(thethaovanhoa.vn) -Đặt bên cạnh những vịnh Hạ Long, đảo Vân Đồn hay quần thể di tích Yên Tử vốn quá nổi tiếng, huyện Bình Liêu của Quảng Ninh có vẻ ít được biết đến bởi tiềm năng du lịch của mình. Nhưng, đó đã là câu chuyện của quá khứ.
Trong vài năm qua, lượng khách du lịch đổ về Bình Liêu khá đông và cho thấy: đặc thù địa lý của huyện miền núi này lại tạo cho Quảng Ninh một ưu thế riêng về du lịch sinh thái, bên cạnh thương hiệu đã có về du lịch biển.
- Quảng Ninh sẽ tổ chức Liên hoan Xiếc thế giới - Hạ Long 2019
- Độc đáo vở chèo về người anh hùng dân tộc đất Quảng Ninh
- Xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh thông minh hàng đầu cả nước và khu vực
Độc đáo Bình Liêu
Gồm thị trấn Bình Liêu và 7 xã, huyện Bình Liệu nằm giáp với Trung Quốc và các huyện Hải Hà, Tiên Yên và Đầm Hà của Quảng Ninh. Huyện có cấu trúc địa hình đa dạng của miền núi cao thuộc cánh cung bình phong Đông Triều – Móng Cái; có một số đỉnh núi cao trên 1.000m so với mực nước biển như đỉnh Cao Ba Lanh (cao 1.113m), đỉnh Cao Xiêm (cao 1.330m).
Với đặc thù địa lý ấy, Bình Liêu có khí hậu mát mẻ, trong lành, địa hình, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đồng thời sở hữu cửa khẩu Hoành Mô giao thông với Trung Quốc. Về văn hóa, tại đây có các nguồn di sản phi vật thể phong phú từ nghệ thuật diễn xướng Then của dân tộc Tày, Hội Sóong Cọ của người Sán Chỉ, Lễ hội Đình Lục Nà… thuận lợi cho phục vụ du lịch.Ở góc độ điểm đến, Bình Liêu có những cánh đồng bậc thang, các khu rừng rừng hồi, quế, hoa sở hay các cảnh “đệ nhất hùng thác” Khe Vằn (xã Húc Động), bãi “đá thần” ở Cao Ba Lanh…
Với vẻ đẹp đặc biệt ấy, không có gì lạ khi trong những năm gần đây, Bình Liêu luôn là điểm đến của đông đảo bạn trẻ yêu thích khám phá. Và trong trào lưu du lịch bụi, như những lời chia sẻ, Bình Liêu là điểm đến để họ tìm về khắp 4 mùa.
Điển hình, vào mùa thu, Bình Liêu phủ lên mình một vẻ đẹp lãng mạn với những vạt hoa lau trắng bung nở khắp những triền núi, sườn đồi, trải khắp cung đường tuần tra biên giới.Vẻ hoang sơ, phong cảnh núi non trùng điệp hữu tình, cỏ lau lay nhẹ trong gió giữa triền đồi xanh tạo nên khung cảnh đẹp nên thơ. Đặc biệt,con đường tuần tra biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đắm mình vào “thiên đường” cỏ lau, “thiên đường” cột mốc với các cột mốc 1305, 1327, 1300, 1302, 1316, 1317. Những cột mốc này nằm rải rác trên cung đường tuần tra biên giới có độ cao hơn 700m so với mặt nước biển, uốn lượn trên những đồi cỏ lau. Trong số ấy phải kể đến con đường lên cột mốc 1305 nằm vắt ngang giữa các đỉnh núi thường được gọi là “sống khủng long”
Vào mùa hè, hoa trẩu lùn đua nhau khoe sắc, trắng bạt ngàn cả một góc trời. Du khách có thể thể thỏa thích săn mây tại những con đường dẫn đến đỉnh Cao Ly, đỉnh Quảng Nam Châu, Cao Xiêm – trong đó núi Cao Xiêm có độ cao 1.429m, thuộc xã Lục Hồn, được mệnh danh là “Nóc nhà của Quảng Ninh”. Với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và thơ mộng.Vào mùa đông cuối năm, du khách có thể tới Bình Liêu để ngắm rừng hoa sở bạt ngàn với màu trắng tinh khôi.
Chờ đợi tiềm năng từ du lịch cộng đồng
Để hiện thực hoá, biến những tiềm năng thành các điểm đến hấp dẫn, những năm qua huyện Bình Liêu đã lần lượt làm việc với nhiều công ty lữ hành du lịch để khảo sát, xây dựng tour tuyến đưa du khách tới tham quan. Hầu hết các doanh nghiệp đều đánh giá cao tiềm năng của Bình Liêu.
Tuy nhiên,theo đánh giá, để tạo được dấu ấn riêng và thu hút được đông đảo du khách tại một địa phương có 96 % dân số là dân tộc thiểu số, Bình Liêu cần có định hướng sản phẩm rõ ràng và sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho người dân.
Bên cạnh đó, huyện cũng cần có các quy hoạch, dự án cụ thể để phát triển du lịch cộng đồng một cách đồng bộ và bền vững.Thực tế cho thấy, hiện tại trên toàn huyện chỉ có chưa đầy 10 homestay cùng một số điểm cho thuê lều trại, xe máy, trang phục dân tộc. Số lượng nhà hàng phục vụ ăn uống, bán nông sản cho du khách cũng còn hạn chế.
Theo chia sẻ từ chính quyền địa phương,thời gian qua huyên Bình Liêu đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn. Trong đó, tập trung phân tích, chỉ rõ điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa, phương thức tổ chức hoạt động... Điển hình, UBND huyện Bình Liêu đã và đang tập trung xây dựng bản văn hóa người Tày tại Bản Cáu (xã Lục Hồn), nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của tộc người Tày Bình Liêu. Đồng thời rà soát tiềm năng của các cộng đồng dân tộc Dao, Sán Chỉ trên địa bàn các xã Đồng Văn, Húc Động..., nhằm nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, huyện cũng đang có cơ chế nhằm khuyến khích doanh nghiệp chủ động phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển du lịch. Công ty CP Du lịch Sen Á Đông đang nghiên cứu quy hoạch thực hiện Dự án du lịch cộng đồng ở các bản có tiềm năng. Đồng thời, Bình Liêu còn tổ chức các lớp đào tạo du lịch có trách nhiệm, tổ chức tham quan, học tập mô hình du lịch "làng cộng đồng" tại Hoà Bình,tích cực tuyên truyền, quảng bá tài nguyên, tiềm năng thế mạnh du lịch Bình Liêu để phục vụ phát triển du lịch…
Đặc biệt, trong 2 năm 2017 và 2018, Bình Liệu đã tổ chức rất thành công 2 lễ hội hoa sở vào dịp cuối năm,thu hút đông đảo du khách tới đây chiêm ngưỡng loại hoa với vẻ đẹp thuần khiết được coi là “đặc sản” của địa phương.
Chỉ cần có thêm những bước đi phù hợp như vậy, từ vị trí một “thiên đường” của dân du lịch bụi, Bình Liêu hoàn toàn đủ sức trở thành một huyện lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững cho mình.
Sơn Tùng
Tags