(Thethaovanhoa.vn) - Đến tối 14/10, tỉnh Quảng Bình có thêm hai người chết trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
- Hà Nội: Mưa lớn, cây đổ, đường tắc, nhiều phố ngập sâu đến nửa mét
- Quảng Ninh: Mưa kéo dài nhưng lượng mưa đã giảm, trung tâm TP Uông Bí ngập sâu
Mưa lớn và lốc xoáy khiến thuyền của vợ chồng ông Tuần bị chìm và bà Nguyễn Thị Lài bị chết đuối.
Trưa 14/10, tại thôn 7, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, ông Lê Văn Thân, sinh năm 1967 bị sét đánh chết khi đang đi từ ngoài đồng ruộng trở về nhà.
Ông Lê Tuấn Tôn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lý Trạch cho biết vào khoảng 11 giờ trưa 14/10, sau khi làm xong công việc đồng áng, ông Lê Văn Thân trên đường trở về nhà thì không may bị sét đánh chết.
Lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn các xe ôtô tránh đi vào những điểm ngập sâu tại thành phố Đồng Hới. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)
Ngay khi nhận được tin báo, lãnh đạo và chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, động viên và chia buồn với gia đình.
Ông Lê Tuấn Tôn cho biết thêm, mưa lớn kéo dài đã khiến các hồ nuôi cá, tôm của người dân ngập tràn, hoa màu bị ngập úng nặng. Mưa to cũng khiến một số khu vực ngập sâu, thôn 6 bị cô lập; nhiều tuyến đường giao thông bị ứ kẹt. Nhiều gia súc, gia cầm, vật nuôi của người dân bị mưa lớn cuốn trôi... gây thiệt hại nặng nề.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra, chính quyền địa phương cắt cử cán bộ túc trực, sẵn sàng các phương án ứng cứu, giúp dân...
Lực lượng CSGT đưa phương tiện ca nô đến những điểm ngập sâu tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình để di tản người dân đến nơi an toàn. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN
Trước đó, vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 14/10, tại thôn 3 Yên Thọ, xã Tân Hóa, ông Thái Xuân Năng, 62 tuổi đi dắt bò về. Khi lội qua ngầm tràn giữa thôn 3 và thôn 4 Yên Thọ, ông Năng đã bị nước cuốn trôi, mất tích.
Đêm 14/10, Quảng Bình mưa lớn vẫn tiếp diễn, nhiều người bị thương, giao thông gặp khó khăn, các đoạn đường trong thành phố Đồng Hới vẫn ngập sâu.
Nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng. Nhiều gia súc, gia cầm, vật nuôi khác của bà con bị mưa lớn cuốn trôi. Các bản làng như Rục (huyện Minh Hóa), Cờ Đỏ, Chăm Pu, Aki, Cà Ròng... địa bàn Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) bị chia tách, cô lập hoàn toàn.
Nước đầu nguồn dâng cao làm ngập hàng nghìn ngôi nhà của dân; trong đó có hơn 200 nhà ở xã Cao Quảng và xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa), 45 nhà ở xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), hơn 20 nhà ở các xã Phù Hóa, Quảng Sơn (huyện Quảng Trạch); thị trấn Ba Đồn có 600 ngôi nhà bị ngập từ 0,8-2m, 100 nhà tại thôn Biểu Lệ và xã Quảng Minh bị cô lập hoàn toàn.
Mưa lớn khiến nhiều xe ô tô bị ngập sâu và chết máy trong biển nước tại thành phố Đồng Hới. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN
Con số thiệt hại trên địa bàn tỉnh do mưa lớn gây ra chưa có thống kê cụ thể.
Những hộ dân sống ở các khu vực nguy hiểm như xã Phù Hóa (huyện Quảng Trạch) đã sơ tán 78 người đến nhà cao tầng. Người dân ở vùng chợ các thôn Cù Lạc 1, Cù Lạc 3, Xuân Tiến (xã Sơn Trạch); 50 hộ dân sống ven sông ở xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch) và 150 hộ dân ở xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa) đã được chỉ đạo, di dời đến nơi an toàn.
Tại Quảng Trị, tính đến 20 giờ 30 phút ngày 14/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đã có trên 450 nhà dân bị tốc mái và nhiều diện tích hoa màu, cây công nghiệp, lâm nghiệp bị đổ ngã, vật nuôi bị chết...
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, lốc xoáy khiến hơn 450 nhà dân tại các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, thị xã Quảng Trị... bị tốc mái, trong đó, có 55 nhà bị tốc mái nặng và đổ sập, còn lại hư hỏng một phần.
Bên cạnh đó, lốc xoáy khiến 7 điểm trường và 1 hội trường hợp tác xã bị tốc mái; khiến 3 người dân tại huyện Triệu Phong bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng. Nhiều diện tích hoa màu, cây lâu năm, cây công nghiệp của người dân bị ngã đổ, hư hại…
Hiện do mưa lớn kết hợp với nguồn nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước trên các con sông như: Thạch Hãn, Hiếu, Bến Hải... đang lên nhanh, đạt đỉnh.
Bà Nguyễn Thị Triều Thương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Triệu Phong cho biết hiện nay, trên địa bàn mưa lớn khiến xã Triệu Thành bị ngập sâu trong nước. Có một số nơi ngập sâu trên 1m, một số tuyến đường bị chia cắt như ở xã Triệu Giang, Triệu Thành.
Hiện tại, chính quyền huyện Triệu Phong đã tiến hành sơ tán 15 hộ dân ra khỏi vùng ngập sâu về nơi an toàn; đồng thời, tăng cường lực lượng và phương tiện để thực hiện 4 tại chỗ để ứng phó kịp thời với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
TTXVN
Tags