(Thethaovanhoa.vn) - Sáng sớm 16/9, lúc gió bắt đầu lặng là người dân Hà Tĩnh bắt tay vào khẩn trương dọn dẹp và khắc phục hậu quả do bão số 10 để lại.
- Bão số 10 làm 4 người chết, 8 người bị thương
- Sau bão số 10, Hà Nội có mưa rào và dông, gió giật mạnh
- VIDEO: Mưa lớn gió giật ở tâm bão số 10
Trở về sau một ngày sơ tán tránh bão, anh Nguyễn Tiến Huỳnh, chủ nhà hàng Sóng Biển (Khu du lịch Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chia sẻ: "Không riêng hộ tôi mà 60 hộ kinh doanh ở đây đều bị bão đánh sập mái tôn, hàng quá. Hư hỏng về cơ sở vật chất đã đành, mất điện liên tục hai ngày qua còn làm cho hàng chục triệu tiền hàng thủy sản cấp đông bị ươn, hỏng".
Dù đã được chính quyền và qua hệ thống truyền thông cho biết về mức độ ảnh hưởng của cơn bão lần này nhưng bão số 10 vẫn để lại nhiều hậu quả không lường trước được. Tại Khu du lịch Thiên Cầm, sáng sớm 16/9 có hơn 60 cửa hàng kinh doanh hải sản, 13 khách sạn đều bị tốc mái, bàn ghế bị cuốn trôi, hư hỏng. Anh Nguyễn Hữu Thăng, Giám đốc Khách sạn du lịch công đoàn Thiên Cầm cho biết: Hoạt động du lịch ở đây vừa bắt đầu khởi sắc trở lại sau sự cố môi trường biển thì bão số 10 đã cuốn trôi hết mọi thứ. Ước tính thiệt hại ban đầu do bão gây ra lên đến 1,5 tỷ đồng.
Tại thị xã Kỳ Anh – trung tâm bão số 10 ngổn ngang với hàng loạt những công trình, nhà dân bị sập hỏng, tốc mái; hệ thống cột điện, cây xanh gãy đổ.
Sau nhiều giờ bão tan, xà gồ, mái, đường điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy tại đình chính Trung tâm thương mại thị xã Kỳ Anh bị bão cuốn bay vẫn chưa khắc phục được. Hệ thống mái che, rèm che của các ki-ốt và hệ thống cửa cuốn bao quanh bên ngoài đình cũng hư hỏng nặng... Theo thống kê của Ban quản lý Trung tâm thương mại thị xã Kỳ Anh, thiệt hại về cơ sở vật chất, hạ tầng ước tính gần 10 tỷ đồng.
Không chỉ làm hư hỏng hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng của Trung tâm thương mại thị xã Kỳ Anh, bão số 10 còn nhấn chìm toàn bộ hàng hóa của 500 tiểu thương kinh doanh tại đây, trong đó có nhiều mặt hàng như: điện tử, hàng tạp hóa, thuốc bắc, mỹ phẩm... không thể khôi phục sử dụng. Chị Nguyễn Thị Anh, chủ quầy vải 171 đang bê những kiện vải không bị lem màu ra phơi, mồ hôi nhễ nhại cho biết: "Tôi kinh doanh hàng vải ở Kỳ Anh vài chục năm nay nhưng chưa cơn bão nào gây nhiều thiệt hại như bão số 10. Toàn bộ số vải của nhà tôi chìm trong nước. Những kiện vải trắng thì đã bị lem màu, giờ tôi chỉ cố vớt vát số vải màu còn lại".
Trong đình chính, các chủ ki-ốt quần áo như: Châu Phượng, Mai Chinh… đều đang soạn sửa phân loại hàng, lau dọn quầy hàng. Chị Nguyễn Thị Phượng, chủ ki-ốt 100 cho biết: "Số hàng quần áo bị ướt này giờ coi như bỏ đi vì sau một đêm sẽ bị mốc hỏng. Chúng tôi đang phân loại cái nào dùng được thì mang ra phơi, sau này chắc cũng chỉ bán được với giá thanh lý. Mấy trăm triệu tiền hàng của nhà tôi coi như bay theo bão".
Mất mát nặng nề nhất sau bão số 10 phải kể đến những hộ nuôi trồng thủy sản. Tại Hà Tĩnh, trên 3.100 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có hơn 2.000 ha nước ngọt và 1.100 ha mặn, lợ (800ha tôm và 300ha nhuyễn thể) bị ngập, hư hại hoàn toàn. Công ty Grobet có khoảng 60 tấn tôm ở xã Kỳ Phương chưa thu hoạch kịp đã bị thiệt hại nặng.
Thống kê bước đầu cho thấy, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 69.112 nhà dân bị đổ, tốc mái; trong đó, các địa phương có số nhà bị thiệt hại nhiều nhất là thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà... Mưa bão còn làm ngập 29 thôn với 4.699 hộ dân của 4 huyện vùng ven biển, cửa sông, trong đó tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên bị ngập toàn xã với 2.400 hộ có nơi ngập sâu từ 0,6 - 0,7 mét.
Bão số 10 cũng khiến nhiều trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, đơn vị bị tốc mái. Hệ thống điện thắp sáng toàn tỉnh Hà Tĩnh bị tê liệt, có nơi chưa thể khắc phục được; hàng ngàn cột điện hạ thế, đường điện thắp sáng bị đổ gãy. Riêng tại thị xã Kỳ Anh, cột ăng-ten Đài Phát thanh - Tuyền hình và cột phát sóng Viettel bị đổ sập dẫn đến mất liên lạc nhiều giờ.
TTXVN/Hoàng Ngà
Tags