Chí Minh, thời gian đã rút ngắn chỉ còn lại một nửa”, ông Nguyễn Sỹ Luận cho biết. Hiện địa phương có hàng trăm mô hình phát triển kinh tế đa dạng, trong đó có những mô hình cho thu nhập trên 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 40 triệu đồng/người/năm, toàn xã chỉ có 55 hộ nghèo theo tiêu chí mới, giảm 8 hộ so với năm trước. Sơn Kim đang phấn đấu năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2,5%.
Chia sẻ với niềm vui của lãnh đạo xã Sơn Kim 1, ông Võ Văn Biển, Giám đốc Hợp tác xã Đại Thành cho hay: Tận dụng lợi thế về giao thông, xã biên giới này có hàng chục mô hình kinh doanh dịch vụ đã ra đời, cho thu nhập ổn định. Gần đây lại có thêm các mô hình sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, ăn uống, xăng dầu, sửa chữa cơ khí, cung ứng giống cây lâm nghiệp bản địa, keo... Đến nay, Sơn Kim 1 có hàng chục doanh nghiệp cùng 6 hợp tác xã, 198 hộ kinh doanh cá thể. “Với người dân chúng tôi, con đường Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ mở ra cánh cửa cho hàng hóa của xã đi nhanh hơn, xa hơn và từ khắp nơi đến đây thuận tiện hơn”, ông Võ Văn Biển phấn khởi nói.
Không chỉ có Sơn Kim 1 chuyển mình về kinh tế, kể từ ngày đường Trường Sơn được mở rộng và đổi tên thành đường Hồ Chí Minh đi qua vùng duyên hải miền Trung, tri thức, văn minh cũng theo đó mà đến với nhiều khu vực hẻo lánh trước kia ở Hà Tĩnh. Bản Rào Tre, tuy chỉ nằm cách trung tâm thị trấn huyện Hương Khê hơn 20 km, mười năm trước là con đường gập ghềnh, nhiều đoạn đất đá xen kẽ, mặt đường nham nhở do ảnh hưởng từ những cơn mưa rừng, muốn qua được, cách duy nhất là… đi bộ. Hiện nay, đường đã được đổ nhựa chắc chắn, ô tô có thể vào tận bản. Những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, xây kiên cố đã thay cho nhà sàn lợp mái tranh cũ kỹ, lụp xụp. Xe máy và những phương tiện, tiện nghi khác “vào” bản đã xua đi không khí ảm đạm, hẻo lánh xưa kia.
Trước đây, 41 hộ với 148 nhân khẩu là người dân tộc Chứt sống du canh, du cư tại các địa bàn rẻo cao. Giờ đây, bà con đã biết tiếp thu, nắm bắt và chọn lọc thông tin, biết lựa chọn cái hay để học. Nhận thức, sinh hoạt và lối sống của người Chứt đều đã khác xưa. Sự văn minh tiến bộ đang ngày càng hiện rõ. Bản Rào Tre nay đã có nhà văn hóa, có sinh hoạt cộng đồng. Bà con được giao lưu cùng nhau với nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao. Cuộc sống tại Rào Tre đang đổi thay từng ngày.
Nói về sự khởi sắc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh cho hay: Đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn 3 huyện miền núi của Hà Tĩnh là Hương Khê, Hương Sơn và Vũ Quang. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, giúp Hà Tĩnh kết nối các huyện miền núi phía Tây của tỉnh với miền xuôi, các thành phố lớn, các khu kinh tế, khu du lịch sinh thái biển, tạo ra sự liên thông trong giao thương và kích thích sự phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với Quốc lộ 1A, hai tuyến giao thông này tạo thuận lợi trong tiêu thụ cho hàng nông sản địa phương như cam, nhung hươu Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây. Đặc biệt, đường Hồ Chí Minh còn tạo ra điểm kết nối thuận lợi, mở rộng quan hệ quốc tế, nhất là giao thông giữa Hà Tĩnh với Lào và các tỉnh phía Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, đồng thời đáp ứng yêu cầu là tuyến đường huyết mạch lưu thông, cứu hộ, cứu nạn khi bão lũ xảy ra.
“Đường Hồ Chí Minh đem lại thay đổi rất lớn, tạo ra một lợi thế trong giao thông cho Hà Tĩnh. Tỉnh đã có những chính sách, cơ chế để tranh thủ tận dụng, khai thác lợi thế này như kêu gọi, thu hút đầu tư nguồn vốn vào phát triển phía Tây của tỉnh. Cuối tháng 4/2019, Công ty CP Gỗ MDF Thanh Thành Đạt đã khánh thành Nhà máy sản xuất gỗ với vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng tại Cụm Công nghiệp Vũ Quang, huyện Vũ Quang. Nhà máy này đi vào hoạt động sẽ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Hà Tĩnh nói chung, huyện Vũ Quang và các địa phương phụ cận nói riêng; giải quyết việc làm cho người lao động và tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh khẳng định.
Từ huyền thoại đến tương lai * Bài cuối: Con đường chiến lược thời đại mới (TTXVN 16/5)
Hạnh Quỳnh/TTXVN
Tags