(Thethaovanhoa.vn) - Hiện nay, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang là một “mảnh đất màu mỡ” được kỳ vọng sẽ thay đổi cuộc sống của mình và giúp đỡ cả gia đình sau này.
Do vậy, nhiều người lao động muốn tìm được công việc tốt, lương cao, được đi XKLĐ nhanh… đã bị các đối tượng môi giới (cò mồi) lợi dụng để lừa bịp người lao động, khiến cho họ bị tiền mất, tật mang và phải gánh một khoản nợ lớn.
Kỳ vọng đổi đời
Nhiều người kỳ vọng, khi trở về nước người lao động sẽ có rất nhiều thuận lợi để làm việc cho các công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Hơn nữa, với một số vốn kha khá tích luỹ được khi làm việc tại nước ngoài, người lao động có thể trang trải hết nợ nần và còn có thể tự mình khởi nghiệp thành lập công ty của riêng mình…
Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Ninh - Chủ tịch HĐQT Công ty Nhật Huy Khang (NHHK), việc gì cũng có hai mặt của nó, có thuận lợi thì ắt cũng sẽ có khó khăn. Người lao động sẽ gặp phải những khó khăn nhất định, nhất là về ngoại ngữ và điều kiện khí hậu.
Ông Trần Quốc Ninh - Chủ tịch HĐQT Công ty Nhật Huy Khang
Đối với các lao động đi làm việc tại Nhật Bản chẳng hạn, việc đầu tiên bắt buộc là phải học tiếng Nhật, nhưng đây ngoại ngữ rất khó học. Nhiều người khi hết thời hạn đào tạo vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ, điều đó đồng nghĩa với việc thời gian học sẽ phải kéo dài thêm. Do vậy, khi dự định đi XKLĐ thì người lao động cần phải chuẩn bị thật tốt về mặt tâm lý cũng như về sức khoẻ để thích ứng với yêu cầu.
Hiện nay, tâm lý của người lao động muốn được đi nhanh nhưng cần phải có một thời gian nhất định tùy thuộc vào các thị trường cụ thể nên những đối tượng môi giới mới có đất dụng võ. Ông Trần Quốc Ninh cho biết, muốn đi XKLĐ tại Đài Loan người lao động ít nhất cũng phải mất 3 tháng, còn đối với thị trường Nhật Bản thì tối thiểu cũng phải từ 6 tháng, thậm chí có thể là 9 tháng, tuỳ thuộc vào khả năng ngoại ngữ của người lao động.
Nắm bắt được tâm lý này của người lao động, các đối tượng môi giới sẽ yêu cầu người lao động phải đóng một khoản tiền cao hơn mức quy định để được đi nhanh, với những hứa hẹn là sẽ được làm những công việc nhẹ nhàng, lương cao… Vì vậy người lao động cần hết sức cảnh giác trước những hiện tượng trên.
Người lao động cần biết bảo vệ mình
Theo ông Trần Quốc Ninh, trên trang web của Bộ LĐ-TB&XH, Cục Lao động Ngoài nước đều có đăng tải rõ ràng các doanh nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chính vì vậy, người lao động cần lựa chọn những công ty uy tín để đăng ký và nhất thiết không được nghe lời dụ dỗ của những đối tượng bên ngoài để tránh bị lừa dẫn đến tiền mất, tật mang.
Bên cạnh đó, trước khi có quyết định đi XKLĐ, người lao động cần phải đọc kỹ hợp đồng trước khi ký. Thường một hợp đồng XKLĐ sẽ có khoảng từ 6 - 8 trang, nếu không đọc kỹ, sau này sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu có vấn đề xảy ra. Ông Trần Quốc Ninh cho rằng, điều quan trọng mà người lao động cần lưu ý trong hợp đồng lao động là công việc mình phải làm là gì, địa điểm làm việc ở đâu, thời gian làm việc, tiền lương (bao gồm lương cơ bản và lương làm thêm giờ), thời gian nghỉ và các chế độ về bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm tai nạn...
Thông tin từ ông Trần Quốc Ninh, việc thiếu hụt đội ngũ lao động kỹ thuật cao ở độ tuổi trẻ của Nhật Bản đang ngày càng trầm trọng dẫn đến nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài khá lớn. Vừa qua, NHHK đã nhận khá nhiều đặt hàng tuyển dụng từ giới chủ, đối tác Nhật Bản.
Hiện tại NHHK đang đẩy mạnh liên kết với các trường đại học để tạo nguồn, mở thêm hướng lựa chọn cho sinh viên theo học khối ngành kỹ thuật. Về điều kiện dự tuyển, ứng viên trong lúc chờ cấp bằng có thể tham gia chương trình, sau khi tuyển chọn hồ sơ, ứng viên sẽ được học tiếng Nhật và đào tạo nâng cao tay nghề 6 tháng, chi phí học ngoại ngữ và nghề đều do đối tác của NHHK tài trợ 100%.
Được biết, từ ngày 1/7/2016, NHHK đã triển khai chương trình hợp tác đưa kỹ sư sang Nhật Bản. Theo kế hoạch, NHHK liên kết với các trường đại học trên cả nước để tạo nguồn, phối hợp tổ chức các hội thảo, ngày hội nghề nghiệp nhằm giới thiệu về chương trình cho sinh viên đã hoặc sắp tốt nghiệp nắm bắt, lựa chọn.
Mục tiêu NHHK đặt ra là mỗi năm tuyển dụng 200 kỹ sư cung cấp theo hợp đồng ký kết với các hiệp hội, nghiệp đoàn của Nhật Bản. Theo NHHK, sau khi mãn hạn hợp đồng về nước, ứng viên tham gia chương trình được hỗ trợ một khoản tiền tái hòa nhập cộng đồng, tương đương 1.200 USD/người; được cam kết tuyển dụng vào các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam.
Văn Phước Ngọc