(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/10, tại thành phố Đà Nẵng đã tổ chức buổi hội thảo “ Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường giai đoạn 2021 – 2030”.
Từ những mục tiêu cụ thể đã đạt được
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Năm 2008, UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định số 41/2008/ QĐ-UBND về việc ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng- Thành phố môi trường” với mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là Đà Nẵng phấn đấu đạt thành phố thân thiện môi trường”, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường không khí, tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố Đà Nẵng. Và để đặt thực hiện mục tiêu nêu trên, thành phố Đà Nẵng đề ra 10 tiêu chí phấn đấu thực hiện từ tháng 5/2008.
Trong hơn 10 năm triển khai thực hiện Đề án, cùng với sự nỗ lực của các sở ban ngành, chính quyền các cấp, sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, sự tích cực của người dân, thành phố đã được những kết quả được Trung ương, tổ chức quốc tế, cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao.
Ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43 NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 là “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, thành phố đáng sống,..” và tầm nhìn đến năm 2045 là “thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh…”.
Theo ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng trong báo cáo kết quả thực hiện Đề án “ Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2008 -2020 với các kết quả đạt được: Chỉ số ô nhiễm không khí (API)<100 ( đo đạc bằng các trạm quan trắc tự động và liên tục); Độ ồn tại các khu vực ở các khu dân cư < 60 dbA, ở đường phố < 75 dbA; Diện tích không gian xanh đô thị bình quân trên người từ 6-8 m2 / người. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch bình quân tại nội thành đạt 97,83%, tại huyện Hòa Vang: 76,81%; Tỷ lệ nước thải công nghiệp đạt yêu cầu xả thải: 100%; Tỷ lệ thu gom CTRSH tại khu vực nội thị > 95%, khu vực nông thôn > 70%; Tỷ lệ NTSH đô thị được xử lý trong năm 2018 thu gom: 61%, năm 2020 thu gom > 80%.
Thành phố Đà Nẵng đã đạt rất nhiều giải thưởng về môi trường: Giải thưởng Thành phố bền vững về môi trường ( ASEAN) năm 2011; Thành phố phong cảnh châu Á ( 2013); Thành phố xuất sắc trong chuyển đổi – Giải thưởng Môi trường Việt Nam ( 2015), Thành phố Xanh Quốc gia (2018)…
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã và đang trở thành nhu cầu bức thiết, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Bảo vệ môi trường thực sự là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững. Kết luận 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 –NQ/TW đã xác định “coi môi trường là điều kiện, nền tảng, là yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững”. Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII sắp tới, Đảng ta cũng xác định một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong mười năm tới là “ Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ, cải thiện môi trường; Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu”.
Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường rất hoan nghênh Thành phố Đà Nẵng đã chủ động xây dựng Đề án “Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030” hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ; Thành phố Đà Nẵng sẽ đáp ứng các tiêu chí đặt ra về Thành phố môi trường tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, du khách trong nước và nước ngoài. Chúng tôi cho rằng Đề án là chính sách đột phá trong xây dựng và phát triển đô thị trong giai đoạn mới của Đà Nẵng, thành phố được TW đánh giá cao trong việc xây dựng một hình mẫu về thành phố môi trường. Song song với việc phát triển kinh tế – xã hội, Thành phố Đà Nẵng cũng rất quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai và các nguồn tài nguyên khác một cách hợp lý theo định hướng phát triển bền vững. Sau hơn mười năm thực hiện Đề án Thành phố môi trường giai đoạn 2008 -2020, Thành phố Đà Nẵng đã bước đầu đạt được những kết quả rất tốt với 7/10 tiêu chí đạt mục tiêu đề ra.
Hiện nay, Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn cho đến năm 2045 đã đề ra quan điểm, yêu cầu về “Phát triển thành phố Đà Nẵng hướng theo đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; Phát triển kinh tế nhanh và bền vững” với mục tiêu đến năm 2030: Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á “trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống”.
Đến những ý tưởng về một đô thị sinh thái, thông minh
Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường trong tham luận “Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững” nêu lên một số đề xuất với Đề án Thành phố môi trường của Đà Nẵng như: Thành phố cần chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường; Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh lam (Blue economy) với trọng tâm là du lịch biển. Phát triển kinh tế dựa trên bảo tồn, khai thác bền vững hệ sinh thái biển. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Thành phố cần kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động phát triển gây hại đến môi trường trong từng vùng; Đặc biệt chú trọng đến các vùng bảo vệ nghiêm ngặt (Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Bà Nà- Núi Chúa) và vùng hạn chế phát triển. Chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Bảo đảm khoảng cách an toàn môi trường giữa các KCN, CCN với khu vực dân cư. Chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, đặc biệt với sự cố môi trường và hải đảo. Giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm: khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; Duy trì, cải thiện chất lượng môi trường. Tăng cường quản lý CTR và CTNH: Phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; Phân loại CTRSH tại nguồn; Thúc đẩy tái chế, xử lý đồng bộ sau khi phân loại; xử lý kết hợp thu hồi năng lượng (đốt điện, kết hợp biogas); Hạn chế tối đa chôn lấp.
Tiếp tục đẩy mạnh xử lý nước thải đô thị và công nghiệp: Xử lý 100% nước thải; Tách nước mưa, nước thải, bảo đảm không thải nước sinh hoạt ra biển (Mỹ Khê, Mỹ An); Xử lý ô nhiễm nước thải công nghiệp (Âu thuyền Thọ Quang)… Cải tạo, phục hồi các hồ ao, kênh mương như kênh mương Phần Lăng, Đa Cô, Khe Cạn; Khôi phục lại các đoạn kênh, sông bị ô nhiễm như sông Phú Lộc…
PGS – TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Kiến trúc trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng với bài tham luận tại hội thảo trong đó ông nêu nội dung hướng mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một thành phố xanh với đô thị xanh, công trình xanh, tăng cường diện tích cây xanh được trồng tại thành phố. Thành phố nên khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp, xe máy điện… nhằm bảo vệ môi trường, giảm khí thải từ các phương tiện vận tải dùng động cơ xăng, dầu. Thành phố hướng đến việc trồng thêm 100.000 cây xanh.
Ngọc Huy
Tags