(Thethaovanhoa.vn) - Để chủ động khống chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh, nhanh chóng đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 diện rộng trên địa bàn.
Theo đó, từ ngày 9-17/8/2021, Hà Nội tập trung xét nghiệm khoảng 1.300.000 mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR.
Thành phố phân chia đối tượng xét nghiệm theo nhóm nguy cơ. “Nhóm đỏ” là khu vực trong các xã, phường nguy cơ rất cao và nguy cơ cao theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều như chuỗi cung ứng, chợ, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, công nhân, bảo vệ tòa nhà... và khu vực nguy cơ cao khác, đối tượng nguy cơ cao theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ.
“Nhóm da cam” gồm các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh ... và khu vực nằm trong vùng nguy cơ theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG, đối tượng và khu vực nguy cơ khác theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ.
“Nhóm xanh” gồm các đối tượng ít di chuyển tại khu vực không có dịch trong vùng xanh.
Việc lấy mẫu xét nghiệm theo hộ gia đình tại các quận nội thành và huyện có nguy cơ cao, mỗi gia đình lấy đại diện một mẫu của một thành viên có nguy cơ cao nhất.
Việc tổ chức xét nghiệm đối với F0, F1, người nhập cảnh, người đi về từ vùng dịch, các đối tượng khác được thực hiện thường quy theo quy định.
Cụ thể, trong đợt cao điểm, từ ngày 9-17/8, Hà Nội tiến hành xét nghiệm Realtime RT-PCR cho toàn bộ người dân tại “nhóm đỏ”; những người ho, sốt, khó thở... qua khai báo y tế; “nhóm da cam” gồm đối tượng là nhân viên y tế, bệnh nhân, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, người lao động trực tiếp tại chuỗi cung ứng thực phẩm, chợ, siêu thị, lái xe, người giao hàng, bảo vệ tòa nhà... trên cơ sở chỉ định chuyên môn dịch tễ và xét nghiệm “vùng xanh” theo hộ gia đình tại các quận nội thành, huyện có nguy cơ cao.
Mỗi hộ gia đình lấy đại diện một mẫu của một thành viên có nguy cơ cao nhất (có thể căn cứ theo tiền sử di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, thường xuyên tới khu vực nguy cơ cao như bệnh viện, chợ...).
Song song với việc thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR cho người dân “nhóm đỏ”, đối tượng nguy cơ cao và “nhóm xanh” tại các quận và một số huyện có nguy cơ cao, các địa phương còn lại chủ động triển khai xét nghiệm test nhanh theo hướng dẫn chuyên môn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, dự kiến thực hiện 2 triệu test nhanh.
Sau đợt cao điểm, căn cứ diễn biến dịch bệnh, Sở Y tế chỉ đạo đánh giá nguy cơ để tiếp tục triển khai xét nghiệm theo chỉ định dịch tễ.
Thành phố sử dụng 2 phương pháp xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR phát hiện vật chất di truyền của SARS-CoV-2 (phương pháp RT-PCR) và phương pháp xét nghiệm nhanh để xác định nhiễm SARS-CoV-2 (phương pháp test nhanh). Trong đó, thành phố ưu tiên sử dụng phương pháp RT-PCR để tránh bỏ sót nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc xác định các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Các địa phương chủ động thực hiện xét nghiệm test nhanh, linh hoạt để sàng lọc nhanh nhất, tranh thủ từng phút, từng giờ trong hoạt động điều tra, truy vết.
Căn cứ tình hình thực tế tùy từng đối tượng xét nghiệm cụ thể có thể thực hiện việc gộp mẫu xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Việc xét nghiệm test nhanh thực hiện theo Quyết định 2022/QĐ-BYT ngày 28/4/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2.
Để thực hiện đợt cao điểm này, ngoài Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, các bệnh viện công lập được giao nhiệm vụ xét nghiệm, bệnh viện tư nhân đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2, bệnh viện, đơn vị y tế của Trung ương, bộ, ngành, thành phố huy động thêm đội ngũ khác bổ sung cho lực lượng y tế trong công việc lấy mẫu diện rộng (sinh viên, cán bộ y tế ngoài công lập, y tế học đường, cán bộ nhập số liệu...).
Tuyết Mai/TTXVN
Tags