(Thethaovanhoa.vn) - Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký Văn bản 489 báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 theo Nghị quyết 52/2017QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.
- Phó Thủ tướng yêu cầu gỡ vướng thủ tục, đảm bảo tiến độ cao tốc Bắc-Nam
- Điều chỉnh quy mô quy hoạch tuyến cao tốc Bắc-Nam thành 6 - 10 làn xe
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thực hiện đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư) đã hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hoàn thiện các thủ tục có liên quan theo quy định như: phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đã thỏa thuận với các bộ, ngành và địa phương.
Đối với phần vốn đầu tư của Nhà nước, căn cứ quy định tại Nghị quyết 20/2018/NĐ-CP của Chính phủ và kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định mức vốn đầu tư của Nhà nước đối với 3 dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Dầu Giây - Phan Thiết) ngày 10/7/2018.
Về lộ trình thực hiện các bước tiếp theo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ Giao thông Vận tải sẽ lựa chọn nhà thầu tư vấn (theo hình thức đấu thầu rộng rãi), tổ chức khảo sát và lập thiết kế kỹ thuật, dự toán các dự án thành phần.
Liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư (do địa phương tổ chức thực hiện), dự kiến Bộ Giao thông Vận tải sẽ bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới đường bộ cho các địa phương khoảng đầu năm 2019. Các địa phương sẽ tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và triển khai giải phóng mặt bằng. Dự kiến, đến thời điểm khởi công các dự án thành phần, giải phóng mặt bằng đạt khoảng 70% tổng khối lượng giải phóng mặt bằng. Hoàn thiện toàn bộ giải phóng mặt bằng khoảng quý I/2020.
“Thời gian thực hiện theo quy định đối với các thủ tục nêu trên cần tối thiểu khoảng 15 tháng, do vậy các dự án đầu tư theo hình thức PPP dự kiến sẽ bắt đầu thi công khoảng đầu năm 2020 và cơ bản hoàn thành năm 2021”, văn bản 489 nêu rõ.
Đối với 3 dự án đầu tư công, dự kiến giai đoạn thiết kế kỹ thuật, dự toán của các dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và đoạn Cam Lộ - La Sơn triển khai trong khoảng 6 tháng; dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu triển khai trong khoảng 7 tháng đối với gói cầu, đường dẫn và khoảng 10 tháng đối với gói cầu chính.
Dự kiến, việc thi công các dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và đoạn Cam Lộ - La Sơn bắt đầu triển khai từ tháng 4/2019, thi công trong khoảng 2 năm (cơ bản hoàn thành năm 2021); dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu triển khai thi công từ quý III/2019 (đối với gói cầu, đường dẫn) và quý I/2020 (đối với gói cầu chính), thời gian thi công cầu chính khoảng 3,5 năm (hoàn thành năm 2023).
Trao đổi với phóng viên về vấn đề huy động nguồn vốn cho dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, tuyến cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông là tuyến xây dựng hoàn toàn mới, chạy song song với các tuyến khác. Vì vậy, người dân có quyền lựa chọn, điều này đúng với Nghị quyết của Quốc hội và các quy định hiện nay.
“Chúng tôi tin tưởng dự án này sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, các ngân hàng để có thể huy động vốn tham gia dự án, và đảm bảo dự án sẽ thành công”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
TTXVN/Quang Toàn
Tags