Hà Nội yêu cầu xuất trình thêm lịch trực, phân công nhiệm vụ khi ra đường

Chủ nhật, 08/08/2021 22:01 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhằm siết chặt việc đi đường trong thời gian giãn cách xã hội, ngoài mẫu giấy đi đường đã được ban hành, TP. Hà Nội yêu cầu người đi đường xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Cập nhật dịch Covid-19 tối 8/8: Hà Nội phong tỏa, xét nghiệm nhiều người dân phố Trần Đại Nghĩa

Cập nhật dịch Covid-19 tối 8/8: Hà Nội phong tỏa, xét nghiệm nhiều người dân phố Trần Đại Nghĩa

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.

TP. Hà Nội vừa có văn bản hỏa tốc gửi các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương đóng trên địa bàn; cơ quan ngoại giao; tổ chức quốc tế và các cơ quan đơn vị của Thành phố về việc siết chặt việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố.

Theo UBND TP. Hà Nội, trong thời gian giãn cách, cơ bản các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện tốt nhưng vẫn có nhiều trường hợp cấp và sử dụng Giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng, có một số chốt kiểm soát chưa siết chặt việc kiểm tra dẫn đến tình trạng đông người đi lại trên đường, không thực hiện nghiêm việc giãn cách, ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố trong thời gian vừa qua.

Chú thích ảnh
Khu vực quảng trường Cách mạng Tháng 8 rất vắng vẻ lúc 19h40. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Nhằm siết chặt công tác cấp và sử dụng Giấy đi đường, phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, UBND Thành phố đề nghị về mẫu Giấy đi đường, sử dụng theo mẫu Giấy đi đường đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT ngày 29/7/2021 của UBND Thành phố. Người đi đường xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

UBND TP. Hà Nội đề nghị các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương trên địa bàn Thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 và Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thực sự cần thiết như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp thiết khác theo yêu cầu nhiệm vụ.

Chú thích ảnh
Chỉ người dân trong khu vực "Vùng xanh" mới được phép ra, vào khi có giấy tờ hợp lệ. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đoàn thể thuộc Thành phố, người đứng đầu đơn vị có trách nhiệm quản lý chặt chẽ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cam kết về việc đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gây lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch; không lập kế hoạch hoạt động, phân công công tác; cấp Giấy đi đường không đúng đối tượng và sử dụng Giấy đi đường sai mục đích.

Công an Thành phố; UBND quận, huyện, thị xã siết chặt công tác kiểm tra, giám sát tại các chốt kiểm soát; chỉ đạo, hướng dẫn Công an, UBND xã, phường, thị trấn; các lực lượng Tổ tự quản, Tổ Covid cộng đồng tăng cường công tác kiểm tra Giấy đi đường tại các chốt kiểm soát đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng.

Chú thích ảnh
Chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 ở thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì kiểm tra các giấy tờ liên quan đến người giao hàng của Công ty Thực phẩm Hương Sơn. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Cụ thể: (1) Kiểm soát, giám sát việc sử dụng Giấy đi đường có điểm đến trên địa bàn mình quản lý để phát hiện, nhắc nhở hoặc kiến nghị xử lý các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND Thành phố về bố trí lịch làm việc, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách. (2) Các chốt kiểm tra, khi phát hiện các trường hợp sử dụng Giấy đi đường không đúng mục đích, thông tin đến Công an xã, phường, thị trấn nơi có đơn vị, tổ chức cấp Giấy đi đường để kiểm tra, đối chiếu, có biện pháp chấn chỉnh và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định.

UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn. Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn Thành phố: phối hợp UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo).

Chú thích ảnh
“Rào chắn” tại thôn Phú Diễn (Hữu Hoà, Thanh Trì) hạn người dân di chuyển để phòng, chống dịch (chụp chiều 7/8/2021). Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Đối với các khu, cụm công nghiệp, chính quyền địa phương chủ động phối hợp các chủ doanh nghiệp thống nhất phương án tổ chức thực hiện giám sát nơi đi hoặc nơi đến phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với các chợ: Ban Quản lý chợ lập danh sách tiểu thương và những người liên quan duy trì hoạt động của chợ đảm bảo theo phương án giãn cách, giảm quầy hàng theo quy định. Trên cơ sở danh sách do các Ban Quản lý chợ cung cấp, UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra, xác nhận và gửi lại cho Ban Quản lý chợ để cấp cho tiểu thương và người có liên quan sử dụng.

Còn các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tạm dừng hoạt động: phối hợp UBND xã, phường, thị trấn (nơi đơn vị hoạt động) để được kiểm tra, xác nhận Giấy đi đường (hoặc xác nhận theo danh sách kèm theo) cho nhân viên trực đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại đơn vị.

Việc triển khai cấp hoặc xác nhận liên quan đến Giấy đi đường trong thời gian giãn cách, UBND các xã, phường thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn, thông báo các tổ chức, cá nhân thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, đảm bảo giãn cách, không tập trung đông người và thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch.

Theo Chính phủ

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›