(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các giải pháp khôi phục nền kinh tế sau dịch.
Các đại biểu đều đánh giá cao sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với những giải pháp cụ thể đã đem lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, được thế giới ghi nhận, tạo niềm tin với cử tri và nhân dân cả nước.
Thận trọng với các bước khôi phục nền kinh tế
Nhận định về tình hình dịch ở trong nước cũng như thế giới, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: Với chỉ đạo chung của hệ thống chính trị, Việt Nam đã kiểm soát tốt tổng số người nhiễm ở mức chưa bao giờ đạt nghìn người, đến nay là 332 người, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 1.000 người khi thế giới công bố dịch.
Cho rằng Việt Nam có quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chỉ có 17 nền kinh tế là đối tác quan trọng nhất, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 17 quốc gia và vùng lãnh thổ này quyết định 90% giá trị đầu tư nước ngoài, 80% giá trị thương mại quốc tế và 80% lượng khách du lịch Việt Nam. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nước này theo lộ trình thỏa thuận hai bên một cách thận trọng. Hiện nay, theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, có cơ sở triển khai việc này, vì từ tháng 5 - 6 năm nay, 10/17 nước, vùng lãnh thổ này sẽ không còn dịch, ở tiêu chí dưới 10.000 người đang điều trị/1 triệu dân. Đó là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hongkong (Trung Quốc), Đức, Australia, Samoa, bán đảo Virginia của Anh.
“Như vậy, chúng ta cần phân công cụ thể để lập lộ trình mở cửa với 10 nước, vùng lãnh thổ này, còn 7 nước khác hiện nay chưa đến giai đoạn an toàn là Ấn Độ, Mỹ, Nga, Singapore, Hà Lan, Indonesia, Malaysia thì theo dõi, để khi họ có điều kiện thiết lập ngay”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm.
Dự báo đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay nhiều khả năng giảm 30% so với năm 2019, thương mại quốc tế giảm 18% và du lịch giảm 50% từ đó Việt Nam cần có điều chỉnh phù hợp, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị, Việt Nam cần công bố hết dịch ở trong nước với 3 tiêu chí: Một là tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 5 người, thực tế tỷ lệ này là 3,4 người trên 1 triệu dân; thứ hai, tỷ lệ người đang phải điều trị không quá 1 người trên 1 triệu dân, thực tế chỉ là 0,2 người trên 1 triệu dân; thứ ba, đến nay Việt Nam không có người chết.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, bằng những lộ trình mở cửa từng bước, có mức độ với các nước, có thể vừa khai thác thị trường nước ngoài, đầu tư nước ngoài, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường trong nước, đầu tư tới các nước; phát huy ba sức mạnh của Việt Nam, đó là sức mạnh văn hóa, sức mạnh chính trị và sức mạnh kinh tế Việt Nam.
Tranh luận với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng phải hết sức cẩn trọng trong quá trình khôi phục nền kinh tế vì hiện nay Việt Nam vẫn đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch. Làn sóng bùng phát dịch thứ hai đang treo lơ lửng trên đầu của rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, các nhà đầu tư vẫn đang lo lắng vì Việt Nam chưa có môi trường an toàn trong tương lai gần; bằng chứng là thị trường chứng khoán chưa khởi sắc.
Theo đại biểu, cần tiến hành các biện pháp để khẳng định nguy cơ bùng phát dịch ở Việt Nam không thể dữ dội như các nước khác. Các phương pháp này cần phải dựa vào khoa học do ngành Y tham vấn như nghiên cứu miễn dịch cộng đồng để khẳng định sự an toàn của Việt Nam. Cũng theo đại biểu, quy trình nhập cảnh của khách quốc tế vào Việt Nam phải hết sức chặt chẽ, tuân theo các quy định như kiểm dịch, phối hợp với các nước bạn để thực hiện xét nghiệm kháng thể cho khách muốn nhập cảnh, kiểm tra nhanh khi nhập cảnh.
Tạo điều kiện ưu đãi cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ
Đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đã nêu ba nội dung đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm.
Theo đó, để ưu tiên cho khôi phục kinh tế sau dịch COVID-19, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, cần tạo điều kiện tối đa cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp. Thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã trải thảm đỏ cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, đa quốc gia về đầu tư ở địa phương mình. Tuy nhiên, với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài. Các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai còn chưa thống nhất nhiều nội dung, gây lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét, giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp, từ quy hoạch giải phóng mặt bằng, chấp thuận đầu tư, tính giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các giấy phép xây dựng công trình.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng nêu thực tế, nhiều doanh nghiệp phải mất trung bình từ 3 đến 4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước dần qua các thủ tục này. “Thiết nghĩ chúng ta đang "dọn tổ đón đại bàng" cũng nên "rắc thóc cho chào mào, chim sẻ" để thực sự có công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước, góp phần nhanh chóng khôi phục nền kinh tế.
Cùng với đó, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ, khi xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng, chính sách xã hội, cần tính toán, bố trí đủ nguồn lực và nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để kịp thời triển khai thực hiện, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của chương trình; mở rộng đối tượng thụ hưởng của các chương trình cho vay như đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng là hộ có mức sống trung bình.
Đồng thời, xem xét có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho đối tượng là người có thu nhập thấp đang được vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng thu nhập ổn định cuộc sống, cho phép tiếp tục thực hiện cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời gian quy định là ngày 31/12/2020; cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách ưu đãi tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa 5 năm.
Cho rằng việc triển khai Luật Quy hoạch vẫn khá chậm và vướng mắc, đại biểu Bùi Thanh Tùng đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá những tồn tại, bất cập trong việc triển khai Luật Quy hoạch và chỉ đạo sớm có giải pháp đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch ở các cấp độ khác nhau, bảo đảm tính đồng bộ, tạo điều kiện phát triển đất nước.
Thu Phương-Dương Tùng/TTXVN
Tags