Đan Mạch: Chân dung nữ Thủ tướng xinh đẹp

Chủ nhật, 18/09/2011 10:54 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Ngày 15/9, bà Helle Thorning - Schmidt đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Đan Mạch, chính thức trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của quốc gia Bắc Âu và chấm dứt 10 năm cầm quyền liên tục của liên minh trung hữu.

Bà Helle nhận lời chúc mừng từ một người ủng hộ.

Helle Thorning - Schmidt, biệt danh “nữ hoàng Gucci”, vì niềm yêu thích của bà với các loại thời trang hàng hiệu, đã dẫn đầu “khối Đỏ” gồm liên minh nhiều đảng chính trị đánh bại đối thủ Lars Loekke Rasmussen tới từ phe trung hữu.

Vượt qua “lời nguyền Kinnock”

Bố chồng của Helle là ông Neil Kinnock, người đã thua ứng cử viên John Major của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử hồi năm 1992, dù trước đó đã dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận suốt nhiều tháng. Ông cho là mình đã bị báo chí ném bùn, bôi nhọ. Nhưng giới phân tích cho rằng nguyên nhân do Công đảng của ông đã triển khai một kế hoạch đánh thuế gây mất lòng cử tri và việc ông bộc lộ quá sớm những biểu hiện của một người chiến thắng.

Người ta đã lo ngại bà Helle có thể vấp phải “lời nguyền Kinnock” và chịu chung số phận giống bố chồng. Nhưng thực tế “khối Đỏ” của bà đã giành đa số ghế tại Quốc hội có 179 ghế của Đan Mạch. Ngay sau chiến thắng, người phụ nữ 44 tuổi đã ra đường ăn mừng với những người ủng hộ. “Chúng ta đã thành công. Hôm nay là ngày của sự thay đổi. Chúng ta đã viết nên lịch sử” - bà nói.

Trong tuyên bố từ nhiệm, Ramussen có gửi lời nhắn nhủ tới người vừa “đá” mình khỏi chiếc ghế Thủ tướng: “Không có sự ủng hộ từ phía Quốc hội cho Chính phủ của tôi. Vì thế tôi giao lại chiếc chìa khóa văn phòng Thủ tướng cho Helle Thorning - Schmidt. Và Helle thân mến, hãy chăm sóc văn phòng cẩn thận. Cô chỉ đang mượn nó thôi”.

Nữ chính trị gia xinh đẹp và tài năng

Và tươi cười vẫy tay với báo giới bên cạnh đức lang quân Stephen Kinnock.

Helle Thorning-Schmidt sinh tại Rodovre, Đan Mạch, vào năm 1966. Bà theo học Đại học Copenhagen và tốt nghiệp với bằng Cử nhân Khoa học chính trị. Bà tiếp tục học lấy bằng Thạc sĩ của trường vào năm 1994 và ngoài ra còn có một bằng Thạc sĩ thứ 2 về Chính sách và quản trị công ở Đại học châu Âu, Bỉ.

Chính tại thời gian ở Bỉ, bà đã yêu và cưới ông Stephen Kinnock. Bà cũng định hướng theo đường lối dân chủ xã hội khi ở Bỉ và chính thức tham gia đảng Dân chủ Xã hội Đan Mạch vào năm 1993.

Giai đoạn 1994 - 1997, bà là thư ký phái đoàn những người dân chủ xã hội Đan Mạch ở Nghị viện châu Âu. Kết thúc thời gian công tác, bà về làm cố vấn cho Liên minh Công đoàn Thương mại Đan Mạch cho tới khi được bầu làm Nghị sĩ châu Âu hồi năm 1999.

Năm 2005, Helle được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội, sau khi người tiền nhiệm từ chức vì để đảng thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử vào Quốc hội, mất tới 5 ghế vào tay các đối thủ. Tuy nhiên Helle đã nhanh chóng nếm “quả đắng” khi đảng Dân chủ Xã hội tiếp tục thất bại lớn trong cuộc bầu cử hồi năm 2007. Bất chấp kết quả trên, năng lực lãnh đạo của bà vẫn được đảng Dân chủ Xã hội tín nhiệm. Trong cuộc bầu cử mới nhất, Helle đã dẫn dắt thành công “khối Đỏ” tới thắng lợi, bất chấp việc trước cuộc bầu cử không lâu có những tin đồn bất lợi liên quan tới đời tư của bà. Helle hiện sống cùng 2 con gái, Johanna, 14 tuổi và Camilla, 11 tuổi, ở Bắc Copenhagen, trong khi chồng Kinnock sống tại Thụy Sĩ, với tư cách giám đốc Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Tuần trước, vợ chồng bà đã lên mặt báo, khi có tin họ gặp vấn đề về hôn nhân. Tờ Expressen của Thụy Điển thậm chí đặt nghi vấn rằng Kinnock là dân đồng tính và 2 vợ chồng đang sống ly thân, buộc bà phải lên tiếng bác bỏ. “Tôi chỉ có thể nói rằng những tin đồn không đúng sự thực. Thật khó chịu khi báo chí cứ đăng những tin đồn như thế và tôi cũng thấy rất tiếc vì thông thường các tin này nhắm vào giới chính trị gia. Việc này tạo cảm giác không thoải mái cho gia đình và con cái tôi. Nó cũng vô cùng lố bịch” - bà nói.

Hồi tháng 8 năm ngoái, cặp vợ chồng còn bị chỉ trích vì tìm cách trốn thuế. Ông Kinnock bị cáo buộc đã tìm cách đóng thuế cho khoản thu nhập lên tới 250.000 USD của mình ở Thụy Sĩ, nơi mức thuế thấp hơn nhiều so với ở Đan Mạch.

Một núi công việc chờ đón trước mắt

Giới phân tích nói rằng Helle giờ sẽ phải đối diện với một công việc vô cùng khó khăn để thành lập chính quyền trung tả và đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra. Bản thân Helle tuyên bố bà sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán thành lập chính phủ trong thời gian sớm nhất với các đối tác, gồm đảng Tự do Xã hội, đảng Nhân dân Xã hội và đảng Liên minh Xanh Đỏ.

Nhiều khả năng bà sẽ không gây xáo trộn lớn trong đời sống của Đan Mạch, nhưng vẫn tiến hành những thay đổi nhất định như cải tổ hệ thống kiểm soát hải quan ở biên giới với Đức và Thụy Điển, vốn bị cáo buộc vi phạm thỏa thuận về sự tự do di chuyển người và hàng trong nội bộ Liên minh châu Âu. Bà cũng sẽ rút lại một số các biện pháp thắt lưng buộc bụng ban hành để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và cân nhắc tăng chi tiêu công. Ngoài ra bà còn cổ súy việc yêu cầu mỗi người làm thêm 12 phút/ngày để tăng năng suất lao động của đất nước.

Tường Linh


Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›