(Thethaovanhoa.vn) - Trước những nguy cơ của đợt dịch COVID–19 mới với nguồn lây nhiễm chủ yếu từ tâm dịch Đà Nẵng, khi Hà Nội có gần 90.000 người từ Đà Nẵng trở về, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã bày tỏ lo lắng khi người dân vẫn còn chủ quan. Ông nhắn nhủ người dân "Hãy chậm lại một chút để tất cả được an toàn".
Test nhanh chỉ có giá trị điều tra dịch tễ
Hà Nội ghi nhận gần 90.000 người về từ Đà Nẵng từ ngày 8/7 đến nay, và đã thực hiện test nhanh cho trên 70.000 trường hợp... Nhận được kết quả test nhanh âm tính, nhiều người thở phào nhẹ nhõm vì cho rằng mình đã "thoát nạn" để trở lại nếp sinh hoạt thường ngày.
Tuy nhiên, với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, đây chính là điều ông lo lắng nhất. Theo ông, kết quả test nhanh không có nhiều giá trị, "Test nhanh đối với chúng tôi thực ra chỉ có giá trị điều tra dịch tễ xem tình hình dịch đã qua, hiện tại và dự báo tương lai chứ không có giá trị ngăn chặn nguồn dịch. Vì test nhanh làm sớm quá thì chưa đủ kháng thể, làm đúng lúc cũng chưa thể khẳng định được là có virus hay không, làm muộn sau đấy có thể dương tính nhưng khả năng lây nó cũng qua mất rồi".
- Thêm 12 ca mắc COVID-19 ở Đà Nẵng
- Dịch COVID-19: Xét nghiệm gần 3.000 người trong khu vực phong tỏa tại Đà Nẵng
Vì vậy, những người có kết quả test nhanh âm tính tuyệt đối không được chủ quan, mà tuân thủ nghiêm túc việc cách ly đủ 14 ngày. Những người khác thì có tiếp xúc phải để ý lắng nghe cơ thể mình, trên cơ sở các triệu chứng mà truyền thông đã nhắc rất nhiều. Mọi người cần cảnh giác và hãy chậm lại một chút để tất cả được an toàn. Chúng ta có thể làm việc tại nhà, hiện có rất nhiều công cụ có thể giúp làm việc tại nhà một cách hiệu quả.
"Nếu thực sự chúng ta chưa tìm ra ca nhiễm, mà virus vẫn âm thầm lây lan trong cộng đồng tới một vài chu kì (thông thường mỗi chu kì khoảng 4-5 ngày) như ở Đà Nẵng thì rất đáng lo ngại. Bởi ước tính một trường hợp mắc COVID-19 có thể lây lan một chu kì khoảng 5 người, nếu cứ nhân lên như thế, con số mắc sẽ rất lớn trong cộng đồng".
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh, người dân hãy nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay để virus không xâm nhập được vào người mình. Khẩu trang có thể ngăn được giọt bắn, rửa tay để tránh lây từ tiếp xúc, khi chúng ta chạm phải các bề mặt, đồ vật chứa virus mà đưa lên mắt, mũi, miệng. Chúng ta cũng cần nghiêm túc thực hiện dãn cách, không tập trung đông người.
Thêm một phương pháp xét nghiệm hiệu quả
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung vui mừng chia sẻ, hiện nay, bên cạnh phương pháp xét nghiệm Real-time PCR, Bộ Y tế cũng đã cấp phép cho phương pháp xét nghiệm Gene Xpert – một phương pháp vốn được sử dụng để xét nghiệm vi khuẩn lao trong hệ thống các cơ sở phòng, chống lao ở Việt Nam.
Hiện Bộ Y tế đã cho phép nhập 16.000 test cho hệ thống Gene Xpert, trong vài ngày tới sẽ về tới Việt Nam, góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động xét nghiệm SARS-CoV-2 song song với phương pháp xét nghiệm Real- time PCR.
Đánh giá về tính ưu việt của phương pháp xét nghiệm Gene Xpert, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương thông tin, hiện chúng tôi có khoảng 200 máy xét nghiệm Gene Xpert đặt tại 28 phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp hai trong hệ thống phòng, chống lao phổi cả nước. Điểm ưu việt là hệ thống máy này hoạt động hoàn toàn tự động, con người can thiệp vào rất ít, chủ yếu là khâu lấy mẫu và kết quả sẽ có trong vòng 35-45 phút, các cán bộ cũng đã được tập huấn đầy đủ, nhuần nhuyễn trong vận hành máy. Bệnh viện phổi Đà Nẵng hiện cũng có ba máy xét nghiệm Gene Xpert, trong trường hợp cần thiết, chúng tôi có thể đem máy từ Hà Nội vào hỗ trợ Đà Nẵng thực hiện công tác xét nghiệm...
"Như vậy song song với phát hiện COVID-19, chúng ta có thể phát hiện ra những người mắc lao phổi, góp phần sớm chấm dứt bệnh lao trong cộng đồng", Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương kỳ vọng.
Hiểu về dịch để biết cách tránh dịch
Thời gian vừa qua, có nhiều thông tin tuyên truyền rằng virus SARS-CoV-2 đợt này rất nguy hiểm vì nó có đoạn gen giống HIV hay giống Ebola nên gây tử vong người bệnh rất nhanh. "Tuy nhiên, các trường hợp bệnh nhân tử vong vừa rồi không phải chiều hướng như thế mà thực sự COVID-19 chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi. Những trường hợp này đều có bệnh lý nền nặng cho nên khó tránh khỏi tử vong...", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung chia sẻ.
Mỗi người dân phải hiểu về dịch để biết cách tránh dịch hiệu quả. Các phương tiện phòng hộ như khẩu trang y tế có thể ngăn giọt bắn, đến khu vực nguy hiểm để phòng những hạt nhỏ trong không khí thì phải sử dụng khẩu trang N95; đặc biệt nữa phải có mũ, quần áo bảo hộ đảm bảo như trường hợp lấy mẫu xét nghiệm... Tuy nhiên, kiến thức và thái độ vẫn chưa đủ mà phải thực hành chuẩn mới đem lại giá trị.
"Hãy tranh thủ bất kỳ cơ hội nào để giữ tay được sạch bởi vì không ai có thể nói trước là tay chúng ta sẽ chạm vào đâu. Nếu có kiến thức, thái độ rất nghiêm túc về dịch và thực hành chuẩn, chúng ta sẽ ngăn chặn được dịch", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung nêu rõ.
Bích Thuỷ/TTXVN
Tags