(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam đã ghi nhận có ca mắc mới COVID-19 tại Đà Nẵng (bệnh nhân thứ 416, 418) sau 99 ngày không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngay sau khi xuất hiện diễn biến mới này của dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức và chủ trì họp Thường trực Chính phủ sáng 25/7 để khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Tình huống này là điều không ai mong đợi nhưng ngành y tế và Chính phủ đã tiên lượng trước và "chúng ta đã có sẵn các kịch bản ứng phó". Chính vì vậy, các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương cần bình tĩnh, không hoảng loạn nhưng cũng không được lơ là, chủ quan, ngay lúc này cần quyết liệt vào cuộc kịp thời truy vết người tiếp xúc, cách ly, xét nghiệm; khoanh vùng dập dịch sớm.
Mỗi người dân không nên quá lo sợ, hãy chủ động thích ứng, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch đã được khuyến cáo như: Đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay..., hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế.
- CẬP NHẬT: Khoanh vùng, phun thuốc khử khuẩn tại khu dân cư có ca bệnh 418 mắc COVID-19
- Argentina thử nghiệm lâm sàng thuốc COVID-19 từ huyết thanh ngựa
- Dịch COVID-19: Mỹ tiếp tục ghi nhận hơn 60.000 ca mắc mới trong ngày
* Dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát tốt
Có thể khẳng định Việt Nam vẫn đang nỗ lực, kiểm soát tốt dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Một số quốc gia trên thế giới, kể cả nước phát triển, y tế hiện đại đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ 2, thứ 3.
Cả hệ thống chính trị nước ta đã xác định phương án "chống dịch như chống giặc" để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Các lực lượng quân đội, công an nhanh chóng vào cuộc cùng y tế, hình thành các khu cách ly tập trung, kiểm soát chặt các đường mòn, lối mở khu vực biên giới, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ", đảm bảo phát hiện kịp thời các ca bệnh, khoanh vùng, cách ly dập dịch ngay, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng. Đường lối đúng đắn này đã đưa nước ta khống chế được dịch COVID -19 với số người nhiễm COVID-19 trên tổng số dân thuộc nhóm thấp nhất thế giới (418 ca nhiễm/ gần 100 triệu dân).
Việt Nam đứng thứ 160/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc ở khu vực Đông Nam Á. Tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 365/418 người (chiếm 87,3% tổng số ca bệnh). Quan trọng hơn cả là Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong vì mắc COVID-19.
Còn trên thế giới, tính đến 9h ngày 26/7, thế giới có hơn 16,2 triệu người mắc; hơn 648.000 người tử vong do COVID-19. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai, thứ ba. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia vẫn là nước có số ca mắc cao...
Ở Việt Nam, tình hình dịch COVID-19 vẫn cơ bản được kiểm soát tốt ở mọi miền đất nước, ngoại trừ các ổ dịch mới phát sinh từ ca 416 và 418. Cuộc sống bình thường mới vẫn hiện hữu khắp nơi trong niềm vui cắp sách tới trường của các em nhỏ, trong nụ cười của các cụ già tập thể dục mỗi sáng nơi công viên.... ở hầu hết các địa phương.
Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng với việc xuất hiện ca bệnh thứ 416 và 418 . Mỗi người nên duy trì các hoạt động bình thường, tránh rơi vào trạng thái cực đoan, lo sợ thái quá, cần theo dõi sát các diễn biến và bản đồ dịch tễ từ ngành chức năng để có cách ứng xử phù hợp.
Mỗi người dân thực hiện đầy đủ các nội dung đã nêu trong Chỉ thị 19/CT-TTg về ứng phó với dịch COVID-19 trong tình hình mới; khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Vệ sinh tay sạch sẽ; che miệng mũi khi ho, hắt hơi; không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay; hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người; giữ khoảng cách tối thiểu 1m; thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật, bề mặt hay được chạm vào (như tay nắm cửa hay điện thoại)…
Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó, nặng lực giải quyết các ổ dịch lớn như ở Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc); Hạ Lôi (huyện Mê Linh), Trúc Bạch (Tây Hồ) của Hà Nội; Bệnh viện Bạch Mai với quy mô hàng vạn người liên quan... Đà Nẵng cũng đang tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực phòng chống dịch như cách ly ngay Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, truy vết, cách ly các đối tượng tiếp xúc gần với ca bệnh; tiêu độc khử trùng…
Chính phủ, các bộ, ngành, ngành y tế đang dốc sức vào cuộc hỗ trợ Đà Nẵng.
Với sự đồng lòng cao này tin rằng các ổ dịch mới tại Đà Nẵng chắc chắn sẽ được giải quyết !
* Không chủ quan, lơ là, nghiêm trị các đối tượng phá hoại thành quả chống dịch quốc gia
Dù đã có thời gian dài không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng nhưng các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo nguy cơ dịch COVID -19 xâm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn rất cao do tình trạng vượt biên, nhập cảnh trái phép, trốn cách ly.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm từ bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam đều được cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Hệ thống giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng được duy trì để khoanh vùng, dập dịch kịp thời. Năng lực ứng phó với đại dịch tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là đội ngũ chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 ở tất cả các tuyến y tế. Đó là việc làm thiết thực nhằm tạo ra phòng tuyến rộng khắp trong phòng, chống dịch xâm nhập.
Thế nhưng những ngày gần đây, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng đường bộ, đường mòn, lối mở, đa số không có giấy tờ tùy thân, trốn cách ly tập trung, có mặt tại một số cơ sở lưu trú tại Quảng Nam, Đà Nẵng... Cơ quan chức năng không loại trừ khả năng có đường dây đưa người nước ngoài vào Việt Nam trái phép với nhiều mục đích khác nhau.
Các chuyên gia y tế cho rằng việc người nước ngoài "lọt" qua các khâu kiểm tra, đến lưu trú vài ngày ở một số cơ sở rồi mới bị phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly là hết sức đáng tiếc. Bởi lẽ, tình hình dịch COVID-19 trong nước đang được kiểm soát tốt nhưng ở các nước láng giềng vẫn còn phức tạp. Việc xuất hiện nhiều người nhập cảnh trái phép khiến nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng là rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến thành quả ứng phó với đại dịch COVID-19 của đất nước ta, đe dọa tính mạng, sức khỏe nhân dân.
Cộng đồng đã lên án mạnh mẽ, đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, xử lý hình sự các hành vi sai phạm của các đối tượng trong nước tiếp tay đưa người nước ngoài nhập trái phép vào Việt Nam. Bởi đây thực sự là một hiểm họa tiềm ẩn, đe dọa an ninh quốc gia, cần phải được xử lý nghiêm.
Thanh Giang - TTXVN
Tags