(Thethaovanhoa.vn) - Quần thể Di tích Cố đô Huế vốn được UNESCO công nhận di sản văn hóa của nhân loại. Thời gian qua, mặc dù đã được tập trung đầu tư bảo tồn, tu bổ, phục hồi đồng bộ nhưng đến nay vẫn còn nhiều công trình, hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, việc có hàng ngàn hộ dân sinh sống trên di tích đã ảnh hưởng đến mỹ quan, đô thị, sự xuống cấp của di tích, cũng như chịu sự chi phối rất lớn đến việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích Cố đô Huế.
- Đầu tư 123 tỷ đồng tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Kiến Trung thuộc di tích Cố đô Huế
- Miễn phí tham quan di tích Cố đô Huế trong ngày 26/3
- Miễn vé tham quan Di tích Cố đô Huế dịp Tết Nguyên đán 2018
Phóng viên TTXVN đã có dịp phỏng vấn ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế về vấn đề này.
* Xin ông khái quát hiện trạng di tích, nhất là các hộ sống "treo" trên di tích?
- Ông Lê Trường Lưu: Do lịch sử để lại, hiện có khoảng 4.200 hộ dân đang sinh sống trên khu vực di tích Kinh thành Huế cần phải di dời. Hầu hết các hộ dân sống ở đây đều thuộc diện di dời, giải tỏa nhưng đều là các hộ nghèo đang sống trong những ngôi nhà dột nát, xuống cấp, môi trường không đảm bảo. Nhiều gia đình có đến hai, ba thế hệ sống chung trong những căn nhà chật chội, cũ nát.
Hầu hết các hộ dân sinh sống trong khu vực 1 di tích không có giấy tờ hợp lệ về sử dụng đất, xây dựng nhà trên công trình di tích và làm nhà chồ trên mặt nước nên không được bồi thường về đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Mặt khác, phần lớn các hộ dân di dân do chiến tranh từ vùng ven vào thành phố (giai đoạn 1945 – 1975) nên cuộc sống của các hộ dân thuộc khu vực này đều thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, đời sống khó khăn, lao động phổ thông nên cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt để tạo điều kiện xây dựng nhà tái định cư, nộp tiền sử dụng đất và ổn định cuộc sống.
Quá trình di dân trong thời gian chiến tranh (1945-1975), cùng với quá trình đô thị hóa, sự gia tăng dân số hàng năm tạo áp lực lớn lên vùng bảo vệ di tích, trong đó khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế đang có khoảng 4.201 hộ dân sinh sống. Do sống trong khu vực 1 di tích không được nâng cấp, tu sửa công trình, cùng với diện tích chật hẹp, địa hình dốc hẹp, đi lại khó khăn, người dân trong khu vực nghèo khó sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp, các điều kiện về vệ sinh, môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhân dân và mỹ quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng di tích. Cùng với việc có rất đông dân cư sinh sống trên các di tích, hệ lụy kéo theo là đã thải nhiều chất thải sinh hoạt làm mất vệ sinh và làm cho di tích nhanh chống xuống cấp.
Từ khi được công nhận di sản văn hóa thế năm 1993, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường công tác quản lý di tích, quản lý chặt chẽ sử dụng đất, xây dựng và chống viêc gia tăng dân số cơ học vào vùng di tích lịch sử. Trong giai đoạn 1996 - 2018, đã từng bước thực hiện di dời 1.050 hộ dân tại các khu vực: hai bên bờ sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, Lầu Tàng Thơ và Thượng thành, Eo bầu phía Nam kinh thành... Tuy nhiên, sự gia tăng dân số tự nhiên tạo áp lực lớn lên vùng bảo vệ di tích và hiện nay trong khu vực 1 của các di tích Kinh thành Huế hiện đang có khoảng 4.201 hộ dân sinh sống.
Ngày 25/05/2009, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 48-KL/TW khẳng định: "Phục hồi, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản Cố đô Huế là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thừa Thiên Huế và của cả nước". Ngày 07/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 818/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020 xác định mục tiêu: "Bảo tồn di sản văn hóa Cố đô Huế, phát huy các giá trị quý giá của di sản văn hóa Cố đô Huế, bao gồm di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên trong việc giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân".
* Vậy thời gian qua, địa phương có những biện pháp gì để giảm thiểu sự xuống cấp của di tích?
- Nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa do tiền nhân để lại; tỉnh xác định mục tiêu trước hết là ổn định cuộc sống của người dân sống trong khu vực 1 di tích; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; ổn định và nâng cao đời sống người dân; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế; việc tập trung di dời giải tỏa các hộ dân khu vực 1 khoanh vùng bảo vệ các di tích Kinh Thành Huế là vô cùng cấp thiết.
Năm 2011, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Quyết định số 1918/QĐ-UBND để thực hiện Dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế. Theo đó, UBND tỉnh giao Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế thực hiện hợp phần tôn tạo, tu bổ di tích; UBND thành phố Huế thực hiện hợp phần đền bù, giải tỏa mặt bằng. Mục tiêu của dự án là giải tỏa và tái định cư cho toàn bộ cư dân trong khu vực Thượng thành, Eo Bầu thuộc Kinh thành, sớm ổn định cuộc sống cho người dân và chấm dứt tình trạng lộn xộn, xâm hại di tích, đồng thời từng bước chỉnh trang, hoàn nguyên di tích và cải thiện cảnh quan chung của đô thị Huế.
Trong thời gian qua, ý thức được điều đó, mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tập trung nguồn lực địa phương cho công tác này thông qua việc phê duyệt và triển khai dự án đầu tư "Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế" tại Quyết định số 1918/QĐ-UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 14/9/2011 và Quyết định điều chỉnh dự án số 2568/QĐ-UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 16/10/2016. Đến nay, tỉnh đã tổ chức di dời, ổn định cuộc sống cho 166 hộ dân (79 hộ chính, 87 hộ phụ). Di tích Thượng thành Huế đã được chỉnh trang đoạn từ cổng Thượng Tứ đến Quan Tượng Đài và các Eo bầu Nam Xương, Nam Thắng, Nam Hưng, Nam Minh với tổng giá trị thực hiện 186 tỷ đồng (trong đó, vốn giải phóng mặt bằng 123,5 tỷ đồng, chỉnh trang 62,5 tỷ đồng).
Tuy nhiên, do nguồn lực địa phương còn hạn chế, việc hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng liên quan đến chính sách, quy định của pháp luật qua nhiều thời kỳ khác nhau nên việc thực hiện dự án còn gặp rất nhiều khó khăn. Để tiếp tục thực hiện dự án, cần thiết có sự hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương cũng như cần có những chính sách, cơ chế đặc thù. Tại Thông báo số 26/TB-VPCP ngày 17/01/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế ghi rõ: "Về giải tỏa khu vực 1 di tích Huế: Di sản cố đô Huế là tài sản quý giá của quốc gia, việc bảo tồn và gìn giữ là trách nhiệm chung của cả nước. Tỉnh đề xuất cơ chế đặc thù về di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân trong phạm vi khu vực 1 di tích Huế. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí phù hợp". UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng "Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế", báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế thông qua trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
* Cụ thể, đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thực hiện đến nay thế nào rồi, thưa ông?
- Như đã đền cập ở trên, việc khoanh vùng đưa dân ra khỏi khu vực 1 bảo vệ các di tích Kinh Thành Huế là vô cùng cấp thiết. Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng "Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế" nhằm chống xuống cấp và bảo tồn di tích. Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ tổng mức đầu tư 2.735 tỷ đồng để di dời dân, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1, di dời phạm vi di tích Kinh thành Huế gồm tường thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ (2.938 hộ) trong năm 2019-2021. Giai đoạn 2 từ 2022-2025, di dời các di tích Hồ Tịnh Tâm và Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám và Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài (1.263hộ) trong năm 2022-2025.
Ở trong các giai đoạn này, tỉnh Thừa Thiên - Huế dự kiến dành quỹ đất 73 ha, thực hiện 3 dự án di dân tái định cư: Dự án 1, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Hương Sơ phục vụ tái định cư khu vực 1 di tích Kinh thành Huế giai đoạn 1, với diện tích khoảng 4,9ha; dự án 2, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Hương Sơ phục vụ tái định cư khu vực 1 di tích Kinh thành Huế giai đoạn 2, với diện tích 4,9ha; dự án 3, đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Hương Sơ phục vụ tái định cư khu vực 1 di tích Kinh thành Huế giai đoạn 3 với quy mô 63,2 ha.
Ngoài hỗ trợ vốn đầu tư, tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Cho phép địa phương được áp dụng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đặc thù; thu hồi và chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp đối với phần diện tích 73 ha thu hồi để xây dựng khu tái định cư...
Hầu hết các hộ dân sống ở khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đều có nhu cầu di dời đến nơi ở mới, vừa có điều kiện tốt hơn và bảo vệ được di tích khỏi xuống cấp. Tuy nhiên, lâu nay rất nhiều hộ có mức sống rất thấp, khó có đủ khả năng làm nhà mới. Các hộ dân đều mong muốn sớm được Nhà nước quan tâm, có những chính sách hỗ trợ thích hợp để sớm ổn định cuộc sống, yên tâm sinh sống mỗi khi mùa mưa bão đến, có điều kiện để con em học tập.
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.
Quốc Việt (Thực hiện)
Tags