75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9: Việt Nam - độc lập, hùng cường
(Thethaovanhoa.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời khi chưa hoàn thành được tâm nguyện "xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Thực hiện mong ước của Người, hơn 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh
Độc lập, tự do và thống nhất đất nước là khát vọng cháy bỏng, là mục tiêu phấn đấu, thể hiện rõ trong mọi thời điểm và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do vậy mà dù có ở trong những hoàn cảnh khác nhau, thời điểm khác nhau thì khát vọng đó đều được thể hiện một cách nhất quán, xuyên suốt, đó là: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (1); "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" (2); “Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/Bắc Nam sum họp/Xuân nào vui hơn”(3); “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” (4)...
Trong hành trình hoạt động cách mạng và đấu tranh để đạt được khát vọng đó, Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam; sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam rồi đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng vừa chuyên; tập hợp, cổ vũ, động viên quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh cách mạng trong Mặt trận dân tộc thống nhất, trong các đoàn thể chính trị để nhân lên nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc… Từ đó, lãnh đạo toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945, khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và dân tộc. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (5).
Tiếp đó, kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn, thử thách, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, đồng thời tiếp tục phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước kiên trì kháng chiến và kiến quốc. Và sau 9 năm trường kỳ, ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu".
Tiếp tục thực hiện khát vọng thống nhất đất nước, Bác và Đảng ta đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, là: cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Để khẳng định niềm tin và quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ, ngày 17-7-1966, trong Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, Bác khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa…, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do” (6).
Tinh thần, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được thể hiện rõ trong từng quyết sách của Trung ương Đảng, trong nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt trong bản Di chúc lịch sử Bác để lại trước lúc đi xa.
Trong Di chúc, Bác nhiều lần nhắc đến cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ với niềm tin tất thắng: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải rút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc” (7)… Hai từ “nhất định” được lặp lại nhiều lần, thể hiện khát vọng cháy bỏng và niềm tin tưởng tuyệt đối của Người vào thắng lợi của nhân dân ta vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất.
Trong đoạn cuối của Di chúc, Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (8). Bằng một câu, Bác đã chỉ rõ, đầy đủ nhiệm vụ của Đảng, nhân dân ta, cũng là mục tiêu, đích đến của cách mạng Việt Nam, chính là: Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ, Giàu mạnh. Đây cũng chính là mục tiêu cao nhất của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Thỏa lòng mong ước của Người
Bác đi xa trước khi ước nguyện lớn nhất trở thành hiện thực. Ngày Bác mất, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thề: “Gương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người” (9).
Thực hiện lời thề đó, nhân dân ta đã nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước giành được những thắng lợi quan trọng trên các chiến trường. Chiến thắng của trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972 của quân dân Hà Nội đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975 đã giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Tâm nguyện của Người trong Di chúc và khát vọng của toàn dân tộc về một nước Việt Nam thống nhất đã trở thành hiện thực.
Hơn 50 năm sau khi Bác đi xa cũng là hơn 50 năm thực hiện Di chúc của Người, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đoàn kết một lòng, phát huy những bài học kinh nghiệm trong chiến tranh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ đề ra và đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán giữa đường lối chiến lược và chủ trương, chính sách phát triển đất nước, Đảng ta còn tiếp tục bồi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự do, thống nhất đất nước của mỗi người dân Việt Nam để nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, đạt được những thành tựu to lớn về cả chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội và quốc phòng, an ninh.
Sau gần 35 năm đổi mới và hội nhập, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tăng trưởng kinh tế bình quân những năm gần đây đạt gần 7%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2019 đạt gần 2.800 USD. Đặc biệt, Việt Nam thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển khá nhanh với nhiều công trình hiện đại, tạo diện mạo mới cho đất nước. Tiến bộ, công bằng xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả.
Về thực hành và phát huy dân chủ, hơn 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, nhất là trong công cuộc đổi mới, chúng ta đã làm được nhiều việc. Hiến pháp mới, nhiều đạo luật mới được ban hành…, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Dân chủ đại diện ngày càng hoàn thiện, bảo đảm quyền tự do ứng cử và bầu cử. Hoạt động của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp ngày càng có hiệu quả thiết thực, công khai, bảo vệ quyền và lợi ích của đất nước, của nhân dân. Dân chủ trực tiếp được mở rộng. Ở tầm quốc gia, Quốc hội đã thông qua Luật Trưng cầu dân ý. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định chính sách, pháp luật về quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở...
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực trong xã hội, tạo nên những cơ hội lớn chưa từng có và những thách thức mới đối với sự phát triển của nước ta. Trong bối cảnh đó, tiếp tục thực hiện ngày càng tốt hơn "điều mong muốn cuối cùng" của Bác trong Di chúc vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam hôm nay cũng như mai sau.
Tùng Lâm/TTXVN (tổng hợp)
(1): Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.1, tr. 94
(2): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.161
(3): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.12, tr.426
(4), (7): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.12, tr.511
(5): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.4, tr.4
(6): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.12, tr.108
(8): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.12, tr.512
(9): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.12, tr.516