(Thethaovanhoa.vn) - Theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, chiều 12/7, Liên Bộ Công Thương Tài chính công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng, dầu cho kỳ điều hành mới.
Giá xăng tăng hơn 850 đồng/lít
Liên Bộ Công Thương – Tài chính vừa thông báo điều chỉnh giá xăng, dầu áp dụng từ 15h ngày 12/7. Theo đó, giá xăng tiếp tục tăng hơn 850 đồng/lít.
Cụ thể, xăng E5RON92 có giá là 20.610 đồng/lít, tăng 850 đồng/lít so với giá hiện hành. Xăng RON95-III 21.783 đồng/lít, tăng 867 đồng/lít; dầu diesel 0.05S 16.537 đồng/lít, tăng 418 đồng/lít; dầu hỏa 15.503 đồng/lít, tăng 452 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S có giá 15.670 đồng/kg, tăng 221 đồng/kg.
Liên Bộ cho biết đã trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) đối với dầu diesel 200 đồng/lít, dầu hỏa trích lập 300 đồng/lít, dầu mazut trích lập 300 đồng/kg. Đồng thời, liên Bộ chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 1.300 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 350 đồng/lít, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut không chi.
Theo liên Bộ, giá xăng dầu thành phẩm thế giới trong 15 ngày vừa qua tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là tăng khá cao nhất là đối với các mặt hàng xăng.
Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 12/7/2021 cụ thể như sau: 83,146 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 3,341 USD/thùng, tương đương tăng 4,19% so với kỳ trước)
Xăng RON95 giá 85,223 USD/thùng (tăng 3,956 USD/thùng, tương đương tăng 4,87% so với kỳ trước); dầu diesel 0.05S giá 78,326 USD/thùng (tăng 0,692 USD/thùng so với kỳ trước); dầu hỏa 77,355 USD/thùng (tăng 0,597 USD/thùng so với kỳ trước); dầu mazut 180CST 3.5S giá 422,216 USD/tấn (tăng 7,184 USD/tấnso với kỳ trước).
Tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục diễn biến rất phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhất là tại các tỉnh phía Nam. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG nhìn chung ở mức cao.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục ở mức cao đối với các loại xăng dầu với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg. Do chi Quỹ BOG liên tục ở mức cao như trên nên giá xăng dầu trong nước đã có mức biến động thấp hơn mức biến động của giá xăng dầu thế giới. Kỳ điều hành lần này, nếu không tiếp tục chi Quỹ BOG, giá các loại xăng sẽ tăng từ 1.217-2.150 đồng/lít (xăng E5RON92 tăng 2.150 đồng/lít, RON95 tăng 1.217 đồng/lít) so với giá hiện hành.
Nhằm tiếp tục hạn chế mức tăng giá của các mặt hàng xăng dầu có biến động giá lớn, hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đồng thời thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng có giá ổn định hơn để có dư địa điều hành giá trong các tháng cuối năm 2021, Liên Bộ Công Thương – Tài Chính quyết định tiếp tục chi Quỹ BOG ở mức cao đối với các mặt hàng xăng; thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với các loại dầu.
Việc điều hành giá xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường năm 2021, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ.
Việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định nhưng không sớm hơn 15 giờ ngày 12 tháng 7 năm 2021.
Thời điểm trên cũng là thời điểm Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở kỳ công bố cho đến trước ngày Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá cơ sở kỳ kế tiếp, việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quyết định phù hợp với các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư Liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC, Thông tư liên tịch số 90/2016/TTLT-BTC-BCT.
Dự kiến mức tăng
Mức tăng cao nhất dự báo có thể lên đến 1.200 đồng/lít. Đó là mức tăng được tính toán theo giá xăng tham khảo từ thị trường Singapre và giá xăng dầu thế giới tăng trong 14 ngày qua.
Dữ liệu của Bộ Công thương cập nhật đến ngày 8/7 cho thấy, giá xăng thành phẩm bình quân 14 ngày qua trên thị trường Singapore tăng mạnh so với kỳ trước. Cụ thể, xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 ở mức trung bình 83,63 USD/thùng, tăng khoảng 5% so với chu kỳ trước, kỳ tính giá ngày 26.6 là 78,88 USD/thùng. Còn xăng RON95 là 85,79 USD/thùng, cũng tăng mức tương đương 5% (kỳ tính giá ngày 26.6 là 80,28 USD/thùng). Đáng chú ý, trong kỳ 14 ngày qua, đã có thời điểm xăng RON95 tiến sát mốc 90 USD/thùng, cao nhất trong 6 tháng qua.
Cũng tham chiếu theo thị trường Singapore, giá dầu thành phẩm bình quân 14 ngày qua trên thị trường này cũng có xu hướng tăng nhẹ.
Hiện giá xăng, dầu thế giới đang cao đột biến, bình quân giá xăng đến thời điểm ngày 10/7 là 87-88 USD một thùng. Do đó, kỳ điều chỉnh mới này, nếu không tác động đến quỹ bình ổn, giá xăng sẽ tăng 800-1.300 đồng một lít, còn giá dầu tăng khoảng 500 đồng. Ngược lại, nếu cơ quan điều hành vừa trích quỹ bình ổn, vừa cho giảm giá thì xăng có thể tăng khoảng 700 đồng một lít.
Kỳ điều hành này giá xăng tăng quá cao. Do đó, nhà điều hành có thể trích quỹ nhưng không nhiều vì quỹ còn khá thấp. Theo dự báo, cùng với trích quỹ, giá xăng có thể sẽ tăng quanh mức 500-700 đồng một lít. Nếu đúng như dự báo thì đây sẽ là kỳ điểu chỉnh thứ 3 liên tiếp giá xăng dầu tăng.
Tại kỳ điều hành ngày 26/6, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 720 đồng, RON 95 tăng 750 đồng và dầu tăng 490-670 đồng một lít.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 là 19.760 đồng một lít; RON 95 là 20.910 đồng một lít. Giá các mặt hàng dầu đều tăng, dầu hoả là 15.050 đồng một lít, dầu diesel là 16.110 đồng một lít, dầu madut là 15.440 đồng một kg.
Giá dầu Brent vẫn ở mức trên 75 USD/thùng phiên sáng 12/7
Giá dầu gần như không đổi trong phiên giao dịch sáng 12/7 tại châu Á, khi sự bế tắc trong các cuộc đàm phán giữa các nước sản xuất dầu chủ chốt về việc tăng sản lượng trong những tháng tới đã khiến nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt, qua đó lấn át những lo ngại về tác động của đại dịch đến nền kinh tế toàn cầu.
Giá dầu Brent giao tháng Chín giảm 4 xu Mỹ, xuống 75,51 USD/thùng vào lúc 7 giờ 32 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giao tháng Tám tăng 1 xu Mỹ, lên 74,57 USD/thùng.
Giá dầu tăng trong phiên 6/7, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh không đạt thỏa thuận tăng sản lượng từ tháng Tám, do sự phản đối của Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất.
Các nhà phân tích tại ANZ cho rằng việc tiếp tục cắt giảm sản lượng ở mức như hiện nay sẽ khiến thị trường bị thắt chặt hơn giữa lúc nhu cầu mạnh.
Giá dầu WTI trong tuần trước tăng tuần thứ sáu sau khi báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy dự trữ xăng và dầu thô của nước này giảm, trong khi nhu cầu với xăng cao nhất kể từ năm 2019.
- Giá dầu xuống mức âm, khủng hoảng 'vàng đen' chưa có hồi kết
- Giá dầu ở Mỹ giảm xuống dưới 0 USD/thùng
- Giá dầu thế giới giảm gần 4% do lo ngại dịch COVID-19 lan rộng
Trong khi đó, các bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới cuối tuần qua cảnh báo sự lây lan các biến chủng của virus SARS-CoV-2 và sự tiếp cận không đồng đều đối với vaccine đã đe dọa đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Nhóm P.V
Tags