(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 23/7, theo tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng chấm thẩm định bài thi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình đã hoàn thành công tác chấm thẩm định. Kết quả 100% bài thi chấm thẩm định trùng khớp với kết quả chấm thi, không thay đổi điểm so với kết quả do Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã công bố ngày 11/7.
Hội đồng chấm thẩm định đã rút toàn bộ phiếu trả lời trắc nghiệm gốc các bài thi đạt từ 8,0 điểm trở lên đối với các môn thi trắc nghiệm để tổ chức chấm thẩm định.
Qua rà soát cho thấy, Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã thực hiện theo quy trình chấm thi của quy chế và hướng dẫn chấm thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có đủ các thành phần quy định: Ban Chấm thi, Ban Thư ký, các Tổ chấm thi, công an; công tác thanh tra, giám sát chấm thi thực hiện theo quy định. Các phiếu trả lời trắc nghiệm gốc trong túi đựng bài thi, file ảnh gốc phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh trên máy tính bảo đảm đúng quy định. Các bài thi của học sinh đều đủ chữ ký của thí sinh và cán bộ coi thi.
Tuy nhiên, Hội đồng chấm thẩm định cũng chỉ ra việc lập một số biên bản trong khi thực hiện các bước chấm thi trắc nghiệm còn sơ sài, Hội đồng cũng đã kiến nghị đối với Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình rút kinh nghiệm trong việc lập biên bản khi thực hiện các bước của quá trình chấm thi trắc nghiệm. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các công việc của kỳ thi theo Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT và được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 04/2018/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình tham mưu cho Ban Chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 của tỉnh triển khai thực hiện việc rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 theo Công văn số 3060/BGDĐT-QLCL ngày 20/7; công bố kết quả chấm thẩm định các bài thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 của Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình.
Khởi tố, bắt tạm giam Trưởng Phòng Khảo thí Sở GD&ĐT Hà Giang
Chiều 23/7, Đại tá Lê Văn Canh, Trưởng Phòng Tham mưu - Người phát ngôn Công an tỉnh Hà Giang cho biết: Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định khởi tố bị can số 06/QĐ-KTBC ngày 23/7/2018 và Lệnh bắt tạm giam số 05/LBBC ngày 23/7/2018 đối với Nguyễn Thanh Hoài, sinh ngày 19/1/1969 tại huyện Vị Xuyên, hiện thường trú tại phường Minh Khai, thành phố Hà Giang về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", với thời gian 3 tháng theo Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Theo kết quả điều tra xác minh ban đầu của Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang, Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng là người đã đưa chìa khóa nơi lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm cho Vũ Trọng Lương trái với quy chế thi Trung học Phổ thông quốc gia.
Trước đó ngày 19/7, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự để điều tra, làm rõ theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, ngày 20/7, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Vũ Trọng Lương, sinh ngày 24/10/1978 tại thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, hiện thường trú tại phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang (Phó Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", với thời gian 3 tháng.
Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh. Vũ Trọng Lương được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang phân công sử dụng máy tính để quét bài thi trắc nghiệm. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án, Lương đã tải đáp án về và lưu trong máy. Quá trình điều tra, cơ quan Công an phát hiện trong máy điện thoại của Lương có nhiều tin nhắn được chuyển đến, lưu số báo danh thí sinh và mức điểm.
Với thời gian hơn 2 giờ (từ 12 giờ đến 14 giờ 38 phút ngày 27/6), Lương đã chuyển toàn bộ hòm bài thi trắc nghiệm và máy tính về Phòng khảo thí. Trong thời gian này, Vũ Trọng Lương đã mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở túi và sửa đáp án. Quy trình thực hiện mất khoảng 6 giây để sửa kết quả cho một bài thi.
Thống kê cho thấy, có 102 bài thi Toán đã chênh từ 0,1 đến 8 điểm; 85 bài thi Vật lý chênh từ 1 đến 7,75 điểm; 56 bài thi Hóa học chênh lệch từ 1 đến 8,75 điểm. Môn Sinh có 8 bài thi chênh từ 1 đến 4,25 điểm; môn Lịch sử và tiếng Anh lần lượt có 9 và 52 bài thi đã chênh lệch từ 1 đến đến 7,8 điểm. Kết quả cho thấy có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã chênh lệch từ hơn 1 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lệch hơn 20 điểm so với thí sinh chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh được tăng lên 26,8 điểm; thậm chí 29,95 điểm so với bài chấm thẩm định.
Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đang tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Sơn La mắc hàng loạt sai phạm
Trưa nay (23/7), tỉnh Sơn La tổ chức cuộc họp với sự phối hợp của tổ công tác Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La và các cơ quan của Bộ Công an cung cấp thông tin xung quanh những nghi vấn sai phạm trong quy chế thi, đặc biệt là ở khâu chấm thi THPT quốc gia tại tỉnh này.
20 phút sau quyết định hủy họp báo, UBND tỉnh Sơn La và đại diện Bộ GD-ĐT đã quyết định thông tin kết quả xác minh dấu hiệu bất thường về điểm thi. Thành phần tham dự bao gồm đại diện Bộ GD-ĐT, Bộ Công an, UBND tỉnh Sơn La, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, Công an tỉnh Sơn La.
Tại cuộc họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh đã thông tin, bằng các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ, Tổ công tác đã phát hiện những sai phạm quy chế thi tại Hội đồng thi Sở Giáo dục Sơn La.
Bằng các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ, Tổ công tác đã phát hiện những sai phạm Quy chế thi tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La: Có dấu hiệu sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi, chưa biết đem đi đâu và ai cho phép; Tổ chức quản lý khu vực chấm thi trắc nghiệm lỏng lẻo, không đúng quy định: Phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không có niêm phong; khoá phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không đúng quy định; các thùng đựng phiếu trả lời trắc nghiệm niêm phong không đúng quy định; Quy trình nghiệp vụ chấm thi trắc nghiệm không đúng quy định; Máy tính dùng chấm thi không được niêm phong; tại thời điểm kiểm tra, máy tính này đang được sử dụng bình thường tại phòng làm việc của chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La; Một số phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh có dấu hiệu bị sửa chữa; Việc bàn giao bài thi giữa các Điểm thi với Hội đồng thi Sở GD-ĐT, việc bảo quản bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi, việc bàn giao bài thi giữa Ban thư ký với Ban làm phách không đảm bảo quy định.
Qua xác minh ban đầu cho thấy những người liên quan đến các sai phạm Quy chế thi THPT Quốc gia gồm: Ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La, Ủy viên Ban Chỉ đạo thi, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm; bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Sơn La, Thư ký BCĐ, Ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm; bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Uỷ viên Tổ chấm thi trắc nghiệm; ông Đặng Hữu Thủy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, Ủy viên Tổ chấm trắc nghiệm; ông Lò Văn Huynh, Phó Trưởng phòng KTQLCLGD, Sở GD-ĐT Sơn La, UV Ban Chỉ đạo, Ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban Thư ký.
Kon Tum
Sau khi chủ động cung cấp thông tin phản hồi cho báo chí về điểm thi cao bất thường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum Nguyễn Phúc Phận tiếp tục có văn bản số 895, ngày 21/7 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng UBND tỉnh Kon Tum về việc trên và khẳng định không có bất thường tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Trước đó, sáng 20/7, một số thông tin cho rằng điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 cao bất thường tại Hội đồng thi tỉnh Kon Tum (do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum chủ trì).
Sau khi có thông tin, trên cơ sở rà soát, đối chiếu lại kết quả học tập cuối năm 12, kết quả bài thi thử và kết quả thi THPT Quốc gia năm 2018 của những thí sinh có điểm cao (tổng điểm 3 môn khối A và B trên 24 điểm), ngành Giáo dục và Đào tạo Kon Tum khẳng định kỳ thi đã được tổ chức nghiêm túc, khách quan, trung thực và đúng quy chế.
Theo đó, 15 thí sinh điểm cao (trên 24 điểm) ở khối B và 20 thí sinh ở khối A chủ yếu tập trung ở các trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (15 em), THPT Kon Tum (6 em), đây là 2 trường mũi nhọn cấp THPT tỉnh Kon Tum và các em này là những học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia trong quá trình học cấp THPT.
Không phát hiện bất thường ở Lâm Đồng
Chiều 22/7, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả chấm thẩm định điểm thi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 của tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, ngày 19/7, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an ra thông báo cho biết, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định khởi tố hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra, làm rõ liên quan đến vụ kết quả điểm thi bất thường tại Hội đồng thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 tỉnh Hà Giang.
Chiều 22/7, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả chấm thẩm định điểm thi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 của tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, đoàn công tác đã chấm thẩm định 1.485 bài thi trắc nghiệm (môn Toán 497 bài, Ngoại ngữ 483 bài, Khoa học tự nhiên 350 bài và Khoa học xã hội 155 bài thi). Kết quả tất cả các bài thi được chấm thẩm định có số điểm trùng khớp với điểm thi của Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng chấm và công bố.
Đoàn công tác cũng kiểm tra quy trình chấm bài thi môn Ngữ văn với 64 bài thi. Theo hồ sơ lưu trữ, quy trình chấm bài thi môn Ngữ văn được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 25, chấm bài thi tự luận của Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia.
Ông Phạm Sỹ Bỉnh, Phó chủ tịch Hội đồng chấm thẩm định, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) kết luận, sau khi chọn ngẫu nhiên hơn 1.000 bài thi để chấm thẩm định đã cho kết quả trùng khớp với số điểm đã chấm trước đó nên đoàn đã dừng việc chấm thẩm định, không chấm toàn bộ số bài thi ở Lâm Đồng.
Ngoài chấm thẩm định, đoàn công tác của Bộ cũng kiểm tra lại tất cả các khâu thực hiện trước, trong và sau kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia tại Lâm Đồng. Kết quả cho thấy tất cả các khâu được thực hiện theo đúng quy chế.
Quy trình chấm thẩm định phải làm giống như chấm lần đầu
Ngày 22/7, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện chủ trương của lãnh đạo Bộ trong việc đẩy nhanh tiến độ chấm thẩm định theo quy định của Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia, ngày 21/7, cả 3 Tổ chấm thẩm định đã triển khai chấm thẩm định tại các Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình, Lâm Đồng và Bến Tre.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Chấm thẩm định là một khâu bình thường của một kỳ thi. Cụ thể, trong một kì thi có việc chấm thi, chấm phúc khảo và chấm thẩm định. Thực tế, gần như năm nào, chúng ta cũng tổ chức chấm thẩm định, từ việc lựa chọn một số tỉnh để chấm thẩm định, trên cơ sở phân tích dữ liệu thi và dựa theo những tiêu chí nhất định. Có thể chấm toàn bộ các bài thi của một môn nào đấy, hoặc một số môn nào đấy, hoặc là chấm một số bài thi trong một số môn. Phạm vi chấm là do Hội đồng chấm thẩm định quyết định, trên cơ sở yêu cầu của thực tế.
Một điểm lưu ý nữa đó là, cách chấm thẩm định. Quy trình thực hiện chấm thẩm định cũng giống như lúc chấm thi bình thường. Với bài trắc nghiệm, quy trình hoàn toàn giống như là quy trình chấm thi bình thường. Đối với bài thi tự luận, phải chấm qua 2 vòng độc lập như chấm bình thường.
Riêng về sử dụng kết quả chấm thẩm định, trong Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia đã quy định: Hội đồng chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo có thẩm quyền quyết định cuối cùng về điểm chính thức của bài thi. Nghĩa là căn cứ thực tế kết quả chấm sẽ quyết định lấy điểm nào (điểm gốc hay điểm sau khi chấm thẩm định) là điểm chính thức của bài thi. Hội đồng chấm thẩm định sẽ dùng con dấu của Cục Quản lý chất lượng để thực hiện việc chấm thẩm định. Tất cả những vấn đề này đều quy định trong Điều 31 của Quy chế thi THPT quốc gia.
Như vậy, có thể nói chấm thẩm định là một khâu quan trọng của kỳ thi và mục đích của chấm thẩm định để Bộ có cơ sở đánh giá tổng thể về chất lượng của công tác chấm thi.
Cập nhật ngày 21/7
Tối nay (21/7) Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả rà soát điểm thi THPT quốc gia bất thường ở Lạng Sơn, trong cuộc trao đổi với báo chí về kết quả xác minh dấu hiệu bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2018 của tỉnh Lạng Sơn.
Theo ông Sái Công Hồng, Cục phó Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ GD-ĐT cho biết, Đoàn công tác đã rà soát 1.539 bài thi, chấm toàn bộ bài thi trắc nghiệm trường, 51 bài thi môn Ngữ văn, trong đó 35 bài thí sinh tự do. Kết quả chấm thẩm định là: Trong 51 bài không có bài nào tăng điểm; có 43/51 bài thi không thay đổi điểm (100% phần bài trắc nghiệm không thay đổi). 8 bài thi thay đổi điểm là ở phần tự luận giảm điểm, gồm 4 bài giảm 1.25; 3 bài giảm 1,5 điểm và 1 bài giảm 1,75 điểm. Trong đó, bài giảm 1,75 thực chất cũng chỉ giảm 1,25 điểm do chấm cộng điểm cơ học, cộng nhầm tăng của bài này 0,5 điểm.
Theo ông Hồng, Tổ công tác vẫn chưa phát hiện sai phạm trong công tác tổ chức thi của Lạng Sơn.
Đoàn công tác đề nghị hội đồng thi Lạng Sơn tiếp tục thực hiện các công việc của kỳ thi theo quy chế thi THPT Quốc gia đã ban hành. Làm rõ và kiểm điểm, rút kinh nghiệm, trách nhiệm của các cá nhân liên quan với bài môn ngữ Văn. Công bố kết quả chấm thẩm định bài thi môn ngữ Văn và toàn bộ bài thi trắc nghiệm đã chấm theo quyết định của Bộ GD-ĐT. Điểm cuối cùng của thí sinh là điểm do hội đồng chấm thẩm định ban hành. Ông Hồng cũng cho biết, dù mai là Chủ nhật nhưng cũng nên công bố cho các thí sinh để các thí sinh có lựa chọn.
Trước đó, Tổ công tác đã triệu tập các thành viên thường trực Ban chỉ đạo thi và toàn bộ cán bộ liên quan của tổ chấm thi trắc nghiệm, thanh giáo dục của Sở, PA83 của Lạng Sơn và thành viên cắm chốt của Bộ ở đây. Tổ công tác đã tập trung rà soát các quy trình coi thi, chấm thi, bao gồm cả tự luận và trắc nghiệm, đặc biệt rà soát kỹ quy trình coi thi, chấm thi tại điểm thi số 01 trường THPT chuyên Chu Văn An.
Sau 3 ngày làm việc, vẫn chưa có kết luận chính thức ở Sơn La
Cụ thể, trao đổi với báo chí sáng 21/7 tại Sơn La, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT - cho biết, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao trước xã hội, Bộ trưởng GD-ĐT đã thành lập tổ công tác tại Sơn La. Nhiệm vụ của tổ công tác là chỉ đạo giám sát các dấu hiệu bất thường về điểm thi tại tỉnh này.
“Sau một thời gian rà soát, đến nay, cơ quan chức năng của Bộ công an, Công an tỉnh Sơn La và tổ công tác đang tích cực làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để xác minh, làm rõ liên quan vấn đề này.
Khi nào có kết quả chính thức, chúng tôi sẽ kịp thời thông báo đến các cơ quan truyền thông", ông Trinh nói.
Tổ công tác đã cùng Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La làm việc tại Sơn La trong 3 ngày (từ tối 18/7-21/7) với tinh thần làm việc rất cao, có lúc đến gần 4 giờ sáng. Tổ công tác chia thành nhiều nhóm và tiến hành chấm thẩm định các bài thi.
Lạng Sơn: Đã rà soát xong môn Toán và Lịch sử
Ngày 20/7, Tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục công tác kiểm tra, xác minh làm rõ những dấu hiệu bất thường trong kết quả thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Lạng Sơn.
Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết: Tổ công tác tiếp tục rà soát toàn bộ chi tiết quy trình tổ chức thi. Để có kết luận chính xác và có cơ sở, Tổ công tác đề nghị chấm thẩm định một số bài thi tự luận môn Ngữ văn. Ngay khi có kết quả chính thức, Tổ công tác sẽ công bố trong thời gian sớm nhất.
Ông Sái Công Hồng cũng nêu rõ: Đến chiều 20/7 các thành viên tổ công tác đã tiến hành thẩm định, rà soát xong môn Toán và Lịch sử; Tổ công tác sẽ tiếp tục công việc vào đêm 20/7, sáng 21/7.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng rất quan tâm đến vụ việc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thi Trung học Phổ thông quốc gia 2018 tại tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến Thiệu cho biết: Địa phương tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Tổ công tác làm việc để có câu trả lời chính xác nhất. Tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kiểm tra tổng thể, toàn bộ quy trình chứ không riêng gì 35 thí sinh như dư luận quan tâm.
Ông Hồ Tiến Thiệu cũng khẳng định: Quá trình làm việc có sự giám sát chặt chẽ, kiểm tra của các ban, ngành chức năng. Tổ công tác có đầy đủ thành phần, có chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin làm việc bài bản, toàn diện, nên chúng ta hãy yên tâm, chờ đợi kết quả thẩm định. Tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chương trình làm việc riêng với tỉnh Lạng Sơn; đoàn sẽ thông báo kết quả với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan báo chí khi có kết quả thẩm định chính thức.
Hai cán bộ Đại học Tân Trào có trách nhiệm trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang?
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ thanh tra chấm thi THPT quốc gia năm 2018, tại Hà Giang, ông Khổng Chí Nguyện - Trưởng phòng Thanh tra, Pháp chế (Trường Đại học Tân Trào), Tổ trưởng Tổ thanh tra cắm chốt số 6 (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và ông Trần Quang Huy - Trưởng phòng Quản lý sinh viên (Trường đại học Tân trào), thành viên Tổ thanh tra cắm chốt số 6 đã không thực hiện nhiệm vụ thanh tra tại Hà Giang trong khi Ban chấm thi làm việc sáng 2/7/2018.
Liên quan đến việc hai cán bộ của Trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) thanh tra ủy quyền Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vắng mặt khi đang làm nhiệm vụ thanh tra công tác chấm thi tại Hà Giang, ngày 20/7, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào cho biết: Nhà trường đang xem xét và cân nhắc phương án xử lý theo đúng thẩm quyền và báo cáo về Thanh tra Bộ trước ngày 25/7/2018.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Đức, Trường Đại học Tân Trào rất lấy làm tiếc về việc 2 cán bộ nhà trường liên quan quan đến vụ gian lận điểm thi cho 114 thí sinh ở Hà Giang. Cả hai đều được đánh giá là cán bộ có chuyên môn và có trách nhiệm trong công việc, có uy tín với đồng nghiệp và sinh viên trong nhà trường.
Cụ thể, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ thanh tra chấm thi THPT quốc gia năm 2018, tại Hà Giang, ông Khổng Chí Nguyện - Trưởng phòng Thanh tra, Pháp chế (Trường Đại học Tân Trào), Tổ trưởng Tổ thanh tra cắm chốt số 6 (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và ông Trần Quang Huy - Trưởng phòng Quản lý sinh viên (Trường đại học Tân trào), thành viên Tổ thanh tra cắm chốt số 6 đã không thực hiện nhiệm vụ thanh tra tại Hà Giang trong khi Ban chấm thi làm việc sáng 2/7/2018.
Lý do hai cán bộ vắng mặt trong thời gian trên là được Trường Đại học Tân Trào triệu tập về dự 2 cuộc họp: “Lấy phiếu tín nhiệm nhân sự, bổ nhiệm lại chức vụ Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào” do Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Trường Đại học Tân Trào tổ chức và cuộc họp “Lấy phiếu tín nhiệm nhân sự để bổ nhiệm lại giữ chức vụ Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Trào” do Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban lãnh đạo Trường Đại học Tân Trào tổ chức vào sáng ngày 2/7/2018. Đây là những cuộc họp và có tác động đến chiến lược phát triển của Trường giai đoạn 2018-2023.
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bá Đức, đây là những cán bộ chủ chốt của nhà trường và có những ý kiến đóng góp chất lượng để cuộc họp thành công. Tuy nhiên, sơ xuất về mặt hành chính của 2 cán bộ là trước khi về trường chỉ thông báo với Đoàn Thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang và Ban chấm thi mà không báo cáo với Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hiện Trường Đại học Tân Trào đã yêu cần 2 cán bộ trên làm bản kiểm điểm kèm theo bản tường trình, trong đó nêu rõ những yếu tố chủ quan, khách quan và nhận thức của mình về vấn đề do mình vi phạm. Dự kiến Ban lãnh đạo Trường Đại học Tân Trào sẽ họp vào chiều ngày 21/7, để xem xét phương án xử lý theo đúng thẩm quyền và báo cáo về Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo về sai phạm của 2 cán bộ trên.
Làm việc xuyên đêm để xác minh kết quả thi cao bất thường tại Lạng Sơn và Sơn La
Hai Tổ công tác của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã có buổi làm việc kéo dài với tỉnh Lạng Sơn và Sơn La để kiểm tra, xác minh làm rõ những dấu hiệu bất thường trong kết quả thi THPT Quốc gia 2018 tại 2 tỉnh này.
Ngay sau khi đặt chân đến Lạng Sơn, Tổ công tác của Bộ GD-ĐT đã làm việc với Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh này và kiểm tra, xác minh làm rõ những dấu hiệu bất thường trong kết quả thi tại tỉnh. Buổi làm việc đầu tiên này đã kéo dài đến quá đêm và chỉ tạm nghỉ vào rạng sáng nay (20/7). Công việc của Tổ công tác với tỉnh Lạng Sơn sẽ được tiếp tục vào sáng nay.
Trong quá trình tổ công tác làm việc, toàn bộ tòa nhà Sở GD-ĐT Lạng Sơn luôn được các lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt, không cho bất cứ người nào ra, vào khu vực này.
Còn tại tỉnh Sơn La, Tổ công tác của Bộ GD-ĐT cũng đã làm việc với Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh này. Theo nguồn tin của báo Tin tức, Tổ công tác đã làm việc đến gần 4 giờ sáng. Trong thời gian này, Tổ công tác chia thành nhiều nhóm và tiến hành chấm thẩm định các bài thi.
Theo kế hoạch, chậm nhất ngày 20/7, Sở GD-ĐT Lạng Sơn sẽ phải hoàn thành quá trình rà soát đó để báo cáo Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 của tỉnh.
Đại diện Tổ công tác của Bộ cho biết, Tổ công tác đặc biệt này vẫn đang trong quá trình rà soát các quy trình tổ chức thi và chấm thi. Các cán bộ trong Tổ sẽ cố gắng hết sức hoàn thành công tác rà soát nhanh nhất có thể nhằm sớm công bố kết quả xác minh, tạo sự yên tâm cho dư luận và các em học sinh.
Khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”
Theo thông báo, ngày 11/7/2018, kết quả điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 được công bố chính thức. Qua thông tin phản ánh nghi ngờ về điểm thi có bất thường tại Hà Giang, ngày 13/7/2018, Ban Chỉ đạo thi Trung học phổ thông Quốc gia đã ban hành Quyết định số 2593/QĐ-BGD&ĐT về việc thành lập tổ công tác của Ban Chỉ đạo thi Trung học phổ thông Quốc gia.
Kết quả kiểm tra, rà soát, chấm thẩm định cho thấy có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi, có tổng điểm công bố chênh lệch hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, được sự hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng cục An ninh – Bộ Công an, ngày 19/7/2018, căn cứ Điều 36, Điều 143, Khoản 1 Điều 153, Điều 154 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định số 02/QĐKTVA khởi tố hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự để điều tra, làm rõ theo đúng quy định của pháp luật.
Sơn La sẽ chấm lại các bài thi trong đêm 19/7
Chiều nay (19/7), Tổ công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) do ông Mai Văn Trinh, Cục Trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) làm trưởng đoàn, đã làm việc với Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La để xác minh những bất thường liên quan đến điểm thi THPT Quốc gia 2018 của tỉnh này.
Theo kế hoạch, ngay trong đêm 19/7, Tổ công tác sẽ tiến hành chấm lại các bài thi để có thể công bố kết quả chấm thẩm định trong ngày 20/7. Các giáo viên chấm thi đã được triệu tập đến để phục vụ công tác kiểm tra, xác minh ngay trong chiều nay. Kết quả kiểm tra, xác minh sẽ được tổ công tác công bố trong thời gian sớm nhất.
Sơn La
Liên quan đến vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã có thông tin ban đầu đến công luận. Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018, tại Sơn La có hai thí sinh có số điểm cao, đứng đầu cả nước là Trần Ngọc Diệp và Ngô Lương Bảo Ngọc. Theo thống kê, Trần Ngọc Diệp có điểm thi là Toán: 9,6; Ngữ văn: 9,0; Lịch sử: 10; Địa lí: 8,25; Tiếng Anh: 10. Điểm trung bình là 9,37. Còn thí sinh Ngô Lương Bảo Ngọc có điểm thi 6 môn là : Toán: 9,8; Ngữ văn: 8,75; Lịch sử: 7,5; Địa lí: 8,25; Giáo dục công dân: 8,0; Tiếng Anh: 9,8. Điểm trung bình là 8,68. Trong khi đó, điểm thi thử của các thí sinh này tại trường phổ thông chỉ ở mức trung bình.
Theo ông Phạm Đăng Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, nếu chỉ so sánh điểm thi thử thấp so với điểm thi trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia cao mà cho là bất thường thì chưa thực sự toàn diện. Vì muốn xem xét vấn đề cần đặt trong hoàn cảnh cụ thể. Ở đây, kết quả thi thử của các em thấp do kỳ thi thử ở trường tổ chức vào tháng 3, cách kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hơn 3 tháng. Lúc đó, các thí sinh chưa tích lũy đủ kiến thức, kỹ năng để làm bài thi trắc nghiệm. Bên cạnh đó, do là thi thử nên tâm thế, ý thức của các em chưa cao.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Phạm Đăng Quang cũng cho rằng, dư luận hiện đang quan tâm đến điểm thi thử của các em, nhưng lại không chú ý đến kết quả học tập tại trường của các em. Cụ thể, em Trần Ngọc Diệp có điểm tổng kết cuối năm lớp 12 ở môn Toán là 8,8; Ngữ văn: 7,6; Lịch sử 7,8; Tiếng Anh: 8,2; điểm trung bình chung là 8,8. Em Ngô Lương Bảo Ngọc có điểm Toán là 7,4; Ngữ văn: 7,6; Lịch sử: 8; Tiếng Anh: 8,3. “Sau khi tổng kết xong các em còn rất nhiều thời gian ôn luyện các môn thi đại học, nên hoàn toàn có thể đạt được mục đích của mình. Chính vì thế mới có sự chênh lệch giữa thi thử và thi thật. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết thêm.
Sau khi có thông tin từ dư luận, ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La tuy chưa kiểm tra lại bài thi của các em, nhưng đã làm việc với nhà trường về lực học, ý thức học tập của các em. Các thầy cô giáo ở trường Trung học phổ thông chuyên Sơn La khẳng định các em hoàn toàn có thể đạt được những điểm số như vậy.
Theo phổ điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2018 tỉnh Sơn La có hơn 10.250 thí sinh dự thi môn Toán, trong đó 30 em đạt điểm từ 9 trở lên. Tỉ lệ thí sinh Sơn La đạt điểm từ 9 trở lên với môn Toán và Vật lý cao hơn trung bình chung. Trước ý kiến dư luận nêu về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Phạm Đăng Quang cho biết không thuộc thẩm quyền nên chưa thể trả lời.
Về sự nghiêm túc của kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 tại Sơn La, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Phạm Đăng Quang cho biết thêm, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La chỉ đạo rất chặt, khâu coi thi chặt hơn năm ngoái và có một số điểm mới. Đó là năm ngoái Sơn La chỉ có 9 đoàn thanh tra lưu động, nhưng năm nay ngoài thanh tra lưu động mỗi điểm thi còn có hai thanh tra cắm chốt. Đồng thời, quá trình niêm phong túi đựng bài thi phải bằng giấy mỏng, tất cả các cán bộ coi thi phải đăng ký chữ ký, nếu có nghi vấn thì so sánh với bản đăng ký.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cũng cho rằng, sự việc xảy ra ở Hà Giang là bài học chung của cả nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc quản lý phần mềm thi trắc nghiệm. Để không có những sai phạm này nữa thì phần mềm quản lý thi cần chặt chẽ hơn. Trong quá trình xây dựng quy chế cần bổ sung nội dung trước khi mở bài thi trắc nghiệm, có đối chiếu chữ ký của người niêm phong với chữ ký mẫu, để không có hiện tượng tiêu cực xảy ra.
Năm 2018, tỉnh Sơn La có hơn 10.000 thí sinh tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Qua thống kê dữ liệu điểm thi Trung học phổ thông quốc gia 2018, tỉnh Sơn La có điểm trung bình tất cả môn thi là 4,21, thấp nhất cả nước.
Lạng Sơn rà soát những thí sinh có điểm thi cao bất thường:
Trước những thông tin về điểm thi THPT quốc gia năm 2018 của một số học sinh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cao bất thường; ngày 18/7, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát quy trình coi chấm thi về những trường hợp này.
Trả lời phỏng vấn TTXVN, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 của tỉnh cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin , sáng 18/7 tôi đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát quy trình, thủ tục kỳ thi, xem có chỗ nào sai sót hoặc chưa đúng để kịp thời có những chỉ đạo tiếp theo.
Ông Hồ Tiến Thiệu còn cho biết: Theo phản ánh có hơn 30 trường hợp có điểm thi cao hơn so với mặt bằng chung, tôi chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương và nghiêm túc tập chung vào hơn 30 trường hợp này để đối chiếu, xem lại việc chấm các bài thi đã đúng với quy định chưa. Nếu phát hiện ra các sai phạm, tỉnh sẽ cương quyết xử lý nghiêm túc, theo đúng quy định và sẽ sớm cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan báo chí, truyền thông.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 của tỉnh trả lời phỏng vấn về kỳ thi
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cũng khẳng định: Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tổ chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có hơn 9.000 thí sinh tham gia dự thi tại 18 điểm thi, không có trường hợp nào vi phạm nội quy, quy chế thi; tỷ lệ tốt nghiệp đạt 97,75%; so với toàn quốc Lạng Sơn đứng thứ 43.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền bảng danh sách 35 thí sinh có điểm thi từ 24 - 28 điểm, cao bất thường được cho là là bảng điểm thi của tỉnh Lạng Sơn.
Hà Giang
Thông báo số 567/TB-SGDĐT về việc Thông báo kết quả Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của Hội đồng thi Sở GDĐT Hà Giang sau khi chấm thẩm định.
Thảo Nhi (Theo TTXVN, Vnews, Báo Hà Giang, Cổng thông tin Bộ GD&ĐT)
Tags