(Thethaovanhoa.vn) - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong khi một áp thấp nhiệt đới đã tiến vào khu vực phía Bắc của Biển Đông với sức gió mạnh nhất giật cấp 9, một xoáy thấp đang có xu hướng dịch chuyển về phía Vịnh Bắc Bộ, khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
- Áp thấp nhiệt đới giật cấp 8 trên Biển Đông, thủy điện mở thêm cửa xả, Hà Nội nhiều điểm ngập
- Mưa rất to kèm tố lốc, gió giật mạnh, áp thấp nhiệt đới có mạnh thành bão số 4?
Vào 7 giờ sáng nay 21/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 118,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 17,5 -20,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi ra ngoài Biển Đông (phía Đông Kinh tuyến 120 độ Kinh Đông). Đến 7 giờ ngày 22/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 121,7 độ Kinh Đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 220 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.
Do ảnh hưởng cùa hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trong ngày và đêm nay 21/7, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 và có mưa dông mạnh. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông: cấp 3.
Áp thấp mới đang tiến về Vịnh Bắc Bộ
Trong khi đó, hiện nay, xoáy thấp trên khu vực Bắc Bộ đang có xu hướng dịch chuyển theo hướng Đông Nam về phía Vịnh Bắc Bộ.
Dự báo, từ gần sáng và ngày mai (22/7), khả năng rất cao xoáy thấp này hoạt động mạnh dần lên thành áp thấp nhiệt đới ngay trên khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Áp thấp nhiệt đới sau khi hình thành có khả năng dịch chuyển chậm về phía Đông và gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-4 m cho khu vực Vịnh Bắc Bộ; trên đất liền ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có gió giật cấp 6-7. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Hiện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi xem khả năng áp thấp này có thể mạnh thành bão số 4 hay không.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong ngày và đêm nay (21/7), ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh. Khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-3 m; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Thủy điện Hòa Bình mở thêm cửa xả đáy
Ngày 21/7, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ban hành công điện gửi Công ty Thuỷ điện Hoà Bình.
Theo đó, hồi 5 giờ ngày 21/7, mực nước hồ Hoà Bình ở cao trình 104,91 m, lưu lượng đến hồ 9.942 m3/s và đang tiếp tục gia tăng, tổng lưu lượng xả 5.607 m3/s (gồm lưu lượng qua 2 cửa xả đáy và lưu lượng chạy máy phát điện).
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hòa Bình mở thêm 1 cửa xả đáy vào lúc 10 giờ ngày 21/7, liên tục phát tối đa qua 8 tổ máy. Tùy theo tình hình diễn biến của mưa lũ thượng nguồn có thể tiếp tục mở thêm các cửa xả đáy.
Hà Nội nhiều điểm ngập
Hà Nội trong đêm ngày 20/7 và rạng sáng 21/7, tại hầu hết các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đều có mưa vừa và mưa to, trong đó các huyện ngoại thành có lượng mưa tương đối lớn.
Tính đến thời điểm 6 giờ 30 phút ngày 21/7, tại khu vực Bắc Thăng Long (Đông Anh) có lượng mưa lớn nhất là 185,7mm; Quốc Oai là 146,6 mm; Thạch Thất là 185,7mm; Phúc Thọ là 114,1mm.
Khu vực nội thành, quận Thanh Xuân có lượng mưa lớn nhất với lượng mưa đo được là 132,5mm, còn các quận khác như: Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm lượng mưa đo được đều có lượng từ 70 - 100 mm.
Với lượng mưa như trên, tính đến thời điểm 6 giờ 30 phút sáng 21/7, tại một số khu vực ở Hà Nội đã xuất hiện úng ngập nhẹ. Cụ thể như: Phố Thanh Đàm (Thanh Trì) ngập 10 cm; đường Trường Trinh (đoạn quanh Bệnh viện Phòng không không quân) ngập 15 cm, Đại lộ Thăng Long (ngã ba giao Lê Trọng Tấn) mức độ ngập là 20 cm; phố Phạm Văn Đồng (ngã 3 Xuân Đỉnh - Tân Xuân); phố Phạm Văn Đồng (Đình Giàn); dốc La Pho - Thụy Khuê... với mức độ ngập từ 25 - 30 cm; phố Hoa Bằng (từ số nhà 91-97) ngập 15 cm; ngã ba Vũ Trọng Phụng - Quan Nhân cũng ghi nhận mức độ ngập là hơn 10 cm trên một khu vực rộng hàng trăm mét.
Tuy nhiên, cũng đến thời điểm 6 giờ 30 phút cùng ngày, tại các khu vực ngoại thành Hà Nội chưa ghi nhận hiện tượng ngập.
Theo ghi nhận, với lượng mưa như trên và đến gần 7 giờ 30 sáng vẫn chưa có dấu hiệu ngớt, trong ngày 21/7, tại địa bàn Hà Nội nhiều tuyến phố sẽ phải đối mặt với ngập lụt. Nhận định tình hình này, Công ty Trách nhiệm Một thành viên Thoát nước Hà Nội đã huy động lực lượng, phương tiện tổ chức tua vớt rác, khơi thông dòng chảy, cảnh báo hướng dẫn giao thông. Do là ngày nghỉ cuối tuần hơn nữa với mức độ ngập chưa nghiêm trọng nên tại thời điểm đầu giờ sáng 21/7, phương tiện di chuyển qua một số tuyến phố bị ngập không quá khó khăn.
Tại các trạm bơm trên địa bàn Hà Nội như: Yên Sở, Đồng Bông I…đang được vận hành theo quy trình để tiêu thoát nước trên hệ thống theo như kịch bản thoát nước mùa mưa mà thành phố đã lập ra từ đầu năm 2018.
Thảo Nhi
Tags