19h tối mùng 4 Tết Quý Tỵ 2013, tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, hàng chục con mắt đỏ hoe đang dõi theo từng nhịp thở của người thân trên chiếc giường phủ ga trắng lạnh lẽo.
Người nước mắt lưng tròng, người cắn chặt môi để không bật ra tiếng khóc. Nhiều người dường như không dám thở mạnh, sợ người nhà đang nằm kia sẽ bị đau hay không nghe được tiếng thở, tiếng rên của người thân. Những nạn nhân bị tai nạn giao thông đang nằm cấp cứu gần kín các giường bệnh trong khi những chiếc xe cứu thương từ các tỉnh vẫn hối hả chở nạn nhân nhập viện.
Phòng cấp cứu 1 của Bệnh viện có 5 chiếc giường đều đã kín chỗ, tất cả các ca bị thương nặng nhất đều được đưa vào đây và họ có một điểm chung, đó là đều là nam giới. Một nạn nhân mới được người nhà đưa vào viện lúc 19h30 trong tình trạng đầu vỡ toác, máu ướt đầm đìa. Bốn ca còn lại, một ca bị Bệnh viện trả về, một ca đang trong tình trạng nguy kịch. Chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ, khoa cấp cứu nơi đây đã tiếp nhận thêm 4 ca và như vậy, chỉ riêng ngày mùng 4 Tết, tính đến 19h45, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận 89 ca khám, cấp cứu, chủ yếu do tai nạn giao thông.
Theo bác sỹ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện, trong 4 ngày Tết Nguyên đán, từ 29 đến mùng 3 Tết, Bệnh viện đã tiếp nhận 515 ca khám cấp cứu, trong đó có 284 trường hợp bị tai nạn giao thông; trong số này có 187 trường hợp bị chấn thương sọ não. “Đau thương” là hai từ gói trọn những hình ảnh của khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức.
Đôi mắt ầng ậng nước, chị N, mẹ nạn nhân KTĐ (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) cho biết: Con chị không còn hy vọng sống nữa, bác sỹ nói cháu bị chấn thương sọ não phần mềm, không thể cứu được nên gia đình xin Bệnh viện cho về. 21 xuân xanh, mới rời quân ngũ, chỉ vì bất cẩn khi điều khiển xe quay đầu, để xe lao xuống vực, KTĐ đã cho tử thần mạng sống của mình và để lại biết bao đau đớn cho người mẹ, người cha. Không chịu nổi nỗi đau, người chồng giục vợ nhanh chóng thu dọn đồ đạc, đưa con về, xin mọi người đừng hỏi gì nữa, đừng quay phim nữa.
Ở chiếc giường kế bên, ông NVB (Văn Khê, Mê Linh, Hà Nội) hết nghe điện thoại lại quay ra nắn chân cho con, miệng than liên hồi: “Cháu yếu quá”. Dường như ông đang tìm sự an ủi trong hành động đó, mong có một cảm giác co giật ở chân con, nhưng điều đó là vô vọng. Con trai ông, nạn nhân NVN bị chấn thương sọ não đang hôn mê suốt từ chiều. Khuôn mặt ông lo âu, căng thẳng tột cùng, đôi mắt đỏ hoe, thân hình gầy gò chốc chốc lại run lên từng hồi khi có người hỏi thăm về con trai.
Ông NVB cho biết bác sỹ nói 15 điểm giờ con ông chỉ còn 3 điểm, anh bị nặng lắm, hy vọng ít quá. Chiều mùng 4 Tết, đi từ nhà bố đẻ sang bố vợ cùng mấy người bạn, NVN va chạm với xe đi ngược chiều và bất tỉnh nhân sự. Người thanh niên 28 tuổi này đang để lại bao lo lắng cho người vợ và hai đứa con ở quê. Chăm sóc cho anh chỉ có người bố già và người em.
Thương tâm nhất phải kể đến trường hợp của bé ĐĐD ở xóm Tiếu, Đại Yên, Chương Mỹ, Hà Nội. Mới 8 tuổi, ĐĐD đã mất đi một bên chân do tai nạn giao thông. Tai họa ập đến vào chiều 29 Tết, khi ĐĐD đang chơi ở đầu ngõ, bị một lái xe say rượu điều khiển xe ô tô lùi phải. Thấy cháu gặp nguy hiểm, bác ĐĐD lao vào ôm lấy cháu thì bị xe lùi tiếp chèn vỡ ổ bụng, mẹ ĐĐD cũng vội vàng lao ra nhưng chiếc xe oan nghiệp vẫn không dừng lại, tiếp tục lùi chèn mẹ cháu chết tại chỗ. Người bác được đưa ra cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức nhưng đã không qua khỏi sau ca phẫu thuật.
Nỗi đau chồng lên nỗi đau, quá sốc, bố ĐĐD lăn ra ốm. Trông bé trong khoa phẫu thuật nhi ảm đạm là người bác, chị gái mẹ. Thấy có người đến hỏi thăm, ĐĐD mở mắt ra nhìn nhưng không nói nên lời. Được bác sỹ Giám đốc Bệnh viện an ủi hãy yên tâm, ra viện bác sỹ sẽ cho cháu một cái chân giống y như thật nhưng có vẻ như điều đó không an ủi nổi cậu bé. Chỉ chờ mọi người đi khỏi, D lại nhắm nghiền mắt, cơn đau đang hành hạ cháu nhưng nỗi đau lớn hơn vẫn đang chờ cháu phía trước, cháu chưa biết mẹ thân yêu đã không còn trên cõi đời này! Từ đây, cậu sẽ không còn được sống trong vòng tay chăm sóc yêu thương của người mẹ và sẽ phải bước đi trên đường đời bằng một chiếc chân giả đeo đẳng.
Bác sỹ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện tâm sự: Bệnh viện Việt Đức không bao giờ mong Tết vì Tết là rất tốn tiền, Tết là rất vất vả. Một ngày, riêng khoa cấp cứu đã phải bố trí 45 bác sỹ thường trực. Ngoài tiếp nhận khám, cấp cứu và điều trị tại chỗ, Bệnh viện còn bố trí 2 xe đi các tỉnh, sẵn sàng đi cấp cứu chi viện cho các bệnh viện tuyến dưới. Mỗi ngày, Bệnh viện mổ cấp cứu cho 40 nạn nhân. Chỉ riêng 4 ngày từ 29 đến mùng 3 Tết, Bệnh viện đã mổ 149 trường hợp, trong đó có không ít trường hợp thương tâm, có người đã chết ngay sau khi mổ, người sự sống chỉ còn tính bằng giờ. So với năm trước, số lượng bệnh nhân nhập viện tăng lên 20% và cứ 25 người tử vong tại Bệnh viện thì có 20 người chết vì tai nạn giao thông. Trong số nạn nhân đang nằm điều trị, có 65 trường hợp bị tai nạn khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm.
Vẫn biết uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là nguy hiểm đến tín mạng, là vi phạm Luật nhưng không ít người vẫn tự chuốc lấy cho mình hiểm họa này. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, có đến 70% số vụ tai nạn có liên quan đến bia rượu. Tai nạn giao thông đã khiến cái Tết của biết bao gia đình không được trọn vẹn, nhiều gia đình ngày Tết trở thành ngày tang tóc.
Dù chưa phải là thời gian cao điểm nhưng số vụ tai nạn giao thông đã bắt đầu gia tăng nhanh chóng. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết trong những ngày nghỉ Tết, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đã tăng gấp đôi so với ngày bình thường. 3 ngày đầu, từ 29 đến mùng 2 Tết, cả nước có 91 người chết và và 83 người bị thương. Riêng ngày mùng 3 đã có 53 người chết và 61 người bị thương.
Ngày mùng 4 Tết, cả nước xảy ra 78 vụ tai nạn làm 51 người chết và 103 người bị thương. Tính chung trong 5 ngày nghỉ Tết, cả nước đã có 195 người chết vì tai nạn giao thông và 247 người bị thương. Con số này cao gấp đôi so với ngày bình thường và cũng cao hơn nhiều so với cùng thời điểm Tết năm Nhâm Thìn. Qua kiểm tra tình hình trật tự an toàn giao thông dịp Tết tại 3 tỉnh, ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết gần như 100% thanh niên ra đường không đội mũ bảo hiểm, tình trạng xe máy đèo 3 - 4 người khá phổ biến. 5 ngày Tết, cả nước xảy ra 4 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng thì đều do xe máy va vào nhau, mỗi vụ làm chết từ 3 - 4 người.
Lý giải nguyên nhân tai nạn giao thông ngày Tết tăng cao, ông Nguyễn Văn Hiệp cho rằng: Ý thức chấp hành Luật của nhiều người không tốt, các lỗi phổ biến là uống bia rượu rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, phóng nhanh vượt ẩu, lấn đường, chở quá số người quy định... Những ngày đầu nghỉ Tết, người dân ít ra đường nên số vụ tai nạn chưa nhiều nhưng đến mùng 3 - 4 Tết, số đi thăm hỏi, đi xa nhiều lên đẩy số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông tăng nhanh.
Có một cái Tết đoàn viên, đầm ấm và hạnh phúc là mong muốn của mỗi gia đình và cũng là mong muốn của những người thày thuốc, những người làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trong một thông điệp nhắn nhủ đầu năm mới, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp kêu gọi mỗi người dân có ý thức khi tham gia giao thông, mỗi gia đình nên nhắc nhở con, em, người thân của mình trước khi ra đường nên chấp hành trật tự an toàn giao thông, đặc biệt nếu có uống bia rượu không nên tham gia giao thông, chuốc hậu quả rất to lớn cho gia đình, cho bản thân và cho cả xã hội.
Theo Chu Thanh Vân
TTXVN