(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Hà Nội nới lỏng từng bước sau 21/9, sẽ chú trọng quét mã QR
Chiều 19/9, chủ trì giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy công tác phòng, chống COVID-19 của thành phố với Sở Chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch COVID -19 đề nghị các quận, huyện, thị xã chủ động các phương án phòng, chống dịch sau ngày 21/9.
"Sau ngày 21/9, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng phương án, biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, khả thi theo hướng nới lỏng từng bước để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Thành phố sẽ giao các quận, huyện chủ động xem xét, quyết định phê duyệt phương án phòng, chống dịch ở địa phương", Phó Chủ tịch UBND thành phố cho hay.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, dự kiến sau 21/9, thành phố Hà Nội sẽ không chia 3 phân vùng nữa, mà nơi nào nguy cơ rất cao, có ca F0 sẽ trở thành "điểm đỏ" khoanh vùng với quy mô hẹp. "Điểm đỏ" áp dụng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, khu vực xuất hiện F0 và các gia đình lân cạnh phải phong tỏa, cách ly y tế. Khu vực lân cận là "vùng vàng", còn lại là xanh. Việc kiểm soát dịch được thực hiện theo tinh thần thu hẹp tối đa "vùng đỏ". Bên cạnh việc nới lỏng, thành phố tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát tại cửa ngõ Thủ đô. Hà Nội sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để làm việc với các tỉnh, thành phố lân cận về việc phối hợp quản lý người ra, vào thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng lưu ý về nguy cơ xâm nhập dịch từ các địa phương về Hà Nội qua đường bộ, đương thủy đường hàng không; lộ trình, phương án cho học sinh, sinh viên trở lại trường học học tập; quản lý việc ra, vào địa bàn, học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn Thủ đô; phương án phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề; tiếp tục nghiên cứu việc đi lại của người dân; xét nghiệm tầm soát tại các khu vực nguy cơ cao và nguy cơ rất cao, chú ý phương án tổ chức sản xuất trở lại an toàn.
“Sau ngày 21/9, thành phố dự kiến sẽ cơ bản cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với các điều kiện cụ thể để đảm bảo an toàn, vì thế phải chủ động các phương án phòng, chống dịch. Các khu vực "điểm đỏ" sẽ không được xây dựng hoặc đang triển khai xây dựng mà có F0 thì phải dừng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Thông tin tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, từ 24/7, trong đợt đầu Hà Nội giãn cách xã hội để phòng dịch, trung bình nghi nhận có trên 71 ca mắc mới/ngày, đến đợt giãn cách thứ 4 chỉ còn trung bình 25-27 ca/ngày. Đến nay, 93% tổng số người dân từ 19 tuổi trở lên được tiêm vaccine mũi 1; gần 70% toàn dân số thành phố đã được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi.
Trong chiến dịch vừa qua, thành phố đã xét nghiệm diện rộng trên 4 triệu người để bóc tách F0 khỏi cộng đồng, tỷ lệ ca mắc ngoài cộng đồng đã giảm từ 50% xuống còn 10%. Sau đó, thành phố tập trung xét nghiệm cho nguy cơ rất cao, xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, còn các vùng khác xử lý linh hoạt.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, từ các mốc thời gian của từng loại vaccine, thành phố sẽ tiếp tục triển khai, đảm bảo sẽ tiêm vaccine mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2021. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện "mục tiêu kép".
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế quan tâm nâng cao lực cho trạm y tế gắn với trạng thái trạm y tế lưu động như là vệ tinh của y tế cơ sở.
Về ổ dịch tại Tổ 4 của phường Việt Hưng, tại cuộc họp, đại diện quận Long Biên cho biết, tính từ 18/9 đến nay ghi nhận tổng số 12 trường hợp F0. Đến nay, quận đã cho rà soát lại toàn bộ các khu vực có các trường hợp liên quan đến F0, tiến hành khoanh vùng, phun khử khuẩn cũng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho khoảng hơn 4.000 người tại khu vực này và dự kiến ngày 20/9 sẽ có kết quả.
Đại diện quận Thanh Xuân cũng cho biết, tình hình ổ dịch tại ngõ 328, 330 đường Nguyễn Trãi đến nay đã cơ bản được kiểm soát. Hiện nay tại khu vực này chỉ còn khoảng 100 người, chủ yếu là người già và mắc bệnh không thể di chuyển đi cách ly được. Vì thế, quận đã tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ hai ngõ này 2-3 ngày/lần để bảo đảm phòng, chống dịch. Cùng với đó, quận đang xây dựng kế hoạch để dự kiến từ ngày 28/9 tới sẽ đón toàn bộ người dân đang cách ly tập trung ở ký túc xá Trường Đại học FPT (Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất) trở về.
Từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 19/9 trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 5 ca dương tính với SA RS-CoV-2 đều đã được cách ly, nâng số mắc trong ngày lên 19 ca, trong đó 17 ca tại khu cách ly, 2 ca ở khu vực phong tỏa.
Thêm 10.040 ca mắc, trong đó riêng TP HCM có 5.496 ca
Bản tin dịch COVID-19 ngày 19/9 của Bộ Y tế cho biết có thêm 10.040 ca mắc COVID-19, trong đó riêng TP HCM đã có đến 5.496 ca, Bình Dương với 2.332 ca. Trong ngày có 9.137 bệnh nhân khỏi.
Thông tin các ca mắc COVID-19 mới:
- Tính từ 17h ngày 18/9 đến 17h ngày 19/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.040 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 10.025 ca ghi nhận trong nước TP HCM (5.496), Bình Dương (2.332), Đồng Nai (953), An Giang (287), Long An (249), Kiên Giang (151), Tiền Giang (102), Bà Rịa - Vũng Tàu (84), Tây Ninh (53), Cần Thơ (52), Khánh Hòa (37), Bình Định (30), Quảng Ngãi (24), Hà Nội (20), Cà Mau (18), Quảng Bình (15), Bình Phước (15), Ninh Thuận (15), Phú Yên (13), Quảng Nam (13), Hậu Giang (11), Đắk Nông (11), Trà Vinh (8 ), Bình Thuận (7), Đồng Tháp (6), Bến Tre (6), Quảng Trị (5), Bạc Liêu (3), Đà Nẵng (2), Vĩnh Long (2), Thanh Hóa (2), Hà Tĩnh (1), Hưng Yên (1), Bắc Ninh (1) trong đó có 5.894 ca trong cộng đồng.
- Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 665 ca. Tại một số tỉnh như sau: TP. Hồ Chí Minh tăng 1.259 ca, Bình Dương giảm 545 ca, Đồng Nai tăng 14 ca, An Giang tăng 144 ca, Long An tăng 13 ca.
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 10.517 ca/ngày.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 687.063 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.983 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 682.617 ca, trong đó có 454.731 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 15/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định.
+ Có 05 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (336.528), Bình Dương (178.295), Đồng Nai (39.973), Long An (30.328), Tiền Giang (13.059).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 9.137
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 457.505
2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.396 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.443
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 931
- Thở máy không xâm lấn: 202
- Thở máy xâm lấn: 788
- ECMO: 32
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 233 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (182), Bình Dương (31), Long An (9), An Giang (3), Bình Thuận (2), Tiền Giang (2), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Quảng Bình (1), Tây Ninh (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 246 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.090 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 230.804 xét nghiệm cho 443.937 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 16.641.750 mẫu cho 48.496.762 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Trong ngày 18/9 có 455.317 liều vaccine COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 34.095.243 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 27.577.472 liều, tiêm mũi 2 là 6.517.771 liều.
3 nhân viên y tế dương tính, Hà Nội ghi nhận 19 ca trong 24 giờ qua
Sở Y tế Hà Nội tối 19/9 cho biết trong chiều nay TP ghi nhận 5 ca mắc COVID-19 mới, đều đã được cách ly. Như vậy tính từ 18h ngày 18/9 đến 12h ngày 19/9 Hà Nội ghi nhận 19 ca trong đó có 17 ca khu cách ly, 2 ca khu vực phong tỏa.
5 ca mới vừa phát hiện chiều nay gồm:
Ca thứ 1 là anh D.M.P, 27 tuổi, ở thôn Linh Quy, xã Kim Sơn, Gia Lâm. Anh là nhân viên y tế, cách ly tại bệnh viện từ ngày 15/8 điều trị bệnh nhân COVID-19, anh được lấy mẫu xét nghiệm định kỳ. Ngày 18/9, anh được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Ca thứ 2 là bé trai C.C.C, 5 tuổi, ở 88 Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai. Bé là F1 (con) của BN N.T.H, hàng ngày bé ở nhà. Ngày 18/9, khi đang cách ly tại nhà, bé được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Ca thứ 3 là anh C.V.L, 33 tuổi, cùng ở 88 Giáp Nhị. Anh L là F1 (chồng) của BN N.T.H, ngày 18/9 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Ca thứ 4 là chị N.T.P, 33 tuổi, ở chung cư HDMon, phường Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm. Chị P là nhân viên y tế cách ly tại bệnh viện từ ngày 24/8 điều trị bệnh nhân COVID- 19, chị được lấy mẫu xét nghiệm định kỳ. Ngày 17/9, chị được lấy mẫu cho kết quả dương tính.
Ca thứ 5 là chị N.T.K, 23 tuổi, ở Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, Thanh Xuân. Chị là nhân viên y tế cách ly tại bệnh viện từ ngày 15/8 điều trị bệnh nhân COVID-19, được lấy mẫu xét nghiệm định kỳ. Ngày 18/9, chị được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.922 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.597 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly có 2.325 ca.
Đắk Lắk ghi nhận nhiều chùm ca bệnh phức tạp tại thị xã Buôn Hồ
Theo Sở Y tế Đắk Lắk, từ 16 giờ ngày 18/9 đến 16 giờ ngày 19/9/2021 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận thêm 77 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, thị xã Buôn Hồ 60, huyện Krông Búk 11, huyện Ea H’leo 3, huyện Cư Kuin 3; nâng tổng số trường hợp mắc bệnh ghi nhận trên địa bàn tỉnh lên 1.641 trường hợp.
Đặc biệt, trong những ngày qua thị xã Buôn Hồ liên tiếp ghi nhận nhiều chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây trong cộng đồng, có yếu tố dịch tễ phức tạp.
Hà Nội: 3 người cùng nhà mắc COVID-19 liên quan các ca bệnh ở phường Việt Hưng, Long Biên
Trưa 19/9 Sở Y tế Nội công bố 4 ca COVID-19 mới liên quan đến các ca bệnh ở phường Việt Hưng, gồm 3 người cùng gia đình ở Kim Quan, người còn lại ở huyện Gia Lâm.
Sở Y tế Hà Nội trưa 19/9 cho biết trong sáng nay TP ghi nhận 12 ca mắc COVID-19 mới trong đó có 10 ca khu cách ly, 2 ca khu vực phong tỏa. Như vậy tính từ 18h ngày 18/9 đến 12h ngày 19/9 ghi nhận 14 ca trong đó: 12 ca khu cách ly, 2 ca khu vực phong tỏa.
Trong 12 ca bệnh có 4 ca tại quận Thanh Xuân (ở phường Thanh Xuân Trung), Đống Đa (4 ca ở phường Văn Chương và Văn Miếu), Long Biên (3), Gia Lâm (1).
1 ca tại huyện Gia Lâm là anh N.V.K, 43 tuổi, ở tập thể Z179 xã Kiêu Kỵ. Anh K là F1 (làm cùng xưởng) của bệnh nhân N.K.T (con trai bà Â.T.K - được công bố trưa qua). Ngày 18/9, anh K được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
3 ca tại quận Long Biên gồm: Anh N.N.H, 34 tuổi ở ngách 22/94 Kim Quan, phường Việt Hưng. Ngày 18/9, anh H được xác định là F1 của bệnh nhân T.N.N (cháu bà ÂT.K, anh H tiếp xúc lần cuối với anh N ngày 15/9). Ngày 18/9, anh H được lấy mẫu xét nghiệm kết quả dương tính.
Người thứ 2 và 3 là bé trai N.K.N (12 tuổi) và bé trai N.T.Đ (9 tuổi) ở cùng địa chỉ ngách 22/94 Kim Quan, phường Việt Hưng. Hai bé là F1 của bệnh nhân N.K.M.K (là bé trai 9 tuổi, chắt của bà Â.T.K). Hai bé tiếp xúc lần cuối với bé K ngày 17/9. Ngày 18/9, cả hai được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Như vậy, liên quan tới điểm dịch ở tổ 4 phường Việt Hưng đến nay đã có 12 ca mắc COVID-19, trong đó có 1 ca ở huyện Gia Lâm, 11 ca ở quận Long Biên.
Riêng tại ngõ 22 Kim Quan, phường Việt Hưng ghi nhận 9 ca bệnh; ngách 15, ngõ 68, tổ 6 phường Ngọc Thụy ghi nhận 2 ca bệnh; xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm ghi nhận 1 ca bệnh do làm cùng nhà máy xe lửa Gia Lâm với bệnh nhân N.K.T.
Hiện tại, cơ quan chức năng đã phong tỏa ngõ 22 Kim Quan, Việt Hưng có 58 hộ gia đình với 183 nhân khẩu; Đã thực hiện lấy mẫu test nhanh kháng nguyên 183/183 kết quả âm tính và lấy mẫu gộp xét nghiệm RT-PCR.
Với ngách 15, ngõ 68, tổ 6 phường Ngọc Thụy với 64 hộ gia đình 214 nhân khẩu đã bị phong toả. Đã thực hiện lấy mẫu test nhanh kháng nguyên 214/214 kết quả âm tính và lấy mẫu gộp xét nghiệm RT-PCR.
Các điểm liên quan đến điểm dịch là nhà máy xe lửa Gia Lâm, phường Gia Thụy đã lấy 41 mẫu người liên quan làm việc tại các bộ phận khác để xét nghiệm RT-PCR.
Tại công ty thoát nước số 5, phường Gia Thụy, lực lượng y tế đã lấy 29 mẫu người liên quan tại các bộ phận khác xét nghiệm RT-PCR. Công ty đã chủ động xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 62 người lao động, kết quả đều âm tính.
Tại chợ Kim Quan, phường Việt Hưng, cơ quan chức năng cũng đã thực hiện lấy mẫu test nhanh kháng nguyên 185/185 kết quả âm tính và lấy mẫu gộp xét nghiệm RT-PCR.
Tại điểm tiêm chủng nhà văn hóa phường Việt Hưng đã lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho 100 người liên quan. Tại điểm tiêm chủng Trường tiểu học Đoàn kết, phường Thạch Bàn đã lấy mẫu mẫu xét nghiệm RT-PCR cho 450 người liên quan, ngoài ra thực hiện test nhanh kháng nguyên cho 97 trường hợp, kết quả đều âm tính.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.917 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.597 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly có 2.320 ca.
Hà Nội thêm 2 ca, tổng lực dập ổ dịch tại phường Việt Hưng
Sở Y tế Hà Nội sáng 19/9 cho biết trong 12 giờ qua TP ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19 mới đã được cách ly.
Trong 2 ca này, có bé gái N.D.H, 12 tuổi ở tổ 6, Ngọc Thụy, Long Biên. Bé là F1 của bệnh nhân N.T.H. Ngày 18/9, bé được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Như vậy, ổ dịch ở tổ 4 phường Việt Hưng, Long Biên đã ghi nhận 8 ca dương tính SARS-CoV-2. Quận Long Biên đã phong tỏa tạm thời 2 khu vực ngõ 22 Kim Quan, phường Việt Hưng (với 58 hộ dân/205 nhân khẩu) và ngách 15, ngõ 68, tổ 6, phường Ngọc Thụy (với 80 hộ dân/320 nhân khẩu) để phục vụ điều tra giám sát dịch tễ.
Đồng thời, tổ chức điều tra dịch tễ, xét nghiệm các trường hợp liên quan, cụ thể: Nhà máy xe lửa Gia Lâm 7 F1, đang tiếp tục điều tra các trường hợp liên quan; Trạm bơm Cầu Chui (Xí nghiệp Thoát nước số 5) 46 trường hợp liên quan trong đó có 9 F1; Công ty Goshi Thăng Long 135 trường hợp liên quan; Điểm tiêm Trường tiểu học Đoàn Kết 469 trường hợp liên quan; Điểm tiêm Trung tâm văn hóa phường Việt Hưng 64 trường hợp liên quan; Chợ Kim Quan 200 trường hợp.
Lực lượng y tế đang tiếp tục điều tra dịch tễ các trường hợp liên quan tiếp xúc gần với các bệnh nhân dương tính. Tổng số mẫu xét nghiệm đã lấy là 651 test nhanh kháng nguyên và 504 mẫu xét nghiệm RT-PCR.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng hôm qua yêu cầu các lực lượng huy động tổng lực để phát hiện, bóc tách sớm F0 liên quan ổ dịch này.
Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 16.857 ca
Đến nay Việt Nam đã điều trị khỏi hơn 448.000 ca COVID-19 trên tổng số 677.023 ca mắc; F0 ở TPHCM khỏi, chưa có xác nhận cần tiêm vaccine để có thẻ xanh COVID.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 677.023 ca mắc COVID-19, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.881 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 672.592 ca, trong đó có 445.594 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 15/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định.
+ Có 05 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (331.032), Bình Dương (175.963), Đồng Nai (39.020), Long An (30.079), Tiền Giang (12.957).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 18/9 là 14.903 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 448.368
2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.447 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.494
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 916
- Thở máy không xâm lấn: 232
- Thở máy xâm lấn: 771
- ECMO: 34
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 250 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.857 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
- Ninh Thuận bổ sung các biện pháp chống dịch Covid-19 do phát sinh ổ dịch mới
- Hình ảnh giao thông Hà Nội nhộn nhịp trở lại trong ngày đầu dỡ bỏ 39 chốt kiểm soát dịch
- Sau ngày 21/9, Hà Nội sẽ quyết định biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn mới
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 232.641 xét nghiệm cho 560.173 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 16.410.946 mẫu cho 48.052.825 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 33.555.359 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 27.208.264 liều, tiêm mũi 2 là 6.347.095 liều.
PV/TTXVN
Tags