Cần dẹp loạn quảng cáo sai chất lượng thực phẩm, dược phẩm trên internet

Thứ Ba, 19/12/2017 14:27 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo Thanh tra Bộ lập tổ phản ứng nhanh để kiểm tra, giám sát các sai phạm trong quảng cáo thực phẩm, dược phẩm.

Xử nghiêm các sai phạm

Thời gian qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng internet xuất hiện nhiều vi phạm trong hoạt động quảng cáo các sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành y tế, đặc biệt là thực phẩm, dược phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, Bộ sẽ tăng cường chấn chỉnh hoạt động quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế.

Cụ thể, các sai phạm Bộ Y tế sẽ tập trung xử lý như quảng cáo lẫn vào nội dung tin, sai lệch, không đúng chất lượng sản phẩm hàng hóa, thổi phồng công dụng của thực phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng…, gây tổn thất và thiệt hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, một số hoạt động quảng cáo có sai phạm nhưng chưa được kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chú thích ảnh
Cơ quan chức năng tỉnh Nam Định kiểm tra cơ sở buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của tình trạng trên là do sự phối hợp giữa các ngành trong quản lý còn chưa chặt chẽ, ý thức chấp hành luật về quảng cáo chưa nghiêm, công tác thanh kiểm tra trong lĩnh vực này gặp khó khăn, chưa bắt kịp các loại hình quảng cáo, quảng cáo xuyên quốc gia…

Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế và Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành tổ chức triển khai nghiêm túc, quyết liệt về lĩnh vực quảng cáo, tăng cường tổ chức thanh kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm, nhất là trên báo chí, trên hệ thống mạng, quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin…

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ Y tế thiết lập tổ phản ứng nhanh về kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc trách nhiệm quản lý của ngành.

Các cơ quan chuyên môn gồm Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý dược, Sở Y tế các tỉnh/ thành phố, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh/ thành phố… cần thực hiện nghiêm các quy định về cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; đồng thời phải phối hợp tích cực với Bộ, ngành, hiệp hội liên quan rà soát và dẹp “loạn” quảng cáo trên mọi “mặt trận” thông tin như hiện nay.

Tăng cường hậu kiểm với các sản phẩm đặc biệt

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 38 do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo đang được hoàn thiện những khâu đoạn cuối cùng để trình Chính phủ ban hành, trong đó sẽ có sự thay đổi lớn trong quy định về quảng cáo thực phẩm.

Cụ thể, nếu như hiện nay, tất cả các thực phẩm đều phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo thì sau khi dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 38 có hiệu lực, sẽ chỉ còn 2 nhóm thực phẩm phải thực hiện thủ tục hành chính này trước khi quảng cáo, gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thực phẩm dinh dưỡng y học. Các sản phẩm còn lại, doanh nghiệp được tự quảng cáo mà không cần phải có xác nhận của cơ quan quản lý trước khi quảng cáo.

Chính vì vậy, để bảo đảm quản lý tốt công tác quản lý hoạt động quảng cáo về thực phẩm thời gian tới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, việc tăng cường hậu kiểm có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là năng lực nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác này phải được nâng cao.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị chức năng phải lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quảng cáo trong lĩnh vực phụ trách; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các công chức, viên chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực quảng cáo thuộc phạm vi phụ trách.

Đồng thời, phải chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin về cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo và trao đổi thông tin về tình hình quảng cáo sản phẩm…

Điều tra vụ 142 học sinh tiểu học nghi bị ngộ độc thực phẩm

Điều tra vụ 142 học sinh tiểu học nghi bị ngộ độc thực phẩm

Ngày 12/12, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này đang tiến hành điều tra nguyên nhân khiến 142 học sinh Trường Tiểu học An Phú, phường An Phú, Quận 2 bị sốt, đau bụng, tiêu chảy nghi do ngộ độc thực phẩm.

Hiền Minh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›